Xu hướng “Ly hôn xám”: Tại sao ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trung niên ly hôn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau 27 năm chung sống, vợ chồng tỉ phú Bill và Melinda Gates công khai quyết định ly hôn. Tại sao cặp đôi đã cưới nhau được gần 3 thập kỷ, kiếm hàng tỉ USD, lại quyết định chia tay?
Bill và Melinda Gates chia tay sau 27 năm chung sống (Ảnh: Deseret)
Bill và Melinda Gates chia tay sau 27 năm chung sống (Ảnh: Deseret)

VietTimes xin gửi tới quý độc giả bài viết của Tiến sĩ Tâm lý học John Duffy, tác giả của cuốn sách "Nuôi dạy con thế hệ tuổi teen mới trong thời đại lo âu", được CNN đăng tải. Vị chuyên gia về các vấn đề liên quan tới gia đình, thiếu niên, cha mẹ và các cặp đôi, đã lý giải rõ ràng về xu hướng ly hôn ở các cặp vợ chồng trung niên, còn gọi là "Ly hôn xám", trong những năm gần đây.

Trong phần lớn các cuộc hôn nhân, sau nhiều thập kỷ bên nhau, hai bên đều đã hiểu tường tận về người bạn đời: công việc, quan điểm cá nhân, những thói quen v.v. Cũng có nghĩa, sau nhiều năm hôn nhân, mỗi người đều hiểu rõ về cả những điểm tốt nhất lẫn điểm tiêu cực nhất ở người bạn đời của mình.

Nhiều người chung tay nuôi dạy con cái cùng bạn đời cho đến tận thời điểm này, và phát hiện ra nhiều điều mới mẻ đáng trân trọng ở người kia, nhưng cũng thấy cả những điều gây bất đồng nữa. Người ta có thể nghĩ rằng nếu bất kỳ điều gì trong những điều này khiến hai người cảm thấy không tương hợp nhau, thì cuộc hôn nhân đã phải chấm dứt trước khi cặp đôi đến độ tuổi 50, 60 rất xa.

Sự thực không phải như vậy. Trong lúc làm việc và tiếp xúc với rất nhiều cặp đôi, tôi đã phát hiện ra ở những cặp đôi lớn tuổi, đã trải qua thời gian hôn nhân rất dài bên nhau, vẫn tồn tại những khác biệt/mâu thuẫn dễ thấy. Nhiều năm trước, phần lớn các cặp đôi tìm đến sự tư vấn của tôi, những người không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của họ, vẫn thường lựa chọn ở với nhau mặc dù không còn cảm thấy thoải mái hay cảm giác thân thiện. Nhưng trong vài năm trở lại đây, rất nhiều cặp đôi lại lựa chọn chia tay.

Dữ liệu khách hàng của tôi phản ánh, tỷ lệ người Mỹ trên 50 tuổi ly hôn đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.

Vậy tại sao người lớn tuổi lại chia tay? Có một người phụ nữ sắp sửa ly hôn từng nói với tôi rằng bà ấy nhìn cuộc đời mình như những chương sách. Và mặc dù từng nghĩ người chồng hiện tại sẽ là một phần cuộc đời của bà xuyên suốt mọi chương, giờ đây bà lại muốn tự viết nên những chương cuộc sống của riêng mình, và có lẽ một ngày nào đó là cùng với một người khác. Bà ấy không có ý làm hại chồng, mà chỉ muốn giải thoát cho ông đi tìm hạnh phúc đích thực trong những chương tiếp theo của cuộc đời.

Các cặp đôi không chỉ đơn giản là “trôi xa dần” khỏi nhau. Một hoặc cả hai người trong cuộc hôn nhân giờ đưa ra sự lựa chọn công khai của mình về sự thay đổi cho hướng đi của khoảng thời gian đã trải qua. Và khi nhận thức được rằng cuộc sống rất ngắn và quý giá, một hoặc cả hai sẽ lựa chọn con đường mà họ thấy viên mãn nhất. Họ thường có xu hướng tin rằng, nếu một cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho mình, thì nó cũng sẽ không mang lại hạnh phúc cho người còn lại. Bởi vậy, họ tự tạo cho mình khoảng không gian để đạt được, lấy lại hạnh phúc và sự viên mãn.

Sự thay đổi trong các cuộc hôn nhân lâu dài và ly hôn

Có nhiều lý do khiến hôn nhân đổ vỡ. Tôi nhận thấy rằng những mô hình hôn nhân truyền thống không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho tất cả các cặp đôi, đặc biệt là những người ở tuổi trung niên. Những người này không còn cho rằng cuộc hôn nhân của họ nhất thiết phải là cam kết trọn đời nếu như nó không còn mang lại hạnh phúc cho một hoặc cả hai người.

Con người hay đánh giá lại các mối quan hệ của họ theo thời gian thực. Theo kinh nghiệm của tôi, điều này khá là mới mẻ. Trước kia chúng ta thường kín tiếng về những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân: thường chỉ than vãn với bạn đồng giới về những thiếu thốn tình dục, thiếu gần gũi, những nhàm chán trong cuộc sống hàng ngày, hay những thói quen khó chịu, nết ki keo hay hoang phí của người kia.

Nhưng trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều cặp đôi nói trực tiếp với nhau, với người khác, hay bác sĩ trị liệu của họ, một cách công khai về sự bất mãn của họ trong hôn nhân. Các cặp đôi giờ có xu hướng nói thẳng thắn, kỹ lưỡng về bản chất cuộc hôn nhân của họ, về việc có nên cố gắng duy trì cuộc hôn nhân của mình hay sẽ chia đôi đường.

Những điều cấm kỵ không còn quá quan trọng

Tôi cũng nhận thấy rằng, điều cấm kỵ xung quanh việc đánh giá lại cuộc hôn nhân, và thậm chí quan điểm về ly hôn, ly thân trong các cặp đôi có cuộc hôn nhân kéo dài cũng thay đổi nhanh chóng. Khi chúng ta có cuộc sống dài hơn, nhiều người – như người phụ nữ sắp ly hôn mà tôi kể ở trên – nhìn cuộc đời họ theo từng chương. Và cuộc hôn nhân mà họ mang vác từ độ tuổi 20 cho mãi tới độ tuổi 50, 60 là chương quan trọng nhất, chính là giai đoạn mà một người trải qua những khó khăn tài chính, tạo dựng sự nghiệp và nuôi dạy con cái.

Nhiều người lựa chọn hôn nhân như câu chuyện dài suốt cuộc đời mình, rất truyền thống. Nhưng ngày càng có nhiều người sẵn sàng xem xét lại cuộc hôn nhân của mình, ngay cả khi có thời điểm họ nghĩ rằng người kia đúng là nửa còn lại của mình. Đôi lúc, họ tìm tới các bác sĩ trị liệu để thổ lộ hết ra.

Một chương mới trong cuộc sống dài hơn

Sau khi nuôi dạy con cái trưởng thành hay chứng kiến người bạn đời thành đạt trong sự nghiệp, nhiều người ở tuổi trung niên mà tôi từng làm việc cùng muốn tự làm mới bản thân mình. Họ muốn khởi đầu một sự nghiệp mới hoặc lao vào một cuộc phiêu lưu mới, thường là chỉ riêng họ, đôi lúc là với một người bạn, hay có khi là đối tác mới. Có thể họ cảm thấy rằng cuộc hôn nhân của mình đã cạn niềm vui, hoặc sự liên kết với người bạn đời đã biến mất.

Giờ đây chúng ta sống lâu hơn so với độ tuổi trung bình của cha mẹ mình cách đây một thế hệ. Tôi từng làm việc với nhiều khách hàng tuổi trung niên, những người cảm thấy rằng thời gian còn lại vẫn còn nhiều và đây chính là thời điểm để theo đuổi một chương mới của cuộc đời.

Tôi từng gặp những khách hàng ở độ tuổi 70, thậm chí 80 cảm thấy tiếc nuối vì đã không giành cơ hội cho riêng mình, họ vẫn ở trong một cuộc hôn nhân mà thường cảm thấy vô hồn, cũ nát và đầy mâu thuẫn.

Tại sao các cặp đôi ly hôn?

Tôi nhận thấy rằng đàn ông thường có xu hướng chấm dứt cuộc hôn nhân ở độ tuổi trung niên để theo đuổi một mối quan hệ khác hay dành nhiều công sức hơn để tạo dựng một mối quan hệ mà họ đã sẵn có, hơn là phụ nữ. Điều này phản ánh một kiểu mẫu khủng hoảng trung niên: Đàn ông theo đuổi những người phụ nữ trẻ tuổi bởi lòng khát khao của họ. Một số người đàn ông mà tôi từng làm việc cùng cũng nói rằng họ đã sa vào lưới tình, và họ muốn nắm lấy cơ hội này để đi tìm tình yêu một lần nữa trước khi chết.

Những người phụ nữ chủ động đề xuất ly hôn, mặt khác, thường mong muốn thay đổi cuộc sống của họ. Nhiều người từng nói với tôi rằng họ vẫn cảm thấy trẻ trung mặc dù ở độ tuổi 50, 60 và chồng của họ dường như già hơn và kém năng lượng hơn. Bởi vậy, nhóm này thường tìm cách tạo dựng sự nghiệp mới, những chuyến phiêu lưu mới và những cơ hội mới. Họ có thể mở một doanh nghiệp hay muốn chăm sóc sắc đẹp bản thân, hay đi du lịch.

Đối với những người phụ nữ trung niên mà tôi từng làm việc cùng, những nguyên nhân mà họ đưa ra lại mang tính trải nghiệm hơn. Một số thậm chí chưa hình dung được các mối quan hệ trong tương lai. Còn đối với đàn ông, nguyên nhân của họ thường là dựa vào điều mà họ cảm thấy là đang thiếu trong cuộc hôn nhân, và tin rằng sẽ lấp đầy chỗ thiếu hụt bằng một mối quan hệ khác.

Xu hướng này tích cực hay tiêu cực?

Một số cặp đôi lựa chọn gắn bó với nhau suốt nhiều thập kỷ, cho đến độ tuổi 50, 60 để duy trì một môi trường yêu thương ổn định cho họ và đặc biệt là con cái họ. Tôi từng gặp một vài người đã phải chịu đựng sự cô đơn và biệt lập suốt nhiều năm liền, hoặc trải qua những cuộc hôn nhân không có tình yêu, và đôi lúc còn chứng kiến cả sự thù hận và khinh bỉ lẫn nhau trong hôn nhân.

Tình trạng đó có thể kéo dài suốt nhiều năm, rất đau đớn, mà cuối cùng lại không có lợi cho con cái. Những người trẻ tuổi mà tôi từng gặp thường nói với tôi rằng họ muốn cha mẹ mình hạnh phúc. Và nếu ở cùng nhau không đem lại hạnh phúc, thì họ cũng hiểu được. Và việc buông bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc đó sẽ tạo nên mô hình mới về những mối quan hệ lành mạnh cho con cái chúng ta.

Những sự thay đổi này, theo cách mà chúng ta nhìn vào hôn nhân ở độ tuổi 50, 60, có thể được xem là lành mạnh và mới mẻ. Bởi chúng ta cởi mở hơn về việc nói với người khác về cuộc hôn nhân của chúng ta, các cặp đôi dường như đang phát triển các mối quan hệ lành mạnh hơn, có cơ hội phát triển và sâu đậm hơn theo thời gian.

Nếu bạn không hạnh phúc trong quan hệ của mình

Những cặp đôi gắn bó suốt nửa cuộc đời của họ hoặc hơn có nhiều lựa chọn sẵn có hơn so với thế hệ trước đây. Nếu bạn không hài lòng với mối quan hệ của mình, đừng cho rằng đã quá muộn để thay đổi. Hãy nói chuyện với bạn đời của mình một cách công khai về cảm nhận của bạn, và những thứ mà người bạn đời hoặc cả hai có thể làm để cải thiện cuộc hôn nhân, hoặc thêm sức sống mới cho cuộc hôn nhân.

Hãy thay đổi thói quen làm việc để dành thời gian nhiều hơn cùng người bạn đời. Giữ một khoảng thời gian để hẹn hò, để bạn có thể lấy lại cảm giác về một cuộc sống lãng mạn với người bạn đời, dù không còn đầy đủ các yếu tố như trước kia nữa.

Nếu bạn cảm thấy cuộc hôn nhân của mình vẫn có thể duy trì được nhưng cần làm mới, hãy cố gắng viết nên những chương mới cùng nhau. Và nếu cần, hãy tìm đến một bác sĩ tâm lý để hướng dẫn bạn qua chặng đường này.

Cuối cùng, nếu như bạn cảm thấy mối quan hệ hôn nhân của mình đã đến thời điểm không thể gắng gượng, tôi rất muốn khuyên bạn rằng hãy dành chút thời gian cùng người bạn đời, bình tâm giải thích về cảm xúc của mình nếu được. Hãy để cho nhau nhớ về những thứ tốt đẹp mà cả hai đã có trong những năm tháng bên nhau: Con cái, công việc, những chiến thắng và thất bại, những khoảnh khắc hài hước và tình yêu. Sau đó, bạn có thể giải thoát cho người còn lại để hoàn thiện những chương tiếp theo của cuộc đời mình.

Theo CNN