
Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Mirae Asset (Việt Nam) (gọi là Mirae Asset Finance Vietnam) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 với khoản lỗ sau thuế 159 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ kỷ lục 963 tỷ đồng năm 2023.
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính bán niên năm 2024, công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm 392 tỷ đồng. Như vậy, khả năng nửa cuối năm 2024 công ty đã có lãi trở lại, giúp khoản lỗ cuối năm được cải thiện. Đây là năm thứ hai thua lỗ liên tiếp của công ty tài chính này. Trước đó, năm 2022, công ty lãi sau thuế 127 tỷ đồng. Như vậy, công ty lỗ luỹ kế 2 năm liên tiếp 1.122 tỷ đồng.
Khoản lỗ ròng làm giảm vốn chủ sở hữu của Mirae Asset Finance từ hơn 1.700 tỷ đồng về còn 1.585 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp chủ sở hữu đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ngày càng âm nặng, lên tới 525 tỷ đồng.
Bức tranh tài chính của Mirae Asset Finance tương đối kém khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm 2024 tăng từ 6,92 lần lên 7,96 lần, tương đương nợ phải trả đạt 12.617 tỷ đồng.
Trong đó, nợ vay ngân hàng đạt 7.967 tỷ đồng, còn lại là 800 tỷ đồng nợ vay từ phát hành trái phiếu riêng lẻ và 3.845 tỷ đồng nợ phải trả khác.
Tỷ suất an toàn vốn theo quy định giảm từ 21,75% cuối năm 2023 xuống còn 20,66%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cải thiện so với kết quả 17,25% vào cuối quý II/2023.

Cùng thời điểm công bố báo cáo tài chính năm 2024, Mirae Asset Finance cũng có văn bản về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Cụ thể, công ty đang lưu hành lô trái phiếu mã MFFCH2333001 với tổng giá trị 800 tỷ đồng, lãi suất cố định 11,5%/năm.
Đáng nói, lô trái phiếu này chưa được thanh toán đầy đủ. Trong bốn kỳ thanh toán lãi năm qua, công ty mới chỉ chi trả đúng hạn cho kỳ thứ 4 vào ngày 22/12/2024 với số tiền gần 23 tỷ đồng. Ba kỳ còn lại, với thời hạn thanh toán lần lượt vào ngày 22/3, 22/6 và 22/0 đều tạm ngưng trả lãi.
Mirae Asset Finance Vietnam là thành viên của Tập đoàn Mirae Asset đến từ Hàn Quốc, có mặt tại Việt Nam năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011. Hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng với các sản phẩm chính gồm vay nhanh, thẻ tín dụng,
Công ty này có vốn điều lệ ban đầu là 700 tỷ, sau đó tăng lên 2.000 tỷ đồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Mirae Asset Capital (có trụ sở chính tại Hàn Quốc) sở hữu 100% vốn điều lệ.
Lợi nhuận nhiều công ty tài chính lao dốc
Mirae Asset Finance Vietnam không phải công ty tài chính duy nhất rơi vào cảnh thua lỗ. Năm 2024, lợi nhuận các công ty tài chính lớn trên thị trường giảm sâu, nhiều đơn vị báo lỗ cả trăm tỷ đồng.
Công ty tài chính có vốn ngoại khác là Shinhan Finance - thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc) - cũng lỗ sau thuế 95 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Trước đó, năm 2023, đơn vị này lỗ tới 460 tỷ đồng.
Một trong những đơn vị lỗ sâu nhất thị trường phải kể đến Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng VNTV SMBC khi lỗ sau thuế hơn 700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Trước đó, năm 2023, công ty lỗ nặng hơn 2.900 tỷ đồng.
Không thua lỗ, song Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) lại "đánh rơi" gần 87% lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2024, còn 43 tỷ đồng.
Ngược lại, Home Credit - công ty tài chính vừa về tay ngân hàng SCB Thái Lan - lại có lợi nhuận tăng trưởng tốt. Nửa đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của đơn vị tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Theo giới phân tích, khó mở rộng cho vay, cùng các điều kiện tín dụng bất lợi, gồm nhu cầu giảm, tỷ lệ nợ quá hạn tăng và hoạt động cho vay bị thắt chặt... là những lý do khiến lợi nhuận các công ty tài chính bị ảnh hưởng mạnh.