Ma trận cát tặc: Đằng sau một tin nhắn đe dọa (kỳ 1)

VietTimes -- Ngày 11/4/2017, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố đối tượng nhắn tin đe dọa Chủ tịch và Giám đốc Công an tỉnh này. Với nhiều người, đây là kết quả "đẹp" cho quá trình ráo riết xác minh, sau "báo cáo" gây sốc tới Chính phủ về việc các lãnh đạo tỉnh bị “cát tặc” đe dọa.
Một cụm tàu khai thác cát tại Hải Phòng. Ảnh Quốc Dũng
Một cụm tàu khai thác cát tại Hải Phòng. Ảnh Quốc Dũng

Công nghệ “ném đá”

Đối tượng Nguyễn Trọng Phương (37 tuổi, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bị khởi tố bị can về hành vi Khủng bố. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với Trần Anh Thuận (36 tuổi, trú tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi không tố giác tội phạm.

Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Trọng Phương thành lập Công ty TNHH Song Lộc Miền Bắc và tiến hành các thủ tục xin được chấp thuận nạo vét sông Đuống, nhưng chưa hoàn thành vì nhiều lý do. Trong khi đó thì Công ty TNHH trục vớt luồng hạ lưu lại được cấp phép nạo vét sông Cầu địa phận tỉnh Bắc Giang. Vì thế, giữa Phương nảy sinh hiềm khích với Ngô Thành Sơn – chủ Công ty TNHH trục vớt luồng hạ lưu.

Do vậy, Phương mua sim rác, điện thoại khác, sau đó để điện thoại có số chính thức Phương hay sử dụng ở nhà em họ ở Văn Giang (Hưng Yên), rồi lái xe có điện thoại và sim rác Phương mua trước đó đến cổng Bệnh viện phụ sản thành phố Bắc Ninh, và sử dụng nhắn 10 tin có nội dung đe dọa đến điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và Giám đốc Công an tỉnh.

Sau này, Phương khai trước cơ quan Công an là muốn dùng các tin đe dọa để lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh phải cho phép các công ty - trong đó có công ty của Phương - được nạo vét để tận thu cát trên các sông thuộc địa bàn tỉnh. Cách làm của Phương là nhắn tin từ khu vực nhà của Sơn để cơ quan điều tra tập trung mọi nghi ngờ vào người này.

Tháng 11 và 12/2016, Phương biết giữa “người quen” của Phương là Trần Anh Thuận có tranh chấp, va chạm với Ngô Thành Sơn trong thực hiện hợp đồng san lấp mặt bằng ở Khu công nghiệp Quế Võ 2.

Qua ứng dụng Zalo trên điện thoại, Phương đã hướng dẫn Thuận mua điện thoại, sim rác và tới khu vực nhà Sơn, để từ đó nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND và Giám đốc Công an tỉnh. Mục đích là làm cho các cơ quan chức năng nghi ngờ Sơn khi vào cuộc xác minh, truy ngược khu vực xuất hiện tin nhắn đe dọa.

Tuy chưa thực hiện việc nhắn tin đe dọa, nhưng sau khi biết Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra làm rõ các đối tượng nhắn tin khủng bố, đe dọa Chủ tịch UBND và Giám đốc Công an tỉnh, Thuận biết Phương là người thực hiện, nhưng lại không “chịu” tố giác hành vi phạm tội này. Do đó, cơ quan điều tra đã khởi tố Thuận về tội Không tố giác tội phạm.

Như vậy là xuất phát từ việc tranh chấp quyền được nạo vét sông – một “vỏ bọc” để được khai thác cát – các đối tượng xã hội đã tìm cách để triệt hạ đối thủ. Trong vụ việc lần này, công nghệ hiện đại được sử dụng để “mượn tay” cơ quan chức năng “xử lý” đối thủ cạnh tranh. Cuối cùng thì chính công nghệ lại đã vạch mặt được kẻ “ném đá”.

Nhưng chừng đó thông tin liệu đã đầy đủ để kết thúc vụ việc đầy thủ đoạn giang hồ này?

"Công nghệ" trục lợi từ cát

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/8/2014, đến năm 2015 nhu cầu cát xây dựng sẽ là 92 triệu/m3/năm, đến năm 2020 nhu cầu cát xây dựng sẽ là 130 triệu m3/năm.

Nhưng theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, tiêu thụ cát xây dựng đều vượt xa nhu cầu dự báo tại quy hoạch. Thực tế, tiêu thụ cát xây dựng năm 2015 đã vượt 100 triệu m3, năm 2016 là gần 140 triệu m3, năm 2020 con số này dự báo sẽ lên đến 182 - 197 triệu m3/năm.

Đáng chú ý, Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ này, cát khai thác từ các nguồn được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65%, còn lại (40 – 35%) là cát khai thác trái phép.

Đó có thể là một cáo báo đầy lạc quan, và có phần không…đúng thực tế.

Vì thực ra, vấn đề không phải là cát "chính hãng", hay cát không nguồn gốc. Bất kể khai thác thế nào, khi vào công trình xây dựng, dù là tư nhân, doanh nghiệp hay nhà nước, cát đều phải có đủ "nguồn gốc". Nghĩa là đã nộp đủ ít nhất bốn loại chi phí, gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí hoàn nguyên môi trường, thuế giá trị gia tăng.

Căn cứ theo Luật Thuế Tài nguyên, hàng năm các địa phương đều ban hành bảng giá vật liệu xây dựng, để làm căn cứ thu 10% thuế tài nguyên trên mỗi m3 cát khai thác tại địa bàn. Ngoài ra, các địa phương còn ấn định phí bảo vệ môi trường trên mỗi một m3 cát khai thác này.

Tuy nhiên, mức giá cát xây dựng các địa phương ấn định bao giờ cũng thấp hơn giá cát trên thị trường. Chẳng hạn, giá cát do TP.HCM ban hành cho quý 1/2017 dao động trong khoảng từ 90.000 – 254.000 đồng/m3 tùy loại cát san lấp hay bêtông. Nhưng giá cát trên thị trường địa phương này luôn dao động trong khoảng từ 170.000 – 480.000 đồng/m3 tùy loại cát. Tức là chênh lệch gần gấp đôi so với mức giá ấn định của chính quyền địa phương, và kéo theo đó là chênh lệch mức thuế giá trị gia tăng giữa giá ấn định với giá thực tế cũng lên tới hàng chục nghìn đồng mỗi m3.

Chênh lệch lớn này là "miếng mồi" hấp dẫn đối với nhiều đối tượng chuyên thành lập các doanh nghiệp "ma" để mua lại cát từ nhà khai thác, bán lòng vòng đẩy giá lên cao, trước khi bán tới người sử dụng cuối cùng, và từ đó trục lợi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Công thức ở đây khá phức tạp, nếu mỗi m3 cát từ nhà khai thác bán với giá 90.000 đồng, thuế giá trị gia tăng nhà nước thu được chỉ là 9.000 đồng. Nhưng khi đi qua các doanh nghiệp "ma", giá cát được đẩy lên hàng trăm nghìn đồng trước khi bán cho chủ công trình xây dựng. Đương nhiên, số thuế giá trị gia tăng nhà nước phải hoàn cho các doanh nghiệp "ma" này sẽ là hàng chục nghìn đồng mỗi m3. Tức là Nhà nước đã bị "móc túi" từ cát, chứ không phải thu được.

Giá cát đã bị đẩy lên khi vào công trình sẽ được doanh nghiệp, nhà nước, hoặc ngân hàng thanh toán. Do đó, khi chủ đầu tư, hoặc nhà thầu "bắt tay" được với các đầu nậu cát, thì tiền đầu tư còn được "rút" qua chí phí mua cát. Về bản chất, đây không phải tiền khống khối lượng, mà là tiền hợp pháp được rút ra qua chênh lệch giá cát.

"Lợi ích" từ cát, do thế, hiện diện ở khắp mọi khâu, và hoàn toàn không khó kiếm. Sẽ không bất ngờ khi lần theo dấu vết mỗi m3 cát trước khi vào công trình luôn được "bán" qua một hệ thống gồm 4 -5 doanh nghiệp tham gia.

Chuyện về nạn cát tặc, hay màn tranh phần "ném đá giấu tay" của những tay giang hồ làm cát, do thế, quyết định bởi chính hệ thống được dựng ra để trục lợi chi phí xây dựng các công trình. Đó mới là "công nghệ" thực sự đang điều chỉnh thị trường cát. "Trận đánh đẹp" của cơ quan công an có thể bắt giữ được thủ phạm thực sự của những tin nhắn đe dọa, nhưng hiện vẫn quá thiếu những "trận đánh đẹp" để ngăn được nạn trục lợi từ chênh lệch giá cát.

Ngày 22/12/2011, cơ quan Công an đã bắt quả tang bà Đinh Thị Tâm - khi ấy là chủ tịch HĐQT Công ty CP vật liệu và đầu tư VIDIFI (M-VIDIFI) - khi đang nhận phần cuối trong tổng số 4,26 tỷ đồng tiền "lót tay" của hợp đồng mua cát cho Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Số tiền này do Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Hồng Phúc (Hải Phòng) "nộp" cho Tâm để được trở thành nhà thầu cung cấp một phần vật liệu trị giá hơn 41,3 tỷ đồng, gồm đất bờ bao, cát san lấp, đá nền đường... cho hai gói thầu EX2, EX3 của dự án cao tốc trong hai năm 2010 và 2011.

Cho đến nay, dường như đây vẫn là vụ án duy nhất loại này được phát hiện và công bố.