|
Ông Vương Đình Huệ. |
Chiều 2/5, kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội để thực hiện các nội dung: Xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.
Sau khi nghe trình bày các tờ trình, ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã thảo luận, bỏ phiếu kín thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ.
Cũng trong chiều 2/5, Quốc hội thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Huệ đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Từ năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam có 12 Chủ tịch, trong đó ông Vương Đình Huệ (sinh năm 1957) là người đầu tiên Quốc hội miễn nhiệm. Ông là người có thời gian nắm cương vị này ngắn thứ 2 trong lịch sử Quốc hội Việt Nam (3 năm, 1 tháng, 2 ngày), sau ông Nguyễn Văn Tố (1889-1947) với 252 ngày, từ ngày 2/3 đến 8/11/1946. Ông Trường Chinh là người giữ cương vị lâu nhất với 21 năm.
Trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ từng là Phó tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.