Mặt trái của Thái Lan 4.0: Dư thừa 23 triệu lao động

VietTimes -- Khoảng 23 triệu lao động Thái Lan không có kỹ năng và chuyên môn trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sản xuất bước vào giai đoạn cao trào.  
Một công nhân đang lau kính cửa tại nhà ga Makkasan nối với sân bay. Những người không có tay nghề sẽ bị bỏ lại đằng sau trong tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số. Ảnh Bangkok Post
Một công nhân đang lau kính cửa tại nhà ga Makkasan nối với sân bay. Những người không có tay nghề sẽ bị bỏ lại đằng sau trong tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số. Ảnh Bangkok Post

Thanit Sorat, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Phát triển Lao động Quốc gia, nói rằng, chương trình đầy tham vọng Thái Lan 4.0 của Chính phủ, tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và sáng tạo, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, đặc biệt đối với lao động phổ thông và không có tay nghề.

Ông Thanit nói: "Chính phủ cần khẩn trương đưa ra các chiến lược để giải quyết những mối đe dọa như vậy bằng cách mở nhiều hơn các khóa đào tạo cho mỗi nhóm có nguy cơ chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các mặt trái của Thái Lan 4.0”. "Tất cả các ngành, từ cơ quan nhà nước, các công ty tư nhân đến các cơ sở giáo dục, đều cần phải hợp tác để giải quyết vấn đề".

Hiện, ước tính Thái Lan có 38,3 triệu lao động, trong đó, vào quý I, số người đang có công ăn việc làm là 37,5 triệu người.  Mỗi năm, có 5,4 triệu người mới bước vào thị trường lao động.

Lao động phổ thông là 16,9 triệu người, chiếm 45% tổng số lao động. Trong tổng số đó, 11,2 triệu người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, số còn lại làm việc trong các ngành công nghiệp cần nhiều lao động.

Hầu hết trong số họ không có bằng cấp, chỉ có bằng tiểu học. Nhóm này phải đối mặt với nguy cơ bị thải loại lớn nhất.

Có 6,15 triệu lao động bán chuyên nghiệp, chiếm 16,4% tổng số lao động. Hầu hết trong số họ đã tốt nghiệp trung học cơ sở và có thể được hưởng lợi từ đào tạo nghề.

Ông Tanit nói: "Tóm lại, hai nhóm được cho là sẽ có nguy cơ thất nghiệp cao nhất vì các doanh nghiệp sẽ nhận được cú hích từ chính sách Thái Lan 4,0 của Chính phủ, tiến tới tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, công nghệ vũ trụ và công nghệ gen.

Có 6,1 triệu công nhân có bằng trung học phổ thông và đào tạo nghề, chiếm 16,3% trong tổng số lao động. 8,02 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học có bằng cử nhân, chiếm 21,4% tổng số lao động. Hai nhóm này có tiềm năng nhất để theo kịp xu hướng công nghệ cao.

Tuy vậy,  ông Tanit cho biết,  các cơ sở giáo dục Thái Lan cỏ vẻ như còn thiếu tích cực  và chậm chạp trong việc đào tạo ra những học viên theo yêu cầu của các ngành công nghiệp.

Ông nói các doanh nhân cũng cần phải đẩy nhanh việc nâng cấp sản phẩm để họ không bị tụt hậu trong cuộc đua toàn cầu gay gắt.

Ông Tanit cũng kêu gọi chính phủ tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về triển vọng và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở Thái Lan.

Theo Bangkok Post