Là một quốc gia rất phát triển, nhưng một số doanh nghiệp SME vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi số (Ảnh: SME Asia)
Là một quốc gia rất phát triển, nhưng một số doanh nghiệp SME vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi số (Ảnh: SME Asia)

E-magazine Lý do nhiều doanh nghiệp Singapore không chuyển đổi số dù nhận thức không phải là trở ngại chính?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  CEO Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), ông Ho Meng Kit nói rằng chuyển đổi số ngày nay thực sự bao gồm hai điều – nhân tài và sự hiểu biết về công nghệ.

Đến nay hầu hết các công ty ở Singapore đều công nhận rằng chuyển đổi số không còn là một lựa chọn phải đắn đo. Tích hợp công nghệ số vào các khía cạnh của doanh nghiệp để thay đổi cơ bản cách họ hoạt động và mang lại giá trị cho khách hàng là điều cần thiết để tồn tại và phát triển.

Ngay từ năm 2010, Chính phủ đã thúc giục các công ty ở Singapore, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chuyển đổi số hoạt động kinh doanh của họ để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhiều sáng kiến ​​như chương trình “Tín dụng Năng suất và Đổi mới” hiện không còn tồn tại. Chương trình “Áp dụng Công nghệ” và chương trình “Phát triển Kỹ thuật số” dành cho doanh nghiệp SME, cung cấp các động lực và nguồn lực cho các doanh nghiệp SME đầu tư vào tự động hóa, robot và các giải pháp công nghệ khác, đã được triển khai trong những năm qua.

Gần 10 năm qua, thông điệp chuyển đổi số đã trở nên rõ ràng. Nhiều công ty, cả lớn và nhỏ, đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ.

Sự thay đổi mô thức tư duy (Mindset)

Báo cáo Khảo sát Kinh doanh Quốc gia hàng năm của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) cho thấy nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp đã có sự thay đổi.

Năm 2016, chỉ 15% doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore được khảo sát đồng ý rằng cần thiết phải chuyển đổi số, phải thay đổi công nghệ để chống lại tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong số các công ty lớn, thông điệp này được hưởng ứng gấp đôi, nhưng đây vẫn là một con số thấp.

Ngày nay, cứ 10 người thì có 9 người nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi kinh doanh để duy trì tính phù hợp và cạnh tranh, khi công nghệ số hiện diện ngày càng mạnh mẽ trên thế giới.

Sự thay đổi mô thức tư duy này là một bước tiến lớn và đúng hướng. Tuy nhiên các công ty, đặc biệt là SME, dường như đang bị tụt hậu trong động lực đổi mới này.

Nhân viên văn phòng tại Raffles Place ở Singapore (Ảnh: MediaCorp)

Nhân viên văn phòng tại Raffles Place ở Singapore (Ảnh: MediaCorp)

Vào năm 2018, hơn một nửa số công ty Singapore báo cáo đã thực hiện một số hình thức đổi mới kinh doanh, nhưng nghiên cứu của SBF cũng cho thấy các công ty có quy mô nhỏ ít có khả năng đổi mới hơn. 40% doanh nghiệp lớn báo cáo đã triển khai công nghệ mới, trong khi SME là 31%.

Nhận thức, rõ ràng đã không chuyển thành hành động. Tại sao một số công ty lại đứng bên lề của xu hướng chuyển đổi số khi họ biết rằng không làm gì có nghĩa là chấp nhận rủi ro lớn hơn?

San lấp khoảng cách nhân tài công nghệ số

Đã nhiều năm kể từ khi các công ty Singapore bước vào con đường chuyển đổi số, nghiên cứu của SBF chỉ ra rằng 2 thách thức chính cản trở các doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi số là Nhân tài và Công nghệ.

Điều này cũng đã từng xuất hiện trong nghiên cứu năm 2018 của Cisco. Báo cáo cho thấy nguyên nhân hầu hết các công ty ở châu Á chậm áp dụng công nghệ là do hạn chế về ngân sách, thiếu nhân tài công nghệ và cơ sở hạ tầng CNTT không phù hợp.

Nhu cầu ngày càng tăng về các kỹ năng số tại nơi làm việc đã dẫn đến sự thâm hụt nhân tài trong lĩnh vực công nghệ của Singapore, mặc dù Chính phủ đang khuyến khích sinh viên theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, toán học và kỹ thuật.

Nhu cầu việc làm công nghệ ở Singapore đã tăng 20% ​​trong năm qua, theo báo cáo điểm chuẩn tiền lương năm 2019 của công ty tuyển dụng Michael Page.

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cuộc khủng hoảng tài năng công nghệ này là một vấn đề rất lớn. Nhu cầu cao về nhân tài công nghệ trong các lĩnh vực đã đẩy mức tiền lương lên cao hơn.

Chính điều này đã tạo áp lực lên các công ty nhỏ. Họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những nhân viên có kỹ năng công nghệ khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn – nơi các nhân viên có cơ hội phát triển và mức thu nhập cao hơn.

Nếu không có đủ nhân tài để lấp đầy các khoảng trống, các công ty nhỏ cần phải tìm ra những cách thức tuyển dụng khác để khắc phục vấn đề.

Đầu tư nội bộ

Thứ nhất, các công ty nhỏ cần bắt đầu đầu tư vào lực lượng lao động hiện có của mình và xem xét các cách để phát triển tài năng trong nội bộ.

Điều này có nghĩa là các công ty phải đảm bảo nhân viên được tiếp cận với các chương trình đào tạo kỹ năng số chất lượng, khuyến khích văn hóa liên tục học hỏi trong công ty, cung cấp cho nhân viên cơ hội đảm nhận các vai trò cao hơn và hữu ích hơn. Nó không chỉ giúp nhân viên chuẩn bị sẵn sàng cho những vai trò mới trong tương lai mà thúc đẩy sự phát triển của công ty.

Singapore đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (Ảnh: Smartcitiesworld.ney)

Singapore đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (Ảnh: Smartcitiesworld.ney)

Chìa khóa thành công cho các SME là dự đoán được các xu hướng chuyển đổi số để việc đào tạo phù hợp và hữu ích, không chỉ cho công việc ngày hôm nay mà còn cho công việc của tương lai.

Về vấn đề này, các Viện đào tạo bậc cao và các công ty có thể tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Lấy ví dụ, NCS, công ty con cung cấp giải pháp công nghệ thông tin-truyền thông của Singtel, đã bắt tay với Viện Khoa học Hệ thống của Đại học Quốc gia Singapore để đào tạo hơn 1.000 nhân viên công nghệ thông tin - truyền thông kỹ thuật số và tuyển dụng mới trong hai năm tới.

Ngoài đào tạo kỹ thuật cho các nhân viên NCS mới vào nghề và đào tạo các kỹ sư phần mềm mới, sự hợp tác với Viện Khoa học Hệ thống cho phép các chuyên gia cao cấp của NCS có thể giảng dạy tại Viện, trong khi sinh viên của Viện có cơ hội thực tập tại NCS.

Các Hiệp hội và Phòng thương mại cũng như các nhà lãnh đạo ngành khoa học công nghệ có thể đóng vai trò chủ đạo. Họ có thể thành lập các Học viện Kỹ thuật số để hỗ trợ việc nâng cao kỹ năng số cho các chủ doanh nghiệp SME và nhân viên của họ.

Tuần trước, SBF đã công bố hợp tác với V3 Fintech, công ty con của V3 Group, để thành lập Beyond Lab - một Học viện khu vực tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp SME trong việc áp dụng công nghệ số nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Thông qua Học viện này, SBF hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp SME khả năng chuyển đổi số, trang bị cho họ kỹ năng để tận dụng các cơ hội của nền kinh tếsố trong khu vực.

Từ các khóa học phát triển lãnh đạo kỹ thuật số đến khóa học về an ninh mạng, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, các học viện này có thể giúp các công ty nhỏ hơn nuôi dưỡng văn hóa kỹ thuật số và phát triển toàn bộ các khả năng kỹ thuật số mà họ cần với giá cả phải chăng. Nó cũng đem lại cho các SME sự linh hoạt để thuê các nhân viên tiềm năng, không chỉ là những người đã có chứng chỉ. Thay vì cạnh tranh với các công ty lớn để tìm được nhân viên phù hợp, các công ty nhỏ có thể đưa nhân viên đi đào tạo để phát triển các kỹ năng họ cần.

Chi phí đầu tư cho công nghệ

Bên cạnh việc thiếu nhân tài phù hợp, một thách thức lớn mà các công ty nêu ra trong báo cáo của SBF là chi phí áp dụng các giải pháp công nghệ số. Một vài công ty trong số này cũng thiếu một chiến lược toàn diện và không chắc chắn giải pháp nào sẽ được áp dụng, áp dụng ở đâu hoặc cách triển khai thế nào để có lợi nhất.

Có lẽ một trong những quan niệm sai lầm nhất của các công ty SME là việc chuyển đổi số rất tốn kém và chỉ những công ty lớn mới có thể kham nổi.

Nhưng thực ra các công ty nhỏ có thể bắt đầu quá trình chuyển đổi số với quy mô nhỏ trước. Nó có thể đơn giản như truy cập mạng xã hội hoặc thiết lập một trang web. Các công ty nhỏ có thể tiến hành nhiều thử nghiệm hơn với công nghệ số khi họ đã phát triển về kinh nghiệm, năng lực và sự tự tin.

Để bắt đầu, các SME của Singapore có thể tận dụng Chương trình "SMEs Go Digital" của Infocomm. Chương trình cung cấp một công cụ tự đánh giá cũng như gói Start Digital, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng hai giải pháp bất kỳ từ kế toán và tiếp thị kỹ thuật số đến an ninh mạng và giao dịch số với chi phí thấp hơn.

Chương trình Tech Depot trên Cổng doanh nghiệp SME (SME Portal) cũng cung cấp một loạt các giải pháp công nghệ mà các công ty có thể áp dụng ngay. Họ cũng có thể tham gia các chương trình khác như "Trợ cấp Phát triển Doanh nghiệp" và "Trợ cấp Giải pháp Năng suất" cho các dự án cần vốn đầu tư lớn.

Sự trợ giúp

Để hỗ trợ các doanh nghiệp SME chuyển đổi số, Ủy ban Số hóa SBF, lãnh đạo bởi ông Janet Ang, Thành viên Hội đồng SBF và cựu Phó Chủ tịch Giải pháp Công nghiệp và Phát triển Kinh doanh tại IBM Châu Á Thái Bình Dương, đã có nhiều nỗ lực trong năm nay để giúp các công ty SME sẵn sàng bắt tay vào hành trình chuyển đổi số.

Ủy ban Số hóa SBF đã tổ chức hàng loạt các diễn đàn và chuỗi sự kiện SMEs Go Digital để giới thiệu các sáng kiến chuyển đổi số, cũng như các doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công.

Chương trình SMEs Go Digital ở Singapore (ảnh: Mediacorp)

Chương trình SMEs Go Digital ở Singapore (ảnh: Mediacorp)

Giờ đây, các doanh nghiệp nhận ra rằng họ cần phải điều chỉnh bản thân với sự thay đổi của thế giới, họ có một lựa chọn để thực hiện - chuyển đổi số để tăng tốc, nếu không họ sẽ tụt lại phía sau.