Lý do thức sự khiến Thủ tướng Nhật Bản Abe tức tốc muốn gặp Donald Trump?

VietTimes -- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn xây dựng quan hệ tin cậy với ông Donald Trump, thuyết phục Mỹ tiếp tục coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy TPP có hiệu lực, kiềm chế Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 17/11 dẫn báo chí Mỹ cho hay Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 17/11 sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại New York.

Chuyên gia phân tích cho rằng cuộc gặp lần này sẽ đặt cơ sở cho quan hệ Mỹ - Nhật trong 4 năm tới. Đồng thời, một cố vấn của ông Donald Trump còn cho biết ông Donald Trump xem ông Shinzo Abe là đồng minh kiềm chế Trung Quốc, hy vọng Nhật Bản phát huy vai trò tích cực hơn ở châu Á.

Xây dựng quan hệ cá nhân tin cậy

Theo báo chí Mỹ ngày 16/11, trước khi đến Peru tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, ông Shinzo Abe sẽ đến New York gặp ông Donald Trump vào ngày 17/11. Ông Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Donald Trump gặp gỡ sau trúng cử.

Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản Kawai Katsuyuki trước đó đã đến Mỹ để làm công tác chuẩn bị cho cuộc gặp này. Ngày 14/11, tại Washington, ông Kawai Katsuyuki đã tổ chức hội đàm với ông William Studeman, cựu Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, người có quan hệ thân cận với ông Donald Trump.

Trong cuộc gặp, ông Kawai Katsuyuki đã truyền đạt thông điệp “ông Shinzo Abe hy vọng nhanh chóng thiết lập quan hệ cá nhân tin cậy ở mức độ cao nhất với ông Donald Trump”; đồng thời nhấn mạnh với phía Mỹ "đối với ông Donald Trump, trong các nhà lãnh đạo thế giới, không có nhà lãnh đạo nào thực sự đáng tin cậy hơn Thủ tướng Shinzo Abe".

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: The Japan Times
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: The Japan Times

Sau khi trúng cử, ông Shinzo Abe đã gọi điện chúc mừng ông Donald Trump và đã nhanh chóng sắp xếp cuộc gặp này. Ông Shinzo Abe hình dung cuộc điện đàm này với ông Donald Trump là "thắng thắn và thoải mái".

Trước khi đến Mỹ, ông Shinzo Abe cho biết ông sẽ nỗ lực nêu bật tầm quan trọng của thương mại với ông Donald Trump. Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump mạnh mẽ phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy, cho rằng thực hiện hiệp định này sẽ mang tính "thảm họa".

Lập trường này gây lo ngại rất lớn cho Nhật Bản. Ngày 15/11, ông Shinzo Abe cho biết trở ngại cho việc thực hiện hiệp định TPP sẽ khiến cho cộng đồng quốc tế chuyển mối quan tâm tới một hiệp định thương mại khu vực khác, đó là Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu, không bao gồm Mỹ.

Ngoài ra, hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 15/11 cho biết trong hội đàm hai bên sẽ tiếp tục xác nhận tầm quan trọng của đồng minh Nhật-Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Shinzo Abe có kế hoạch làm việc từ góc độ “Mỹ tham gia các vấn đề ở khu vực này có lợi cho bảo vệ lợi ích của Mỹ trên các phương diện kinh tế, an ninh”.

Ông sẽ yêu cầu duy trì quy mô kinh phí hiện nay của Quân đội Mỹ đóng ở Nhật Bản, lấy “tăng trưởng kinh tế cần có tự do thương mại” làm lý do để thúc đẩy ông Donald Trump thay đổi chủ trương rút khỏi TPP.

Ông cho biết: "Sẽ tiến hành đối thoại cởi mở về thương mại, kinh tế, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, tình hình khu vực. Hy vọng có bước đi đầu tiên xây dựng quan hệ tin cậy".

Mở đường cho quan hệ Mỹ-Nhật 4 năm tới

Một cố vấn các vấn đề an ninh quốc gia của ông Donald Trump cho biết ông Donald Trump hy vọng giảm bớt bất cứ sự quan ngại "không có căn cứ" nào của ông Shinzo Abe và xác nhận cam kết của ông đối với quan hệ đồng minh an ninh Mỹ-Nhật.

Cuộc gặp này có thể đánh đấu sự khởi đầu cho các cuộc thảo luận liên quan đến việc Mỹ giành lấy sự ủng hộ của Nhật Bản để đối phó với vai trò ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở châu Á.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ triển khai ở Yokosuka, Nhật Bản từ tháng 10/2015 (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ triển khai ở Yokosuka, Nhật Bản từ tháng 10/2015 (ảnh tư liệu)

Cố vấn này còn cho biết trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, ông Donald Trump sẽ kết thúc việc đóng băng kinh phí quân sự hiện nay, đệ trình ngân sách mới, cung cấp tiền để chế tạo vài chục tàu chiến mới. Điều này sẽ phát đi tín hiệu cho Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác rằng Mỹ có ý định ở lại châu Á lâu dài.

Tuy nhiên, trong vấn đề khả năng Nhật Bản phải chi trả nhiều chi phí hơn cho Quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản, hai bên rõ ràng tồn tại bất đồng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada vừa qua cho biết Nhật Bản đã đóng góp đầy đủ về chi phí cho Quân đội Mỹ đóng tại nước này. Chi phí năm nay của Nhật Bản dành cho Quân đội Mỹ là 3,5 tỷ USD, toàn bộ chi phí duy trì của Quân đội Mỹ tại Nhật Bản cần khoảng 5,5 tỷ USD.

Mặc dù ông Donald Trump lên cầm quyền đã tạo ra một số yếu tố không xác định cho quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, nhưng Dan Blumenthal - chủ nhiệm nghiên cứu châu Á, Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ ở Washington cho rằng khi gặp gỡ ông Shinzo Abe ở Washington vào ngày 17/11, ông Donald Trump có cơ hội khẳng định với ông Shinzo Abe rằng, về mặt cơ bản của địa-chính trị, điểm chung giữa họ có thể nhiều hơn như quan điểm của mọi người.

Cuộc gặp lần này sẽ đặt cơ sở cho quan hệ giữa Mỹ với đồng minh quan trọng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương trong 4 năm tới.

Tạp chí The National Interest Mỹ cho rằng cuộc gặp với ông Shinzo Abe là bước đi đầu tiên đúng đắn trong chính sách châu Á mà ông Donald Trump sắp xây dựng.

Việc tiếp nhận yêu cầu của ông Shinzo Abe vừa trấn an được các nước muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, vừa làm cho các nước khác thấy được Mỹ sẽ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nỗ lực bảo đảm sự ổn định của khu vực này.

Hải quân Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung Keen Sword ngày 16/11/2012. Ảnh: Chinatimes.
Hải quân Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung Keen Sword ngày 16/11/2012. Ảnh: Chinatimes.

Bài viết cho rằng con đường ngăn chặn nổ ra khủng hoảng ở châu Á với cái giá phải trả thấp nhất và có hiệu quả chi phí nhất chính là tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương và xây dựng một chính sách thận trọng hợp tác với các đồng minh.

Ngoại giao toàn diện của Nhật Bản

Ngoài ra, theo hãng tin Kyodo ngày 15/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi động toàn diện ngoại giao mùa thu, trong ngày 17/11 (giờ địa phương) ở New York, ông sẽ tiến hành hội đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Sau đó, trong thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Peru, ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tiến hành trao đổi về việc thúc đẩy đàm phán ký kết hiệp ước hòa bình.

Ông Shinzo Abe thông qua một loạt hội đàm để xử lý các vấn đề quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề lãnh thổ "Bốn hòn đảo phía bắc" (Nga đang kiểm soát), kết quả của các cuộc hội đàm này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của chính quyền Nhật Bản trong tương lai.

Tại hội nghị Ủy ban đặc biệt Thượng viện Nhật Bản về TPP ngày 15/11, ông Shinzo Aeb cho biết: "Sẽ tiến hành đối thoại cởi mở (với ông Donald Trump) về thương mại, kinh tế, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, tình hình khu vực. Hy vọng có bước đi đầu tiên xây dựng quan hệ tin cậy".

Từ ngày 19 đến ngày 20/11, ông Shinzo Abe sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức ở thủ đô Lima của Peru. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga, ông Shinzo Abe sẽ tiến hành đối thoại cụ thể về vấn đề lãnh thổ và hợp tác kinh tế với Nga, mong muốn thúc đẩy chuyến thăm Nhật Bản và có cuộc hội đàm với ông Vladimir Putin tại tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản vào tháng 12/2016.

Trong thời gian đó, ông Shinzo Abe sẽ còn tham dự Hội nghị cấp cao các nước thành viên TPP, tham dự hội nghị có cả cả Tổng thống Mỹ Barack Obama. Do ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, để TPP có hiệu lực trở nên rất khó khăn. Hội nghị lần này dự tính sẽ thảo luận thủ tục hợp tác thúc đẩy TPP của 12 nước tham gia.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (ảnh tư liệu)
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (ảnh tư liệu)

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng APEC ở Peru trong các ngày 16 và 17/11/2016. Để ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, ông Fumio Kishida có kế hoạch bày tỏ lập trường thúc đẩy thương mại tự do của Chính phủ Nhật Bản.