Trong gần hai năm qua, dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền nhàn rỗi ào ạt đổ vào chứng khoán như một kênh đầu tư hữu hiệu. “Mua đâu cũng trúng”, “ăn bằng lần” là tất cả những gì có thể miêu tả về giai đoạn đó.
Thế nhưng, cái gì quá nóng đều dễ bỏng tay. Chỉ hơn một tháng qua, các nhà đầu tư đã chứng kiến các chỉ số chứng khoán rơi thẳng đứng, ngay cả VN30 cũng có những ngày không một mã nào xanh, giảm sàn quá nửa khiến nhiều người hoảng loạn, kêu trời.
Người muốn rời bỏ
Chỉ trong thời gian ngắn, chỉ số Vn-Index rơi từ "đỉnh cao" khoảng 1.530 điểm xuống còn 1.182 điểm ở thời điểm hiện tại, nhiều tài khoản của nhà đầu tư đã “bốc hơi” trung bình khoảng 40%, thậm chí có người đến hơn 70%, nặng nề hơn là “cháy” tài khoản do sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) quá cao, dẫn đến tình trạng bị call margin (ép phải bán để trả tiền vay).
“Vừa vào đợt hàng mới chưa được bao lâu thì thị trường bước vào đợt rung lắc mạnh nhưng mình không quá quan tâm bởi lên xuống là diễn biến hết sức bình thường của thị trường. Tuy nhiên, các dự báo downtrend (xu hướng giảm) xuất hiện tràn lan, nhóm cổ phiếu chứng khoán mình nắm giữ giảm sàn liên tục nên mình đành chấp nhận bán hết, ghi nhận số âm đến 40% tài khoản. Biết thế bán từ sớm hơn thì số lỗ đã không nhiều như vậy.”, anh Bùi Hoàng ở Hà Nội than thở.
Đồng cảnh ngộ, chị Hoàng Hiền – một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ trên trang cá nhân “thị trường nhiều mã bị đạp về vùng giá không tưởng tượng nổi, so với nội tại doanh nghiệp là rẻ bèo rồi mà vẫn bị “dẫm nát”. Nhà đầu tư chết la liệt cả rồi”.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự thất vọng với sự ảm đạm của thị trường, thậm chí mất niềm tin vào khả năng vực dậy, nhất là với nhà đầu tư không may kẹp hàng ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhóm cổ phiếu nóng. Dễ hiểu tại sao bởi suốt quãng thời gian vừa qua, thị trường đã có nhiều cú “bứt phá giả” khiến nhà đầu tư kỳ vọng rồi lại "rơi xuống vực sâu", quyết định rời bỏ thị trường.
Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Phú – một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết, “tại thời điểm thị trường bắt đầu điều chỉnh, tôi quyết không bán ra, chờ thị trường hồi phục và thực tế là giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã có nhiều phiên xanh mướt trở lại. Tuy nhiên, đó chỉ là “một cú lừa”, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì thị trường lại tiếp tục giảm sâu hơn nữa, danh mục của tôi toàn mã cơ bản như CTG, BVH, FPT… mà cũng phải ngậm ngùi nhìn cảnh giảm sàn trắng bên mua. Bán lúc này là quá muộn màng nhưng nếu tiếp tục nắm giữ nhìn tài khoản bốc hơi hàng ngày thì đau tim mất”.
Ngay cả những cổ phiếu cơ bản cũng rơi vào tình trạng giảm sàn trắng bên mua |
Bắt đầu tham gia vào thị trường từ cuối năm 2020 từ khoản tiền tiết kiệm được sau nhiều năm đi làm, Trà Giang, một nhân viên văn phòng, hy vọng có thêm thu nhập để phục vụ cho đời sống.
Đây là giai đoạn thị trường thăng hoa nên số tiền thu được từ chứng khoán khá hấp dẫn. Giang quyết định vay thêm tiền bố mẹ, bạn bè để đầu tư lớn hơn. Thế nhưng, chưa được bao lâu thì thị trường xuống dốc, toàn bộ số lãi của hơn một năm trước mất hết, âm thêm vào phần vốn 10%.
Áp lực không chỉ diễn ra với các nhà đầu tư cá nhân mà các nhân viên môi giới tại các công ty chứng khoán cũng kêu trời khi là đối tượng “hứng” trước hết các cơn giận dữ của nhà đầu tư, đặc biệt là những môi giới nhận ủy thác đầu tư.
“Những ngày vừa qua, mình còn không dám nghe điện thoại của các nhà đầu tư, bởi nghe cũng không biết phải làm gì. Điều duy nhất mình có thể làm lúc này là động viên, an ủi các nhà đầu tư, mong mọi thứ tốt đẹp sẽ tới nhanh để xua tan nỗi buồn này”, môi giới Duy Thanh nói.
Kẻ gan lỳ bám trụ
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số Vn-Index đã “bốc hơi” khoảng hơn 21% giá trị so với hồi đầu tháng 4, chính thức mất mốc 1.200 điểm. Theo một vài chuyên gia, với diễn biến này, nhà đầu tư sẽ rơi vào “mê cung” tâm lý.
Theo đó, lúc thị trường chứng khoán lên thì ai cũng có lãi kèm theo là tâm lý lạc quan thái quá,nhưng lúc suy giảm thì ai cũng lỗ và bi quan quá đà. Khi đã quyết định tham gia vào thị trường đầy khốc liệt này, việc phải chịu đựng được các áp lực có lẽ là yếu tố đầu tiên cần chuẩn bị đối với các nhà đầu tư. Và trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những người gỡ app, rời bỏ thị trường, vẫn có nhiều nhà đầu tư đương đầu với áp lực, quyết tâm bám trụ.
Khi được hỏi, liệu có đầu tư chứng khoán nữa không, chị Hoàng Linh (Hà Nội) khẳng định vẫn đang theo dõi thị trường để tìm điểm thích hợp vào tiền. Chị Linh cho rằng, điều quan trọng nhất trong đầu tư chứng khoán chính là phải quản trị được dòng tiền của bản thân, đặt ra giới hạn rủi ro cho chính mình, khi tiệm cận mức nguy hiểm cần dứt khoát cắt lỗ, thu tiền về “bày keo khác”.
“Cánh cửa nâng hạng vẫn còn đó, GDP được dự báo tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á, lạm phát vẫn được kiểm soát, thị trường giảm sâu khiến định giá hấp dẫn hơn, những doanh nghiệp thực sự có giá trị thì qua “cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai”, muôn thủa là vậy. Do đó, chẳng có lý do gì để rời khỏi thị trường, chỉ là bắt đầu lại ở thời điểm nào thôi”, chị Linh cho biết.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Vinh (Bắc Giang) khẳng định sẽ vẫn gắn bó với thị trường chứng khoán, bởi “ tôi đầu tư không theo phân tích chỉ số, cũng không theo doanh nghiệp mà tuân theo quy luật chu kỳ hình sin. Tức là thị trường xuống cổ phiếu tốt cũng giảm, thị trường tăng cổ phiếu xấu nhất cũng tăng. Tôi đã bán hết cổ phiếu, cắt lỗ 10% để giữ lại tiền, chờ thị trường hồi phục sẽ quay trở lại sẽ tiếp tục đầu tư”.
Hay như trường hợp của chị Hoa, anh Luật (Hà Tĩnh), đầu tư chứng khoán từ đầu năm 2021 nhưng đến nay tài khoản đang âm 20%.
“Hơn một năm đầu tư, không những chẳng có lãi mà còn bị âm cả vào vốn khiến nhiều lúc muốn bán hết cổ phiếu để rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, tiếc số tiền bỏ ra nên hai vợ chồng bảo nhau tiếp tục giữ để khi nào hòa vốn dừng lại”, anh Luật cho biết thêm.
Theo trường phái đầu tư giá trị, anh Quý Tú đã đổ thêm tiền vào thị trường để “nhặt” dần các cổ phiếu cơ bản, tốt mỗi khi giảm mạnh và “quên nó đi”. Anh Tú kỳ vọng, sau thời gian dài quay trở lại, không những có thể thu lại được vốn mà còn có thêm lợi nhuận.
“Bán tháo chỉ càng gây thua lỗ, thiệt hại càng trở nên nặng nề hơn. Lúc này nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo để nhận biết được rằng thị trường xuống rồi sẽ lên. Khi nền kinh tế còn tăng trưởng, vĩ mô ổn định, doanh nghiệp làm ăn có lãi thì không có lý do gì mà giá cổ phiếu không tăng trở lại”, anh Tú nhận định.
Theo The Leader