Ma trận cát tặc: Công nghệ có là cứu cánh? (kỳ 3)

VietTimes -- Một cán bộ của phòng CSMT Hà Nội nói, thủ đô chống cát tặc tốt nhất cả nước do cũng là địa phương duy nhất không cấp phép khai thác cát sông. Dẫu thế, cán bộ này vẫn than thở: "có làm rát thế nào, thì cũng phải "để doanh nghiệp sống được".
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Gắn chíp” từng tàu

Phạm Xuân Giao - một chủ tàu đang khai thác cát ở khu vực Hưng Yên nói, cậu chưa bao giờ “nhìn thấy” giấy phép khai thác cát, mà chỉ được “chủ” dự án gọi đi làm ở khúc sông này, khúc sông kia. Nếu không được “dự án” gọi, cậu mua “lốt” của đám giang hồ quản một khúc sông lắm cát nào đó để khai thác trộm. Bị hỏi thì chi tiền cho xong, bị đuổi thì chạy, yên lại quay về hút tiếp.

“Sự nghiệp” cát tặc của Giao đã kéo dài được hơn 5 năm, về cơ bản là yên ổn – như cậu nhận định. Vì mọi chuyện liên quan đến “luật” đã do chủ bãi lo lót, việc của các chủ tàu như cậu là khai thác càng nhiều thì mới có tiền. Nhưng giờ thì Giao lo, khi cậu nghe tin đang có “dự án” lắp định vị cho các tàu sông để phục vụ ngăn cát tặc. Cậu biết, lắp định vị là có nghĩa, tàu của cậu kiểu gì cũng bị quản chặt, và cơ hội “làm ăn”, do thế mà cũng sẽ khó khăn hơn.

Giao thở dài thườn thượt bảo: “Chúng em bán cát cho chủ bãi, cao lắm cũng chỉ 15.000 - 30.000 đồng/m3 tùy lúc. Chủ bán lại cho dân hay bán vào công trình toàn tiền trăm nghìn trở lên cả, chúng em có được “ăn” giá cát đâu mà đi ngăn cửu vạn bọn em cơ chứ?”.

Nỗi lo của Giao cũng chính là quyết tâm của các cơ quan quản lý, một lãnh đạo Cục đường thủy nội địa cho biết, cơ quan này đang xây dựng phương án ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động khai thác cát qua các hợp đồng xã hội hóa nạo vét thanh thải luồng sông.

Cụ thể, theo phương án của Cục xây dựng, tất cả các phao đánh dấu ranh giới khu vực nạo vét và các phương tiện tham gia khai thác đều sẽ được lắp thiết bị định vị, giám sát. Việc theo dõi các hoạt động nạo vét, thanh thải luồng đồng thời được thực hiện bởi cơ quan quản lý địa phương và Cục đường thủy, thông qua theo dõi tín hiệu từ thiết bị giám sát này.

Hiện, Cục đường thủy đã tổ chức trung tâm tin học phục vụ hoạt động tin học hóa quản lý của Cục, nên việc tích hợp thêm chức năng giám sát nạo vét luồng và theo dõi phương tiện qua lại, hoặc trực tiếp tham gia nạo vét luồng là “trong tầm tay”.

Khi áp dụng hệ thống này, mọi tranh cãi về việc tàu nào là cát tặc, tàu nào là tàu hút cũng sẽ chấm dứt. Vì “cứ tàu nào đỗ trong khu vực luồng quá nửa tiếng, lại không có tín hiệu định vị thì là tàu cát tặc. Lúc ấy việc của địa phương là kiểm tra, bắt giữ” – vị này cho biết.

Theo lãnh đạo này: “Cục đường thủy không có chức năng giám sát việc khai thác cát lậu, cát tặc. Mà chỉ cố gắng phát huy hoạt động xã hội hóa thanh thải luồng sông để giảm áp lực lên ngân sách trong công việc này”. Nhưng những dự án thanh thải luồng sông và những dự án khai thác cát địa phương cấp phép hiện đang có tranh cãi về việc ai đang dung túng cho cát tặc. Thế nên, việc áp dụng công nghệ định vị trong quản lý phương tiện là đặc biệt cần thiết, để việc quản lý được tốt hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm.

Thực ra, phân tích ấy cũng chỉ ra điểm yếu lớn nhất trong cơ chế và trong thực tiễn khai thác cát và thanh thải luồng từ trước đến nay.

Nhưng trách nhiệm là “chung”

Theo số liệu tại cuộc họp lập lại trật tự trong quản lý khai thác cát, sỏi của Chính phủ tháng 3/2017, hiện cả nước có 80 dự án quy hoạch khoáng sản khác nhau, bao gồm cát và sỏi được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Có 108 dự án nạo vét luồng đường thuỷ theo hình thức xã hội hoá có tận thu sản phẩm. Trong đó, có 32 dự án đã thu hồi xong, 55 dự án đang triển khai, 21 dự án đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, chấp thuận chủ trương, có 506 mỏ cát được cấp giấy phép…

Còn theo báo cáo của Cục đường thủy nội địa, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xã hội hóa hoạt động thanh thải luồng sông để tiết kiệm chi phí. Sau hơn 7 năm, hiện có 66 dự án xã hội hóa nạo vét thanh thải luồng sông. Cục đã dừng hoạt động cả 66 dự án này.

Hiện, mỗi năm ngân sách chi cho hoạt động nạo vét đường sông khoảng 50 tỷ đồng, đủ nạo vét được khoảng 50 km. Trong khi đó thì cả nước có hơn 7.000 km luồng sông quốc gia, hơn 17.000 km đường sông thuộc địa phương. Cho nên, việc dừng hoạt động 66 dự án xã hội hóa thanh thải luồng sông có thể coi là…bất đắc dĩ, trong khi chờ một cơ chế quản lý giám sát mới được xác lập, với trọng tâm dự vào khả năng ứng dụng công nghệ.

Nhưng trong thời gian chờ ấy, và nhất là khi các địa phương cấm hẳn khai thác, giá cát tại các địa phương đã tăng…dựng đứng.

Tại TP.HCM, giá cát cuối tháng 3/2017 lên tới 450.000 đến 500.000 đồng/m3 cát xây, từ 250.000 đến 270.000 đồng/m3 cát san lấp. Tại Hà Nội, khu vực Bát Tràng (Gia Lâm), giá cát tại bãi đã lên mức 45.000 đến 50.000 đồng/m3 cát san lấp, 150.000 đến 170.000 đồng/m3 cát xây và 380.000 đến 450.000 đồng/m3 cát vàng bê tông, tăng từ 1,5 đến 2 lần so với trước.

Màn tăng giá "dựng đứng" của cát đã giáng cú đòn nặng vào các công trình xây dựng, cả dân dụng, doanh nghiệp, và nhà nước. Một chủ thầu san lấp đang có nhu cầu sử dụng cỡ 200.000 m3 cát ấm ức nói, chỉ vài tin nhắn "công nghệ" dọa nạt lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, sự mất của chỉ mình ông tại công trình này đã lên tới tiền tỷ. Vậy hàng nghìn công trình còn lại thiệt hại sẽ là bao nhiêu, và ai chịu trách nhiệm cho sự thiệt hại ấy ?.

Thực tế, hiện chỉ một cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát. Theo Luật Khoáng sản và Nghị định 15/2012/NĐ-CP, cơ quan cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có cát - PV) là UBND các tỉnh.

Cát khai thác ngoài giấy phép do chính quyền các địa phương cấp, đều là khai thác trái phép.

Ở đây có một sự hiểu lầm về các hợp đồng nạo vét thanh thải luồng sông, với chất thải nạo vét thường có cả cát. Đây là các hợp đồng Cục Đường thủy nội địa ký (theo yêu cầu của Bộ GTVT) với doanh nghiệp nạo vét. Tuy nhiên, với các hợp đồng này, doanh nghiệp thanh thải cũng phải đăng ký và được địa phương cấp phép thì mới được phép khát thác cát (nếu có) trong khu vực nạo vét.

Khi tiến hành hoạt động khai thác cát, hoặc nạo vét, doanh nghiệp đều phải đăng ký số hiệu phương tiện tham gia, diện tích, thời gian, khu vực khai thác, phương án bảo đảm môi trường. Và sau đó, là chịu giám sát của ít nhất 6 - 8 lực lượng, từ thôn, xóm, chính quyền địa phương, Thanh tra giao thông thủy nội địa của Cục và của địa phương, quản lý thị trường tỉnh, huyện, xã, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông thủy từ trung ương tới địa phương…

Trong quá trình khai thác, đa số các lực lượng này đều có quyền kiểm tra, bắt giữ các hành vi vi phạm trong khai thác cát.

Tuy nhiên, như phản ánh của các địa phương và Cục đường thủy nội địa, với cả quy trình đồ sộ và chặt chẽ ấy, thì nạn "cát tặc" vẫn tiếp diễn, ở mức độ trầm trọng. Đương nhiên, trách nhiệm để xảy ra nạn cát tặc là của cả hệ thống giám sát, trong đó có Cục đường thủy nội địa, và các cơ quan khác có quyền giám sát hoạt động này.

Oái oăm là tất cả sự trì trệ trong giám sát khai thác cát của cả một hệ thống ấy, lại hi vọng "có thể" xử lý được, nhờ vào công nghệ định vị khu vực khai thác và phương tiện khai thác. Phải là người rất lạc quan mới tin vào điều đó.

Tất nhiên, công nghệ có thể phân biệt được vị trí và phương tiện. Nhưng những lợi ích khổng lồ từ quyền khai thác cát, thì lại không phải là "lĩnh vực" mà công nghệ có thể xử lý.