Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Khó khởi kiện Viwasupco, thử mở hợp đồng cung cấp nước nhà mình ra xem có điều khoản nào để khởi kiện không (?!)

VietTimes -- Nhận định này của luật sư Nguyễn Tiến Lập tại buổi tọa đàm “Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền Thông (Viện IPS) và CLB Café số đồng tổ chức chiều nay 21/10/2019, đã gây bất ngờ đối với nhiều người tham dự.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: Chi Lê)
Luật sư Nguyễn Tiến Lập phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: Chi Lê)

Đánh giá về việc khởi kiện công ty cung cấp nước là CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco), luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết việc này là rất khó khăn.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Lập, các cơ quan công quyền đều sẵn sàng giúp đỡ nhưng “không có đường để đi” vì cơ chế bảo vệ quyền người tiêu dùng vẫn còn thiếu. Nếu thực hiện kiện thì tòa án vẫn nhận nhưng xử lý được hay không lại là một câu chuyện khác.

Vị chuyên gia này cho biết muốn khởi kiện được Viwasupco phải làm rõ 4 vấn đề lớn: (1) Chứng minh có vi phạm hợp đồng; (2) Chứng minh có thiệt hại (Chứng minh nước của Viwasupco không thể dùng được, khó chứng minh thiệt hại về sức khỏe); (3) Chứng minh yếu tố có lỗi và (4) Quan hệ nhân quả (Chứng minh vi phạm của công ty cung cấp nước có gây thiệt hại).

Thử mở hợp đồng cung cấp nước nhà mình ra xem có điều khoản nào để khởi kiện được không, dù là luật sư, tôi cũng thấy khó kiện. Dù không có điều khoản bảo vệ mình nhưng tôi vẫn phải ký vì không ký thì không có nước để dùng” - ông Lập chia sẻ thẳng thắn.

Nếu khởi kiện Viwasupco theo luật bảo vệ người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn vì việc khiếu kiện tập thể, chưa chắc đã tìm được người đứng ra nhận ủy quyền để theo đuổi vụ kiện (có thể sẽ kéo dài nhiều năm). Trong khi đó, Viwasupco cũng khó có thể bị phá sản vì những vụ kiện kiểu này vì đang là doanh nghiệp cung cấp nước sạch - mặt hàng thiết yếu với đời sống hàng ngày và người dân không có lựa chọn thay thế.

“Tuy nhiên, việc theo đuổi vụ kiện có thể tạo sức ép lên Viwasupco hoặc những doanh nghiệp cung cấp nước khác trong việc cải thiện chất lượng nước” - ông Lộc cho biết.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm
Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm

Doanh nghiệp phản ứng chậm, chính quyền còn chậm hơn

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chuyên gia quản trị công - cho rằng chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng nước sông Đà bị nhiễm bẩn vừa qua.

Khi đã cho doanh nghiệp tư nhân cung cấp nước, dù trực tiếp hay không, chính quyền phải đảm bảo vai trò quản lý, thanh tra, kiểm tra về chất lượng.

"Người nào uống thì uống no rồi, ảnh hưởng rồi mới ra thông báo ngừng sử dụng. Như vậy có thể thấy, phản ứng với sức khỏe, sinh mệnh người dân là rất chậm. Doanh nghiệp đã phản ứng chậm, chính quyền còn phản ứng chậm hơn” - ông Dũng cho hay và đặt vấn đề về trách nhiệm, đạo đức của các bên trong cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà.

“Trước hết, việc đổ dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà có phải là hành vi cố ý hay không? Có chuyện cạnh tranh giữa các công ty cung cấp nước sạch để tranh giành thị phần ở thị trường “béo bở” này hay không?” - TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt vấn đề.

Theo ông, thị trường ngành nước có “những cơ hội vàng” đối với các doanh nghiệp tư nhân, bởi “nếu như cà phê có thể nay uống mai không, đi du lịch có thể năm nay đi năm nay không thì nhu cầu về nước hay điện gần như không thay đổi”. Bên cạnh đó, với hiện trạng cung cấp nước sạch như hiện nay, người dân gần như không có sự lựa chọn thay thế. Chính vì vậy, thương quyền trong lĩnh vực nước là rất lớn.

Mặt khác, tại Việt Nam, dịch vụ công đang là thị trường hết sức béo bở do chúng ta vẫn chưa tính đến thương quyền, độc quyền bán, độc quyền mua trong lĩnh vực này. Trong đó, nước sạch cũng là một trong số ít các dịch vụ công mà doanh nghiệp cung cấp có thể thu tiền của người sử dụng, không giống như việc cung cấp hệ thống chiếu sáng công cộng hay bảo đảm an ninh, phúc lợi xã hội.

“Dịch vụ công do tư nhân cung cấp có được ko? Đây là câu hỏi gây nhiều tranh cãi, vì tư nhân họ quan tâm tới lợi nhuận, cái gì thu được tiền mới vào. Tuy nhiên, tư nhân thường hoạt động rất hiệu quả, hơn hẳn các cơ quan công quyền. Nếu đã để cho tư nhân cung cấp nước rồi nhưng vẫn không thiết kế các thiết chể đủ mạnh để họ cạnh tranh về mặt chất lượng thì sẽ tiềm ẩn những rủi ro của nhiều khủng hoảng sông Đà khác. Kể cả khi Nhà nước đảm nhiệm vai trò cung cấp nước sạch, người dân vẫn phải trả phí thông qua việc đóng thuế” - ông Dũng phân tích.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đề xuất việc cần sớm ban hành luật về dịch vụ công, tạo lập những thiết chế để ban hành những quy chuẩn về kỹ thuật cho dịch vụ này./.