Microsoft “đổ dầu vào lửa” vụ EU kiện Google độc quyền

Microsoft chính là nhân tố quan trọng trong vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu đối với Google. Nhà sản xuất Windows tài trợ nhiều hoạt động "bóc mẽ" đối thủ Google.
Microsoft đuổi Google sát nút trong cuộc chiến chống độc quyền tại châu Âu. Ảnh minh họa: Internet
Microsoft đuổi Google sát nút trong cuộc chiến chống độc quyền tại châu Âu. Ảnh minh họa: Internet

Trong quá khứ, Microsoft từng là “nạn nhân” của Liên minh châu Âu (EU) khi bị phạt 5 lần với tổng số tiền hơn 3 tỷ USD. Hiện tại, Google đã thế chỗ Microsoft để lọt vào tầm ngắm của nhà chức trách EU. Tuần trước, EU chính thức buộc tội hãng tìm kiếm Internet lạm dụng vị trí thống trị thị trường để “chơi xấu” các đối thủ nhỏ hơn. “Góp công” lớn trong cuộc chiến giữa EU và Google bất ngờ lại xuất hiện Microsoft.

Theo Thời báo New York, Microsoft chi vận động hành lang nhiều hơn bất kỳ công ty châu Âu nào khác, thậm chí còn thành lập hoặc tài trợ các nhóm nhỏ trong ngành. Nổi bật nhất là “Initiative for a Competitive Online Marketplace” (Incomp), phát động các chiến dịch quan hệ công chúng không ngừng nghỉ nhằm vào Google. Imcomp tổ chức các hội thảo Internet, bàn luận, hội thảo báo chí, thực hiện nghiên cứu cho rằng những thay đổi mà Google thực hiện để xoa dịu nhà chức trách phần lớn chỉ là bề ngoài.

Microsoft và Google được xem như Cain và Abel trong làng công nghệ Mỹ (Cain và Abel là hai con trai đầu của Adam và Eva, trong đó Cain đã giết em trai mình). Microsoft tức giận khi nhà chức trách Mỹ tại Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) không làm điều tương tự EU khi điều tra độc quyền Google năm 2013, gọi nó là “cơ hội bị bỏ lỡ”. Công ty còn đưa cuộc chiến này lên cấp nhà nước cùng với một số đối thủ khác của Google.Thời báo New York cho rằng, Microsoft có nhiều liên hệ ở mọi cấp độ với ba khiếu nại ban đầu làm nổ ra cuộc điều tra chống độc quyền vào Google. Nhà phát triển Windows có thêm động lực sau khi chính quyền châu Âu đổ thêm nhiều công sức điều tra. Tháng 3/2015, Microsoft còn đóng vai trò quan trọng trong phái đoàn các công ty Mỹ gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại đây, đề nghị ông để Google tự xoay sở trước các nhà chức trách châu Âu.

Ngày nay, cuộc chiến giữa Microsoft – Google lan sang châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại vì thị phần Google tại nhiều nước lên đến gần 90%, còn cao hơn nhiều so với tại Mỹ. Theo ông Manfred Weber, Nghị sỹ quốc hội Đức, “Microsoft đang làm hết sức mình để khiến Google gặp rắc rối. Đây là điều khá thú vị vì 10 năm trước, Microsoft vẫn là công ty lớn mạnh còn bây giờ, họ đã ở chiếu dưới”.

Tất nhiên, vai trò của Microsoft trong vụ EU cáo buộc Google không có nghĩa Google vô tội hoàn toàn. Bà Magrethe Vestager, ủy viên cạnh tranh EU, cho biết Google đã ưu tiên dịch vụ mua sắm riêng so với của các đối thủ. Đây được xem là hành vi lạm dụng. Ủy ban tiếp tục điều tra liệu Google có sao chép các nội dung của các hãng khác và sử dụng lợi thế độc quyền để ngăn cản các doanh nghiệp dùng nền tảng quảng cáo của đối thủ hay không. Android cũng trở thành mặt trận mới để điều tra.

Microsoft không đơn độc trong cuộc chiến này khi có nhiều công ty công nghệ và Internet Mỹ cũng đứng chung hàng để chống lại Google tại châu Âu, trong đó có Yelp, dịch vụ xếp hạng nhà hàng và doanh nghiệp, TripAdvisor, website du lịch. Các thế lực khác của châu Âu cũng “bon chen”, như các nhà xuất bản Đức, những người trước đây cáo buộc Google sử dụng nội dung của họ.

David Howard, luật sư trưởng của Microsoft, tiết lộ Microsoft chỉ là 1 trong hơn 30 người khiếu nại, có chung mối lo lắng, mong muốn nhà chức trách khôi phục cạnh tranh công bằng vì lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Google cũng có nỗ lực vận động hành lang riêng. Chủ tịch Eric Schmidt từng gặp gỡ một số quan chức cấp cao. Google phản bác cáo buộc làm giả kết quả tìm kiếm hay đối xử không công bằng với đối thủ. Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch Google châu Âu Peter Barron, viết: “Chúng tôi phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực: Amazon đứng đầu về mua sắm trực tuyến; Booing, Expedia và Priceline là người chơi quan trọng trong du lịch. Mọi người có nhiều lựa chọn và chỉ tăng lên theo từng năm”.

Cuộc điều tra của EU vào Google bắt đầu từ năm 2010 sau khi ba doanh nghiệp thuộc ba nước khác nhau đâm đơn kiện Google. Ciao, website so sánh mua sắm của Đức, khẳng định thỏa thuận sử dụng dịch vụ tìm kiếm của Google hạn chế năng lực thực hiện quảng cáo với các đối thủ khác của Google. Trang này được Microsoft mua lại trước khi gửi khiếu nại.

Foundem, chợ thương mại điện tử Anh, tố cáo công cụ tìm kiếm của Google ưu ái dịch vụ mua sắm riêng của họ và hạ thấp kết quả dẫn đến Foundem cũng như các công ty khác. Foundem do Shivaun Raff đồng sáng lập, người sau đó trở thành cố vấn cho Icomp năm 2011. Bà từng đi khắp thế giới để tấn công Google, gặp gỡ nhà chức trách, nhà hoạch định chính sách tại Ấn Độ, Mỹ, Úc.

Bên nguyên thứ ba, công ty tìm kiếm Ejustice.fr của Pháp, có cố vấn là Jacques Lafitte. Ông Lafitte trước đây là quan chức cấp cao của Microsoft tại châu Âu.

Microsoft và đồng minh cho rằng, không có sự bắt tay nào trong việc chống lại Google. Ông Lafitte từ chối mọi liên hệ với Microsoft trong hơn 10 năm qua.

Các nhóm có sự tham gia của Microsoft đang dang rộng cánh. Hãng truyền thông Burson-Marsteller có thời gian cộng tác lâu dài với Microsoft và Icomp. Sau khi Lord Alan Watson, thành viên Thượng Nghị viện Anh nghỉ hưu khỏi Burson năm 2007, một quan chức Burson khác đã tiếp cận ông để thực hiện dự án mới. Thời điểm đó, ông tiết lộ muốn tạo ra một loại hiệp hội thương mại với Microsoft là một trong những nhà tài trợ chính. Nhóm này chính là Icomp, tập trung chủ yếu vào Google. Ông Watson hiện là chủ tịch Icomp.

Tại một hội thảo gần đây diễn ra trong khách sạn hạng sang Luân Đôn (Anh), sau tóm tắt ngắn của Lord Watson, một nhóm các lãnh đạo bắt đầu phàn nàn về Google. Một giám đốc từ tòa báo của Anh cho rằng Google và Facebook giữ chặt dữ liệu độc giả, còn lãnh đạo đến từ Giải bóng đá ngoại hạng Anh nhận xét các hãng công nghệ đang dùng chính quy tắc của mình để tự phán xét. “Luật cạnh tranh không được áp dụng trên mạng”, ông nói. Người khác gọi Google là mối đe dọa đến sự tồn tại của các nghệ sỹ độc lập. Lãnh đạo Yahoo chốt hạ: “chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của các vị”.

Google không im lặng. Chi tiêu vận động hành lang của hãng đã tăng gấp 3 kể từ năm 2010, dù chỉ bằng 1/3 so với những gì Microsoft bỏ ra. Google tuyển cựu quan chức của cơ quan chống độc quyền châu Âu, Sarah Biontino, người đang điều hành một công ty vận động hành lang tại đây, cũng như các hãng khác như PA Europe có Chủ tịch là cựu Thủ tướng Bỉ.

Số phận của Google đang nằm trong tay bà Vestager, người đứng đầu ủy ban cạnh tranh châu Âu từ tháng 11/2014. Sau 5 năm và 3 lần thỏa hiệp thất bại của người tiền nhiệm, bà muốn triển khai phương thức khác và dường như đang gặt hái được thành công. “Vấn đề không phải đó là công ty châu Âu, Mỹ, Nga, Trung Quốc hay gì đó. Nếu anh muốn cạnh tranh tại thị trường châu Âu, anh phải làm điều đó bằng cách tuân thủ luật cạnh tranh châu Âu”, bà phát biểu hôm 15/4.

Theo: ITCnew