Mạnh hơn cả lệnh cấm vận! Vì sao nhiều nước, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Ấn Độ, đều muốn sở hữu S-400 của Nga?

VietTimes -- Hệ thống phòng không S-400 "Triumf" đang gây được sự chú ý của toàn thế giới. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - tới đây Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được gói hàng S-400 đầu tiên trong khi Iraq cũng đang đề nghị mua S-400, bất chấp Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt.
Tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất (Ảnh: RT)
Tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất (Ảnh: RT)

Tại triển lãm quốc phòng Lucknow DefExpo 2020 hồi tuần trước, giới chức Nga đã xác nhận thông tin rằng Ấn Độ sẽ nhận được gói hàng S-400 đầu tiên vào tháng 9/2021. Thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD được ký năm 2018 được hai bên giữ vững bất chấp Mỹ đưa ra nhiều lời cảnh báo sẽ vận dụng CAATSA (Đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt) để áp lệnh trừng phạt.

Cuộc đua giành "Triumf"

S-400 "Triumf" lần đầu tiên xuất hiện từ khoảng năm 2007, nhưng kể từ những năm sau đó đã trở thành thứ vũ khí "cần có" đối với bất kỳ quốc gia nào muốn sở hữu một lực lượng quân đội mạnh - chứ không riêng gì những nước khách hàng truyền thống của Nga. S-400 hiện đang là lựa chọn ưu việt hơn hẳn một số tổ hợp phòng không khác, kể cả Patriot và THAAD của Mỹ - và điều này khiến cho Washington khó chịu.

Nga mới đây tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất S-400 để bàn giao cho Ấn Độ (Ảnh: RT)
Nga mới đây tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất S-400 để bàn giao cho Ấn Độ (Ảnh: RT)

Arab Saudi và Iraq là những nước mới nhất trong danh sách các quốc gia muốn mua "Triumf". Chính quyền Riyadh đã được Nga rao bán S-400 ngay sau vụ tấn công xảy ra vào tháng 9/2019 nhằm vào các giếng dầu của Vương quốc này - có khả năng do nhóm Houthi ở Yemen thực hiện, mặc dù Arab Saudi cáo buộc Iran. Cuộc tấn công khi đó đã phơi bày nhiều hạn chế của các hệ thống phòng không đắt tiền của Arab Saudi, vốn dựa chủ yếu vào các tên lửa đất-đối-không Patriot do Mỹ sản xuất.

Và điều mà ai cũng thấy là Patriot đã bất lực trước đòn tấn công bằng máy bay không người lái (drone). Đó không phải lần đầu tiên mà hệ thống Patriot của Arab Saudi hứng thất bại. Tháng 3/2018, ít nhất 5 dàn Patriot đã bắn trượt, bắn nhầm hoặc hoạt động không chính xác khi các lực lượng của Arab Saudi cố gắng đánh chặn một loạt rocket đang nhằm vào thủ đô Riyadh.

Hiện nay, dù rất muốn nhưng Arab Saudi vẫn chưa quyết định ký hợp đồng mua S-400 với Nga do lo ngại rằng việc này ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ - đồng minh của họ. Thay vào đso, Washington triển khai thêm binh sĩ và tổ hợp phòng không tới khu vực để bảo vệ Arab Saudi.

Iraq cũng được cho là đang xem xét mua nhiều tổ hợp S-400, và vẫn chưa bắt đầu các vòng tham vấn với Nga.

"Hiện vẫn chưa có đề nghị chính thức mua S-400 của Nga từ phía Iraq, nhưng họ rất hứng thú với tổ hợp phòng không này" - Đại sứ Nga tại Iraq Maxim Maximov nói - "Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Iran trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của họ".

Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là một thành viên NATO, đã ký hợp đồng mua và nhận được gói S-400 đầu tiên trong mùa Hè năm ngoái, và theo dự kiến sẽ đưa tổ hợp này vào hoạt động trong năm nay. Washington đã phản ứng dữ dội trước sự việc này, không cho Ankara mua chiến đấu cơ F-35 của họ.

Nga đã bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ gói S-400 đầu tiên trong mùa Hè năm ngoái (Ảnh: AP)
Nga đã bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ gói S-400 đầu tiên trong mùa Hè năm ngoái (Ảnh: AP)

Trung Quốc thì sắp sửa nhận đợt bàn giao S-400 cuối cùng. Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng trên nhiều mặt trận, rõ ràng Trung Quốc muốn sở hữu S-400, bởi các hệ thống phòng không sản xuất tỏng nước của họ không đủ sức mạnh để đối phó với sức mạnh không quân Mỹ.

Chiêu trò áp lệnh trừng phạt của Mỹ

Đáng chú ý, Washington lại không trừng phạt Bắc Kinh vì thương vụ S-400 với Nga, mặc dù trước đó đã áp nhiều lệnh trừng phạt đối với những nước dám mua chiến đấu cơ và tên lửa của Nga.

Thêm vào đó, Mỹ cũng không áp lệnh trừng phạt với Ấn Độ, bất chấp thực tế rằng việc Ấn Độ sở hữu S-400 tạo ra nhiều mối đe dọa với Mỹ. Điều này có thể một phần là do New Delhi cố gắng xoa dịu Mỹ bằng cách cân nhắc mua hệ thống tên lửa NASAM II của Mỹ để bảo vệ bầu trời thủ đô trước các loại tên lửa đạn đạo.

Thêm nữa, Ấn Độ đang trong giai đoạn đàm phán thương vụ mua trực thăng trị giá 3,6 tỷ USD với Mỹ. Thỏa thuận này có thể được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra cuối tháng này. Cũng cần chú ý rằng Ấn Độ có kế hoạch triển khai S-400 dọc đường biên giới ở Đông Bắc nước này, tức đối diện với Trung Quốc.

Lợi thế của S-400

Tổ hợp phòng không S-400 đến từ một "phả hệ" rất tốt, trong đó bao gồm các dòng trước đó như S-200 và S-300. Nó được trình làng vào năm 2007, đây là thời điểm đầu tiên mà nó được đưa vào biên chế quân đội Nga.

Nhưng lúc bấy giờ S-400 vẫn chưa được thử nghiệm trên chiến trường, không giống như tên lửa Patriot Pac-2 của Mỹ, được sản xuất bởi hãng Raytheon, hay như THAAD của hãng Lockheed Martin.

Vậy điều gì giúp cho S-400 trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới? Rõ ràng là nhờ sự kết hợp của giá cả, tính năng đa dụng, và cả vấn đề chính trị.

S-400 "Triumf" rẻ hơn nhiều so với các tổ hợp phòng không của Mỹ, có giá khoảng 500 triệu USD so với giá 1 tỷ USD cảu Patriot Pac-2 hay cái giá 3 tỷ USD của THAAD. Vũ khí của Nga nói chung là rẻ hơn vũ khí của phần lớn các đối tác phương Tây, một phần là do Mỹ thường gộp chung các gói bảo trì trong lúc bán vũ khí của họ.

Một lý do khác mà nhiều quốc gia thích S-400 hơn mua vũ khí của chính phủ Mỹ là bởi, quy trình mua bán với Mỹ phức tạp, rối rắm và tốn thời gian hơn do các quy định trong nước.

Tổ hợp Patriot Pac-2 của Mỹ (Ảnh: DefPost)
Tổ hợp Patriot Pac-2 của Mỹ (Ảnh: DefPost)

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, S-400 được xem là "đáng đồng tiền bát gạo". THAAD của Mỹ là một tổ hợp phòng thủ tên lửa rất đáng chú ý, với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo được cho là không hệ thống nào sánh bằng - thế nhưng nó chỉ có thể bắn hạ tên lửa, và chỉ ở độ cao rất lớn (tối thiểu là 40-50 km).

Còn khi muốn đánh chặn chiến đấu cơ, các máy bay chiến lược tầm xa hay drone, thì phải kể tới Patriot - tổ hợp được đánh giá là cực kỳ hiệu quả trong việc này.

Nhưng S-400 lại có chức năng của cả 2 tổ hợp trên, điều này giúp nó đạt hiệu quả chi phí cao nhất. Đúng như cái tên "Triumf" (giống từ Triumph trong tiếng Anh, tức Chiến thắng), S-400 dường như đánh bại mọi tổ hợp phòng không khác.