Mark Zuckerberg mất gần 50 tỉ USD khi theo đuổi metaverse

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - Phòng thí nghiệm thực tế của Meta, nơi nỗ lực phát triển metaverse, đã lỗ khoảng 46,5 tỉ USD kể từ năm 2019.

Ảnh: Google
Ảnh: Google

Metaverse là công nghệ hóa thân và tương tác trong thế giới ảo mà ông Mark Zuckerberg đã quảng bá trong nhiều năm. Thậm chí, ông Mark còn phát biểu tại Meta Connect năm nay rằng đây sẽ là biên giới tiếp theo của tương tác xã hội.

“Sớm thôi, tôi nghĩ chúng ta sẽ đến thời điểm mà bạn sẽ có thể tương tác cùng với một số bạn bè của mình và những người khác sẽ ở đó dưới dạng hình đại diện hoặc ảnh ba chiều một cách đặc biệt chân thực”, vị tỉ phú này nói vào tháng 9 tại sự kiện giới thiệu công nghệ hàng năm của công ty.

Nhưng cho đến nay, kế hoạch theo đuổi thứ công nghệ được cho là đầy tiềm năng này đã khiến công ty thua lỗ rất nhiều.

Ít nhất, tiến trình biến metaverse thành hiện thực không phải là không có bước tiến, song những khó khăn ngày càng tăng. Bộ phận Phòng thí nghiệm thực tế của Meta, nơi nỗ lực phát triển metaverse, đã lỗ khoảng 46,5 tỉ USD kể từ năm 2019, công ty tiết lộ trong bản báo cáo tài chính mới nhất của mình.

Khoản lỗ này là đủ lớn tương đương với giá trị một công ty có mặt trong Fortune 100. Con số 46,5 tỉ USD thậm chí còn lớn hơn toàn bộ doanh thu của Best Buy - công ty xếp thứ 94 trên Fortune 100. Meta đã mất nhiều tiền hơn khi đầu tư vào metaverse so với tổng doanh thu của các công ty khổng lồ khác như công ty dược phẩm Bristol-Myers Squibb và thậm chí cả United Airlines .

Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg. Phần lớn tài sản của ông gắn liền với cổ phiếu Meta, giá trị tài sản ròng của ông đã tăng 130% lên mức 105 tỉ USD từ đầu năm đến nay khi cổ phiếu Meta tăng 136,8% trong năm nay. Ông Mark hiện là người giàu thứ 10 thế giới.

Hàng tỉ USD theo đuổi "tương lai của tương tác trực tuyến"

Bất chấp những tổn thất lớn cho đến nay, ông Mark Zuckerberg dường như vẫn tin vào tương lai của metaverse. Ông nói trong cuộc họp báo thu nhập quý 3 của Meta: “Một trong những câu hỏi thú vị nhất đối với ngành của chúng tôi trong những thập kỷ tới là làm thế nào chúng tôi kết hợp thế giới thực và thế giới kỹ thuật số của mình thành một trải nghiệm mượt mà”.

Công ty đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu phát triển metaverse để sau này có thể tích hợp vào các sản phẩm phổ biến hơn như Facebook, Instagram và WhatsApp. “Reality Labs đang nỗ lực xây dựng tương lai của các tương tác trực tuyến”, Giám đốc tài chính của Meta, Susan Li cho biết trong lần công bố báo cáo thu nhập gần đây.

Được biết cổ phiếu của Meta đã giảm 6,3% từ 308,15 USD xuống còn 288,64 USD/cổ phiếu ngay sau khi công bố báo cáo thu nhập. Các nhà phân tích cho rằng điều đó chủ yếu là do sự không chắc chắn về chi tiêu quảng cáo trực tuyến trong thời gian còn lại của năm do xung đột leo thang ở Trung Đông.

Dự kiến ​​sẽ có nhiều tổn thất hơn đối với Phòng Thí nghiệm thực tế

Bà Susan Li cũng thông báo với các nhà đầu tư rằng dự kiến ​​khoản lỗ hoạt động của bộ phận Phòng Thí nghiệm thực tế của Meta vào cuối năm nay sẽ cao hơn so với năm 2022. Các khoản lỗ chủ yếu do cái mà bà gọi là “chi phí trực tiếp”, nghĩa là chi phí có thể được quy cho sản xuất một sản phẩm cụ thể, xuất phát từ số lượng nhân viên, chi phí hoạt động cũng như nguyên liệu thô và nhân công để sản xuất thiết bị VR.

Năm nay, Meta phát hành hai sản phẩm mới từ Reality Labs: Quest 3, và kính thông minh mang nhãn hiệu Ray Ban. Cả hai sản phẩm này đều được Meta đặt niềm tin sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai đối với các ứng dụng truyền thông xã hội của công ty.

“Khi mở rộng quy mô sản phẩm, các thiết bị này sẽ giúp việc nắm bắt nội dung hấp dẫn từ góc nhìn thứ nhất trở nên dễ dàng hơn, đồng thời các sản phẩm VR cũng làm phong phú thêm hệ sinh thái nội dung của chúng tôi”, bà Susan Li chia sẻ.

Theo Yahoo News