Bầu trời tất cả các nước trên thế giới đều giống nhau, nhưng đối với không quân của mỗi nước lại có học thuyết quân sự riêng biệt, từ đó hình thành nghệ thuật tác chiến đường không riêng biệt. Căn cứ vào những yếu tố đặc thù như: lãnh thổ, con người, lịch sử, truyền thống, kinh nghiệm và phương tiện chiến đấu, hình thành lên chiến thuật tác chiến đường không.
Nghệ thuật tác chiến của không quân Việt Nam cũng khai thác triệt để các kinh nghiệm, yếu tố đã mang lại chiến thắng trong chiến tranh chống lại lực lượng không quân Mỹ, hùng hậu và mạnh nhất thế giới giai đoạn 1968 – 1972. Trong đó, yếu tố đóng vai trò quyết định là yếu tố tư tưởng – tinh thần trong mỗi người phi công tiêm kích lực lượng không quân Việt Nam.
Có những đặc điểm phổ biến và đóng vai trò quyết định trong nghệ thuật tác chiến trên không của KQ Việt Nam, được thể hiện rất rõ nét trong tổng kết các kinh nghiệm trước đây và phương thức huấn luyện chiến đấu ngày nay:
1- Tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ và công nghiệp quốc phòng hạn chế, do đó số lượng máy bay chiến đấu của Việt Nam, thông thường nhỏ hơn số lượng máy bay chiến đấu của đối phương nhiều lần.
2- Đặc thù chiến đấu bảo vệ tổ quốc, yếu tố phòng ngự tiến công đóng vai trò chủ đạo trong nghệ thuật quân sự. Do đó phương thức tác chiến thường là: phục kích, tập kích đường không và các phương án là; bí mật tiếp cận, chiếm ưu thế trên không, tấn công ở tầm gần và rút lui nhanh chóng bảo vệ lực lượng. Với phương án tác chiến này, số lượng máy bay tiêm kích đánh chặn không cần đông, nhưng phải đảm báo khả năng độc lập tác chiến cao, khả năng xuất kích tiến công bất ngờ (cất cánh ở những nơi bất ngờ nhất, hạ cánh ở những nơi địch khó phát hiện nhất).
Từ hai yếu tố đặc trưng đã nếu, không quân Việt Nam cần những máy bay có khả năng tác chiến đa nhiệm, cơ động chiến đấu tiếp cận mục tiêu bí mật (trần bay thấp, lợi dụng địa hình), độc lập xuất kích và cơ động chiến đấu (xuất kích từ một sân bay dã chiến bí mật, và quay trở về sân bay bí mật khác. Máy bay phải gọn, nhẹ, cất cánh ở mọi điều kiện, mang đủ vũ khí theo nhiệm vụ được giao, tấn công bất ngờ, quyết liệt và thoát ly chiến trường nhanh chóng.
MiG- 21 có nghĩa là chiến thắng |
MiG – trong khái niệm của Việt Nam, đồng nghĩa với “én bạc chiến thắng”, được xây dựng bởi những MiG – 21 đã mang lại rất nhiều chiến công huyền thoại trên bầu trời Việt Nam. Tiếp nối truyền thống của MiG – 21. MiG- 35 có thể xứng đáng có một vị trí trong hàng ngũ những cánh bay của Không quân Việt Nam.
MiG -35 là sự phát triển và hoàn thiện của các dòng máy bay nổi tiếng MiG – 29K/KUB và MiG 29M/M2. MiG – 35 có cấu trúc thiết kế tương tự như MiG-29K – máy bay tiêm kích trên tàu sân bay). Khung sườn máy bay, hệ thống động cơ, hệ thống điều khiển máy bay, cabin của phi công trên tất cả các máy bay đều giống nhau, ngoại trừ bộ phận gầm nhẹ, thay vì móc phanh máy bay đã sử dụng hệ thống dù hãm, các cánh của máy bay không gập.
MiG – 35 |
MiG – 35 được thiết kế là máy bay tiêm kích đa nhiệm, có mục đích thực hiện các nhiệm vụ:
- Chiếm ưu thế chủ động trên không;
- Đánh chặn các phương tiện tấn công đường không của đối phương;
- Triển khai các đòn tập kích đường không bằng vũ khí chính xác các mục tiêu trên đất liền và trên biển, không tiếp cận vùng phòng không của đối phương ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện khí hậu, thời tiết;
- Tiến hành trinh sát đường không có sử dụng các phương tiện trinh sát quang – điện tử và các phương tiện trinh sát radar – điện tử khác;
- Tác chiến trong đội hình không quân hỗn hợp và thực hiện nhiệm vụ điều hành tác chiến trên không các cụm máy bay hỗn hợp;
Những thông số cơ bản của máy bay tiêm kích MiG – 35.
Kíp lái: 1 người
Chiều dài:17,3m, cao: 4,5 m, sải cánh: 11,99 m
Khối lượng máy bay trung bình là 17500 kg; cực đại là 23500 kg
Tải trọng cất cánh: 16800 kg
Khối lượng vũ khí: 6500 kg
Lượng dầu dự trữ: 4800 kg
Tốc độ ở độ cao thấp : 1400 km/h; Tốc độ ở độ cao khai thác sử dụng: 2100 km/h; Trần bay: 17500m.
Tầm hoạt động xa nhất khi không có thùng dầu phụ:2000 km, có ba thùng dầu phụ: 3000 km, có ba thùng dầu phụ và tiếp dầu trên không: 6000 km
MiG-35 được lắp đặt đài radar chủ động mảng pha, tổ hợp phòng thủ điện tử, hệ thống quang học và hệ thống phòng thủ thụ động. Trong biên chế trang thiết bị trên máy bay có một container quang học đồng bộ đa dụng, có thể thực hiện 3 nhiệm vụ: dẫn đường, chỉ thị mục tiêu và trinh sát quang điện tử.
Radar "Zhuk-AE» (FGA-29) lắp trên MiG 35 là radar mảng pha chủ động (AESA), có khả năng theo dõi cùng lúc 30 mục tiêu và có khả năng tấn công cùng lúc 2-6 mục tiêu trên khoảng cách đến 130 km.
Các thiết bị trinh sát, cảnh báo sớm trên MiG - 35 |
Thiết bị quan sát mục tiêu phía dưới OLS-K là thiết bị nhằm phát hiện và tấn công các mục tiêu tầm thấp và mặt đất, bao gồm các kênh Hồng ngoại, kênh televideo, bộ phận đo xa laser và chỉ thị mục tiêu, thiết bị phát hiện các loại đèn laser. Toàn bộ thùng container nặng 110 kgPhát hiện mục tiêu trên mặt đất (xe tăng, xuồng chiến đấu ) ở khoảng cách từ 20 – 40 km. Đo xa mục tiêu trên mặt đất là 20 km.
Đài quan sát phát hiện mục tiêu tên lửa tấn công NA-SAR và đài quan sát phát hiện mục tiêu tên lửa phía trên BC-SAR. Bộ phận quan sát quản lý bán cầu không gian phía trên được lắp đặt sau đèn cabin phi công, đài quan sát mục tiêu tên lửa phía dưới được lắp trong 1 container gắn phía dưới của vỏ bọc động cơ bên trái.
Đài có mục đích phát hiện tên lửa phóng từ bán cầu phía trên và phía dưới máy bay, theo dõi và chọn lọc mục tiêu tên lửa và phương tiện mang tấn công bằng tên lửa, theo dõi các tên lửa trên đường bay liên tục, không bị ngắt quãng, đo tọa độ của tất cả các tên lửa tấn công. Tầm xa phát hiện mục tiêu phóng tên lửa - 50 km
Thiết bị phát hiện bức xạ laser SOLO được lắp đặt bằng hai module ở bên trái và bên phải khuyên cánh máy bay. Được sử dụng nhằm phát hiện nguồn chiếu xạ laser, xác định tọa độ góc chiếu laser và tần số phát xung của đài phát laser. Có thể phát hiện các nguồn phát laser có bước sóng đến 1,06 micron và / hoặc 1,5 ... 1,6 mm, tần số xung đến 10 kHz.
Máy bay MiG 35 tăng cường khả năng bảo vệ do được lắp đặt các tổ hợp phòng thủ, giảm độ phản xạ hiệu dụng và bức xạ hồng ngoại; năng lực phát hiện và tấn công mục tiêu do sử dụng các bộ khí tài và hệ thống phát hiện, chỉ thị mục tiêu; có khả năng cất cánh và hạ cánh trên các sân bay không có thiết bị dẫn đường hạ cánh và không được chiếu sáng đường băng, đồng thời có khả năng hoạt động độc lập cao.
Một đặc điểm của cấu trúc thiết kể trang thiết bị điện tử cho phép theo yêu cầu của khách hàng có thể lắp đặt trên máy bay các trang thiết bị nâng cấp có công nghệ và chế tạo ở Nga cũng như ở nước ngoài.
Theo thiết kế, tất cả các hệ thống trên máy bay đều được lắp trang thiết bị theo nguyên tắc cặp đôi. Hệ thống máy tính điều khiển trên máy là hệ thống cặp đôi thay thế cho nhau, một máy tính hoạt động và một máy tính ở chế độ trực sẵn sàng. Mỗi động cơ đều dẫn động cho một hộp các bộ phận các thiết bị, hộp thiết bị tổ hợp cung cấp nguồn điện, thủy lực và dẫn động động cơ bơm dầu. Hệ thống điện nguồn cũng là cặp đôi máy phát điện. Thay vì có hai máy phát điện như MiG - 29, MiG - 35 có tới 4 máy phát điện.
Để đảm bảo an toàn và giữ bí mật khi hoạt động trên sân bay dã chiến, MiG-35 được lắp thêm chế độ hệ thống điện nguồn độc lập, khi các động cơ điện có thể khởi động các bộ phận thiết bị của máy bay mà không cần khởi động động cơ.
Điều đó cho phép ở điều kiện dã chiến có thể kiểm tra được toàn bộ hệ thống máy bay mà không cần nguồn điện bên ngoài hoặc khởi động động cơ trên mặt đất. Cũng trên MiG 35 có lắp đặt hệ thống cung cấp khí ô xy chủ động. Điều đó làm cho máy bay MiG 35 có thể hoạt động độc lập trên một sân bay dã chiến thông thường, không có các trang thiết bị phụ trợ.
Động cơ RD – 33MK cắt bổ |
Động lực của máy bay là động cơ tua bin cánh quạt phản lực hai khoang hai buồng đốt RD-33MK không khói lấy từ máy bay MiG – 29. RD – 33MK có lực đẩy cực đại hai buồng đốt là 9000 kgf, lực đẩy cực đại là 5400 một buồng đốt, dự trữ thời gian là 4000 giờ, sửa chữa nhỏ 1000 giờ.
Động cơ được lắp đặt buồng đốt không khói và hệ thống điều khiển điện tử mớichịu trách nhiệm toàn bộ (FADEC). Động cơ được thiết kế theo dạng module, theo đơn đặt hàng của khách hàng có thể lắp động cơ nâng cấp điều khiển vector đa hướng nhằm tăng cường tối đa khả năng cơ động của máy bay.
Phía trước buồng lái MiG -35 |
Buồng lái máy bay MiG – 35 hoàn toàn làm bằng kính trong suốt, cho phép phi công có thể quan sát không gian bán cầu phía trước và hai bên. Trong buồng lái có 3 màn hình multi indicator đa dụng và một màn hình vuông góc lớn trên kính buồng lái phía trước.
Vũ khí trang bị được treo trên 9 giá treo vũ khí ở dưới thân và cánh. Máy bay có trang thiết bị tiếp dầu trên không và hơn thế, có khả năng cấp dầu cho máy bay khác. MiG – 35 có một điểm rất đặc biệt, đó là công nghệ được chế tạo sử dụng nguyên lý chống rỉ của máy bay trên boong tàu sân bay với các tiêu chuẩn dành cho máy bay tiêm kích KQHQ. Chính điều này giúp cho MiG – 35 có khả năng hoạt động rất tốt trong điều kiện môi trường nhiệt đới bờ biển.
Súng tự động GS 30-1, cỡ nòng 30 mm, số lượng đạn 100 viên. Các loại vũ khí treo trên cánh: tên lửa Không đối không: R-27, RVV-АЕ, R-73, Tên lửa chống tàuKh-31А và Kh-35, tên lửa tấn công các mục tiêu mặt đất: Kh-31P, Kh-25МL, Kh-29Т, Kh-29L, Rockets, Các loại bom có điều khiển và bom liệng, thủy lôi.
Vũ khí trang bị trên MiG - 35 |
Từ những thiết kế cơ bản và vũ khí trang bị trên máy bay, có thể nhận thấy rõ ý đồ chiến thuật của nhà thiết kế. Nhà sản xuất MiG – 35, dựa trên những kinh nghiệm có được từ MiG – 21 và MiG – 29, có xu hướng thiết kế MiG – 35 dành cho môi trường tác chiến nhiệt đới – biển.
Nếu Su – 30MK2 là máy bay tiêm kích đánh chặn đa nhiệm, thì MiG – 35 là máy bay tiêm kích đột phá đa nhiệm. Với khả năng cất cánh trên đường bay dã chiến, MiG – 35 có thể cất cánh từ bất kỳ vị trí nào trên tuyến đường cong bờ biển Việt Nam, bằng tốc độ cao và tầm bay thấp, một biên đội MiG – 35 có thể bay theo địa hình sát mặt nước biển, tránh được sự phát hiện của các máy bay AWACS của đối phương, bất ngờ chiếm độ cao đột kích đội hình tác chiến của đối phương, cận chiến tiêu diệt mục tiêu quan trọng, thoát ly chiến trường và quay trở về sân bay dã chiến ở một vị trí hoàn toàn bất ngờ với đối phương.
Đây cũng là cách đánh truyền thống của không quân tiêm kích Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh 1968 - 1972, gây sự kinh hoàng đối với những phi công dày dạn kinh nghiệm của không quân Mỹ. Ngoài ra, cũng với tốc độ cao ở độ cao thấp, MiG – 35 có thể bất ngờ công kích các cụm AVG (cụm không quân hải quân chiến thuật) của đối phương bằng tên lửa chống tàu Kh – 31, Kh – 35 và thoát khỏi tuyến phòng không của máy bay đối phương trong thời gian ngắn. Với phương thức tác chiến đánh nhanh, thoát ly nhanh. Một lực lượng không quân tiêm kích không lớn cũng có thể là một địch thủ đáng sợ trên vùng nước biển Đông.
Trịnh Thái Bằng theo InfoNet