Mất 100 triệu đồng vì thuê đọc trộm tin nhắn, theo dõi tài khoản mạng xã hội

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi cảnh báo về bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua dịch vụ đọc trộm tin nhắn, theo dõi, giám sát tài khoản mạng xã hội.

Cảnh báo này được đưa ra sau vụ việc hai kẻ lừa đảo tại Hà Tĩnh dùng thủ đoạn cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn bằng công nghệ để chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là khi khách hàng có nhu cầu liên hệ, các đối tượng sẽ thông báo giá từng gói dịch vụ và yêu cầu thanh toán một phần tiền trước. Khi nạn nhận chuyển tiền xong, chúng lập tức chặn liên lạc và biến mất.

Đối với hình thức trên, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là liên hệ qua với khách hàng qua Zalo, sử dụng tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để người khác tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo dõi, đọc trộm tin nhắn của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng hướng dẫn khách hàng gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ (phần mềm theo dõi) và cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Do tin tưởng các đối tượng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền tới số tài khoản trên. Sau khi nhận được tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng không nên tin tưởng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc mua bán những sản phẩm không hợp pháp trên mạng xã hội. Không sử dụng các dịch vụ hoặc ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Hành vi đọc trộm tin nhắn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.

"Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin giữa các cá nhân. Người dùng không tải và cài đặt các ứng dụng từ các nguồn không chính thức hoặc từ các trang web không rõ ràng; cài đặt và sử dụng phần mềm diệt virus và bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị.

Ngoài ra, phải thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email, và sử dụng xác thực hai yếu tố để tăng cường bảo mật", lãnh đạo Cục An toàn thông tin nói thêm.

Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ về ứng dụng hoặc dịch vụ đọc trộm tin nhắn, người dùng nên báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Việt Nam đứng thứ 5 khu vực về mất an toàn an ninh mạng

Một báo cáo mới đây của Kaspersky đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an ninh mạng đáng báo động trong khu vực. Trong đó, Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều thứ 5 trong khu vực, sau Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia.

Tội phạm mạng, bao gồm cả các nhóm ransomware, đang nhắm đến các cơ sở hạ tầng quan trọng và những ngành dễ bị tấn công như tài chính, dịch vụ công, sản xuất và chăm sóc sức khỏe. Đáng chú ý, nhiều kẻ tấn công nhắm vào các mục tiêu lớn về tài chính.

Chuyên gia của Kaspersky đưa ra các khuyến nghị luôn cập nhật phần mềm trên tất cả thiết bị để ngăn chặn kẻ tấn công khai thác lỗ hổng và xâm nhập vào mạng của tổ chức; Cài đặt ngay các bản vá sẵn có giải pháp VPN để các nhân viên có thể truy cập từ xa, biện pháp này đóng vai trò “lá chắn” bảo vệ mạng lưới cho DN.

Bên cạnh đó, cần sao lưu dữ liệu thường xuyên và đảm bảo để có thể nhanh chóng truy cập dữ liệu khi cần hay trong trường hợp khẩn cấp; Tránh tải xuống và cài đặt các phần mềm lậu, phần mềm không rõ nguồn gốc hay chưa được xác minh.