Lũ lụt ở Trung Quốc diễn biến phức tạp, đến lượt lưu vực Hoàng Hà bị lũ tấn công

VietTimes – Tình trạng lũ lụt ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn nghiêm trọng; tình hình ở các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây và An Huy rất gay cấn, trong khi lũ lụt bắt đầu tấn công lên Hoa Bắc.
Lưu lượng dòng chảy về hồ tới 61 ngàn m3/s, đập Tam Hiệp phải xả lũ các cửa (Ảnh: Tân Hoa xã).
Lưu lượng dòng chảy về hồ tới 61 ngàn m3/s, đập Tam Hiệp phải xả lũ các cửa (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 21/7, tính đến 20 giờ tối thứ Hai (20/7), mưa lớn ở 117 huyện, thị và 14 thành phố trong tỉnh Hồ Nam đã khiến hơn 6,01 triệu người bị ảnh hưởng, 247.000 người phải sơ tán khẩn cấp; tại tỉnh Giang Tây, hơn 7 triệu người đã gánh họa. Các phương tiện truyền thông chính thức gần đây cũng đã đưa tin đập Tam Hiệp thực sự đã có sự xê dịch chuyển, rò rỉ và biến dạng, nhưng các thông số chủ yếu vẫn nằm trong phạm vi bình thường và các chỉ số an toàn là ổn định. Chuyên gia của Bộ Thủy Lợi cho rằng, công trình Tam Hiệp tuy là công trình cốt cán phòng lũ trên sông Dương Tử, nhưng không thể “một mình bao bọc cho cả thiên hạ”.

Đập Vương Gia Bối đã xả lũ tất cả các cửa (Ảnh: Đông Phương).
Đập Vương Gia Bối đã xả lũ tất cả các cửa (Ảnh: Đông Phương).

Cục quản lý khẩn cấp tỉnh Hồ Nam hôm thứ Hai đã thông báo, 63 trạm thủy văn trên các sông Tương Thủy, Nguyên Thủy, Tư Thủy, Lễ Thủy và hồ Động Đình mực nước đều đã vượt mức báo động và xảy ra lũ lụt, trong đó trạm Thành Lăng Cơ ở hồ Động Đình có mực nước 16 ngày liên tiếp vượt mức báo đông. Mực nước lũ cao nhất đạt 34,58 mét, vượt quá mực nước được bảo đảm 0,03 mét, là mức cao thứ ba kể từ năm 2000. Đã có lúc, gần 2.900 km đê trong khu vực hồ Động Đình đều trong tình trạng vượt mức báo động, trong đó 250 km mực nước cao hơn mức được bảo đảm. Xác suất nguy hiểm cho tuyến đê tiếp tục gia tăng.

Tại Giang Tây, Bộ chỉ huy phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh ngày 21/7 đã tổ chức họp báo.  Ông Lý Thế Cần, Chủ nhiệm Phòng chống lũ và hạn hán của Cục quản lý khẩn cấp tỉnh, đã thông báo, từ tháng 6 đến tối thứ Hai 20/7, đã có hơn 7 triệu người dân ở 99 huyện, 10 thành phố bị ảnh hưởng; 660.000 ha hoa màu bị hư hại, hơn 1.800 ngôi nhà bị sập và thiệt hại kinh tế trực tiếp là khoảng 20,7 tỷ nhân dân Tệ.

Do lưu lượng xả của đập Tam Hiệp lớn, dòng chảy của sông Dương Tử vào hồ Động Đình là hơn 10.000 mét khối mỗi giây, tạo thành xu hướng "trên ép dưới chống". Dự kiến các đê chính của sông Dương Tử và hồ Động Đình sẽ tiếp tục phải chịu đựng trên mực nước báo động, một số đê sẽ một lần nữa vượt quá mực nước .cho phép.

Nhiều vùng ở Giang Tây bị ngập nghiêm trọng (Ảnh: VCG).
Nhiều vùng ở Giang Tây bị ngập nghiêm trọng (Ảnh: VCG).

Ông Trần Quế Á, phó Tổng Công trình sư của Ủy ban Thủy Lợi sông Dương Tử thuộc Bộ Thủy Lợi nói, Dự án Tam Hiệp là xương sống của hệ thống kiểm soát lũ của sông Dương Tử. Nó có một vị trí quan trọng và hiệu quả to lớn, nhưng công trình Tam Hiệp không thể “một mình bao cho cả thiên hạ”, việc chống lũ của trung và hạ lưu Trường Giang không thể vì có công trình Tam Hiệp mà “gối cao ngủ kĩ”.

Ngoài ra, ông Trần Quế Á chỉ ra rằng sau trận lũ Số 1 năm nay xảy ra trên sông Dương Tử, hồ chứa Tam Hiệp đã phải xả 5 lần liên tiếp và lưu lượng xả đã giảm từ 35.000 mét khối mỗi giây xuống còn 19.000 mét khối mỗi giây. Ông cho rằng lũ lụt ở hạ lưu sông Dương Tử không phải do đập Tam Hiệp xả lũ gây nên, mà là do lượng mưa quá lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử.

 Trong khi đó, tình hình ở tỉnh An Huy  cũng rất nguy cấp, mực nước của trạm Trung Miếu ở Sào Hồ, thành phố Hợp Phì lúc 10h 24 ngày 21/7 đã lên tới 13,36m, đạt mức cao nhất trong 100 năm qua. Đập Vương Gia Bối "cổng lớn nhất của sông Hoài ngàn dặm” đã mở toàn bộ 13 cửa xả lũ, nhưng tất cả các địa phương của tỉnh An Huy vẫn bị lũ lụt mức độ khác nhau. Trong số đó, hơn 10.000 người đã bị cô lập tại thị trấn Cố Trấn.

Thị trấn Cố Trấn, An Huy bị cô lập tong lũ (Ảnh: VCG).
Thị trấn Cố Trấn, An Huy bị cô lập tong lũ (Ảnh: VCG).

Theo tin của Tân Hoa Xã ngày 20/7, các cửa xả lũ được mở vào lúc 8 giờ cùng ngày  theo lệnh Bộ chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán Trung Quốc. Đây là lần đầu sau 13 năm, đập Vương Gia Bối được mở lại. Nằm ở ngã ba của khu vực thượng và hạ lưu sông Hoài, đập này được gọi là "cổng đầu tiên của sông Hoài ngàn dặm" và là dự án khống chế chính trong lĩnh vực phân lũ Mông Oa của sông Hoài. Kể từ khi hoàn thành vào năm 1953, cổng đã được mở cả thảy 15 lần trong lịch sử, lần gần đây nhất là trong trận lũ sông Hoài năm 2007.  

Mặc dù Vương Gia Bối đã mở hết các cống xả nước, chuyển dòng nước lũ đến khu vực phân lũ để giảm áp lực lũ lụt, nhưng lũ lụt ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau vẫn xảy ra trên khắp An Huy do mưa lớn.

Theo Caixin.com, thành phố Lục An, tỉnh An Huy, nổi tiếng là vùng sản xuất chè, đã hứng chịu những trận mưa lớn liên tiếp. Nước sông dâng cao đã khiến đê sông bị vỡ và tràn vào khu dân cư. Ít nhất 10.000 người dân đã bị lũ lụt bao vây và chờ được giải cứu.

Một số khu vực của thành phố Lục An, cách Hợp Phì khoảng 100 km về phía Tây, đã trải qua những cơn mưa cực lớn kể từ ngày 17/7, khiến mực nước ở nhiều con sông ở An Huy tăng vọt và nhiều nhiều nơi xuất hiện tình huống nguy hiểm. Ngày 19/7, đê sông gần thị trấn Cố Trấn, quận Dụ An, thành phố Lục An đã bị vỡ. Nước sông bao vây ít nhất 10.000 cư dân, đang chờ được giải cứu.

Thành phố Thượng Nhiêu, Giang Tây bị ngập lụt (Ảnh: VCG).
Thành phố Thượng Nhiêu, Giang Tây bị ngập lụt (Ảnh: VCG).

Theo báo cáo, thị trấn Cố Trấn, nơi bị cô lập, không thể tiếp cận được bằng đường bộ. Cảnh sát vũ trang, lính cứu hỏa và đội cứu hộ đã phải sử dụng xuồng cao tốc để vào thị trấn giải cứu. Các quan chức địa phương cho biết, đê bị vỡ  là do hai hồ chứa ở thượng nguồn xả lũ khiến lưu lượng dòng chảy quá lớn nên kè đập không thể chịu được.

Tuy nhiên, các nhân viên của Bộ phận phòng chống lũ lụt và hạn hán của Cục Thủy Lợi thành phố Lục An nói rằng lũ lụt ở thị trấn Cố Trấn không liên quan gì đến việc xả lũ của hồ chứa, mà do lượng mưa quá lớn, "mưa trong bốn ngày bằng cả năm". Theo dữ liệu từ Đài Khí tượng Trung ương, một số khu vực của Lục An, Hợp Phì và Tín Dương (Hà Nam) đã mưa ở mức 300 mm đến 500 mm trong những ngày gần đây và quận Dụ An của thành phố Lục An mưa tới 642 mm, trong khi mưa trên 250 mm đã được coi là mưa đặc biệt lớn.

Kể từ tháng 6/2020, Đài Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã 40 ngày liên tiếp ra cảnh báo mưa bão, trở thành thời gian mưa dài nhất kể từ khi bắt đầu có dịch vụ cảnh báo mưa bão vào năm 2007.

Theo công bố chính thức, mưa lớn liên tục đã khiến 38,73 triệu người ở hơn 20 tỉnh thành gánh chịu tai họa, 141 người chết, 29.000 ngôi nhà bị sập và thiệt hại kinh tế trực tiếp  lên tới gần 100 tỷ Nhân dân tệ (14 tỷ USD).

Theo trang Thecover.cn ngày 21/7, Bộ Thủy Lợi thông báo, do ảnh hưởng bởi lượng mưa và nước từ thượng nguồn, mực nước ở đoạn từ Sa Thị đến Hán Khẩu ở trung và hạ lưu sông Dương Tử và hồ Động Đình sẽ tiếp tục dâng cao, mực nước hồ Thái Hồ sẽ tiếp tục dao động ở mức cao; lũ trên sông Hoài tiếp tục tiến về phía hạ lưu.

Cầu cổ Trấn Hải có từ đời nhà Minh ở Hoàng Sơn, An Huy bị nước lũ phá hủy (Ảnh: VCG).
Cầu cổ Trấn Hải có từ đời nhà Minh ở Hoàng Sơn, An Huy bị nước lũ phá hủy (Ảnh: VCG).

Cùng ngày, ông Ngạc Cánh Bình, Phó tổng chỉ huy phòng chống thiên tai quốc gia và Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi, đã 2 lần chủ trì hội nghị, phân tích và đánh giá tình hình lũ lụt ở sông Dương Tử, sông Hoài và hồ Thái Hồ và bố trí các công tác trọng điểm tới đây.

Theo dự báo thời tiết, từ ngày 21-23/7, dải mưa sẽ dịch chuyển lên phía Bắc, sẽ có mưa lớn ở phía đông bắc vùng Tây Nam, phía đông nam vùng Tây Bắc, phía nam Hoa Bắc, Hoàng Hoài và phía bắc Giang Hoài, đe dọa lưu vực Hoàng Hà;  tiếp đó từ ngày 24 đến 27 sẽ có thêm một đợt mưa lớn nữa. Hai đợt mưa lớn liên tiếp này sẽ uy hiếp nghiêm trọng lưu vực Hoàng Hà và Hoài Hà.

Trước đó, hôm 20/7, lưu lượng dòng chảy của Hoàng Hà ở Trạm Thủy văn Lan Châu đã đạt mức 30.000m3/s, chính thức hình thành Cơn lũ thứ 2 năm 2020 trên Hoàng Hà; ngày 21/7, nhiều khu vực ở Lan Châu đã bị chìm trong nước lũ.