Lô trái phiếu “cắt cổ” của Hồng Hoàng và công thức 5 tỷ của loạt cổ đông ACB

VietTimes -- Việc chuyển nhượng cổ phần ACB thông qua các pháp nhân kín tiếng giúp “ẩn” bớt tỷ lệ sở hữu thực của các nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã CK: ACB).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Những pháp nhân đã biết

Hồi cuối tháng 2/2019, những doanh nghiệp kiểu này bắt đầu lộ diện khi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu hơn 51,7 triệu cổ phiếu ACB.

Bên chuyển nhượng là 3 người thân của ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB, đó là: ông Trần Mộng Hùng, ông Trần Minh Hoàng và bà Trần Đặng Thu Thảo.

Trong đó, ông Trần Mộng Hùng (sinh năm 1953, cha ruột của ông Trần Hùng Huy) đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu ACB trực tiếp sở hữu (gần 23 triệu cổ phiếu) cho CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen (Giang Sen).

Bà Trần Đặng Thu Thảo và ông Trần Minh Hoàng (chị ruột và em ruột của ông Trần Mộng Hùng) đã chuyển nhượng số cổ phần còn lại (hơn 28,7 triệu cổ phiếu) cho CTCP Đầu tư Thương Mại Bách Thanh (Bách Thanh) và CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn (Vân Môn).

Các giao dịch đều được cho biết là nhằm mục đích góp vốn.

Cả 3 pháp nhân nhận chuyển nhượng nêu trên lại gây nhiều sự chú ý bởi những đặc điểm tương đồng, khi đều đăng ký vốn điều lệ ở mức 5 tỷ đồng, cùng chung địa chỉ trụ sở chính tại số 480 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 2, Quận 3, Tp. HCM.

Đi sâu vào cơ cấu cổ đông của 3 pháp nhân này, có thể thấy những người thân của vị Chủ tịch HĐQT ACB chỉ sở hữu 5% cổ phần.

Cụ thể, Giang Sen có 3 cổ đông sáng lập, với tỷ lệ sở hữu lớn nhất thuộc về ông Phan Thanh Minh (sinh năm 1963) với 90% vốn điều lệ. Các ông Phan Trần Minh Quân và Trần Mộng Hùng mỗi người sở hữu 5% vốn điều lệ.

Tương tự, Bách Thanh cũng có 3 cổ đông là: Trần Trọng Nhân (90%); Trần Minh Hoàng (5%) và Trần Thị Minh Hà (5%). Công ty Vân Môn có 3 cổ đông là: Trần Thị Xinh (90%); Đặng Văn Phú (5%) và Trần Đặng Thu Thảo (5%).

Cần lưu ý rằng, với mức giá giao dịch khoảng 31.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường chứng khoán khi đó, mỗi lô cổ phiếu ACB được người thân của ông Trần Hùng Huy đem góp vốn đều có giá trị lên tới nhiều trăm tỷ đồng, gấp nhiều chục lần quy mô vốn đăng ký của những pháp nhân nhận chuyển nhượng.

Chia sẻ với truyền thông trong nước khi đó, ông Huy cho biết các hoạt động chuyển nhượng chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình, không bán ra bất kỳ cổ phiếu nào. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình ông vẫn tiếp tục gắn bó lâu dài với ACB.

 Cổ đông “đứng tên” và cổ đông “gần lớn” ở các ngân hàng

Và quả thực, việc chuyển nhượng cổ phiếu ACB nêu trên đã giúp danh sách những người có liên quan đến ông Huy, tính đến ngày 30/6/2019, được “rút gọn” đi rất nhiều.

Tổng tỷ lệ sở hữu của ông Trần Hùng Huy và bà Đặng Thu Thủy (mẹ ruột) chỉ dừng ở mức 4,59% vốn điều lệ của nhà băng này - đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ sở hữu theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010.
Danh sách những người có liên quan tới Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy tại ngày 30/6/2019
Danh sách những người có liên quan tới Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy  tại ngày 30/6/2019

Những pháp nhân kín tiếng

Bên cạnh Bách Thanh, vào tháng 8/2019, bà Trần Thị Minh Hà (sinh năm 1993) cùng 2 cổ đông khác (ông Phạm Trần Nhã và bà Võ Thị Tường Vy) tham gia góp vốn thành lập nên CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan (Nghi Lan).

Công ty này đăng ký quy mô vốn điều lệ ở mức 5 tỷ đồng, ban đầu cùng địa chỉ trụ sở chính với Bách Thanh, Giang Sen và Vân Môn nhưng nay đã chuyển về Tầng 3, tòa nhà An Phú Plaza, 117 - 119 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, Tp. HCM.

Nghi Lan có nhiều mối liên hệ với một pháp nhân khác cũng đăng ký vốn điều lệ ở mức 5 tỷ đồng là CTCP Đầu tư Thương mại Huynh Đệ (Huynh Đệ) - do ông Phan Thanh Minh (cổ đông sở hữu 90% vốn tại Giang Sen) làm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và cũng là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu tới 40% vốn điều lệ.

Song đó chưa phải là những điểm nổi bật nhất. Được biết, Nghi Lan là công ty mẹ, sở hữu tới 99,9% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng (Hồng Hoàng) do bà Phạm Thị Khánh Hồng (sinh năm 1964) là người đại diện pháp luật.

Hồng Hoàng được thành lập từ tháng 11/2016, có nhiều năm hoạt động hơn hẳn các công ty kể trên. Quy mô vốn điều lệ đăng ký ban đầu cũng chỉ ở mức 5 tỷ đồng.

Sơ đồ mối liên hệ giữa các công ty vốn 5 tỷ đồng sở hữu lượng lớn cổ phần ACB.
Sơ đồ mối liên hệ giữa các công ty vốn 5 tỷ đồng sở hữu lượng lớn cổ phần ACB.

Toan tính sau lô trái phiếu "cắt cổ" của Hồng Hoàng

Ngày 29/10/2019, Hồng Hoàng đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 1.402 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 5 năm và có tài sản đảm bảo bằng tài sản.

Điều đáng chú ý ở lô trái phiếu này là mức lãi suất được đẩy lên tới 20%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thị trường. Danh sách trái chủ là nhà đầu tư nước ngoài mua lại số trái phiếu trên không được tiết lộ chi tiết.

Chỉ biết rằng, vào ngày 1/11, dữ liệu của VietTimes cho thấy Hồng Hoàng đã thế chấp 60.771.055 cổ phiếu ACB tại Saigon Asia Credit Limited - đăng ký địa chỉ trụ sở chính ở số 94 Solaris Avenue, Camana Bay, PO Box 1348, Grand Cayman KY1-1108, Cayman Islands.

Lô trái phiếu “cắt cổ” của Hồng Hoàng và công thức 5 tỷ của loạt cổ đông ACB ảnh 4
(Sơ đồ hóa: Hải KAL)

Nguồn gốc số cổ phiếu ACB kể trên nhiều khả năng liên quan tới 4 giao dịch thỏa thuận trong phiên 30/10 trước đó, khi khối lượng giao dịch cũng đúng bằng 60.771.055 cổ phiếu (trong đó có 35,2 triệu cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra). Tại mức giá 23.800 đồng/cổ phiếu, quy mô giao dịch lên tới khoảng 1.446 tỷ đồng.

Do đó, kịch bản khả dĩ được đặt ra là Hồng Hoàng đã dùng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu ACB, rồi sử dụng chính số cổ phần này để làm tài sản đảm bảo. Thương vụ trái phiếu càng trở nên kín đáo hơn khi đơn vị tư vấn và lưu ký là Công ty chứng khoán ACB (ACBS).

Theo tìm hiểu của VietTimes, ngày 19/9/2019, Nghi Lan và bà Phạm Thị Khánh Hồng đã thế chấp tổng cộng 499.990 cổ phần của Hồng Hoàng tại Saigon Asia Credit Limited. Đồng thời, pháp nhân đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại thiên đường thuế Cayman Islands cũng nhận thế chấp tài khoản thanh toán được Hồng Hoàng mở tại ngân hàng ACB.

Song, thương vụ vẫn còn có sự tham gia của 1 pháp nhân khác là Vietnam Finance Limited. Pháp nhân này sở hữu duy nhất 1 cổ tức ưu đãi của Nghi Lan và trong ngày 19/9 cũng nhận thế chấp 499.978 cổ phần công ty này và tài khoản thanh toán của Hồng Hoàng cùng với Saigon Asia Credit Limited.

Được biết, cả Vietnam Finanace Limited và Saigon Asia Credit Limited đều có nhiều mối liên hệ với Mourant Governance Services (Cayman) Limited - một công ty chuyên tư vấn dịch vụ ủy thác tại thiên đường thuế Cayman Islands.

Việc thông qua các tổ chức có mục đích đặc biệt (SPE), đã giúp cho nhóm cổ đông đứng sau Hồng Hoàng giữ kín được danh tính, “lách” các quy định về tỷ lệ sở hữu tại ACB.

Mặt khác, số tiền lãi vay lên tới 280 tỷ đồng/năm mà Saigon Asia Credit Limited nhận được từ thương vụ trái phiếu nhiều khả năng sẽ không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Cayman. Trong khi đó, số tiền lãi trái phiếu phải trả sẽ góp phần giúp cho Hồng Hoàng giảm thiểu được tối đa số thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam.

Doanh nghiệp vốn mỏng "gánh" nghìn tỷ trái phiếu

Kể từ khi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực, quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ phải công bố thông tin, bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được hé lộ sinh động hơn. Trong số đó, nổi lên không ít những doanh nghiệp “lạ” với quy mô rất khiêm tốn so với lượng trái phiếu phát hành.  

Theo ghi nhận của VietTimes, xét trong số các doanh nghiệp (chưa niêm yết trên sàn chứng khoán) thực hiện công bố thông tin, Công ty TNHH Yamagata (Yamagata) vẫn đang giữ vững vị trí dẫn đầu về số dư trái phiếu đã phát hành.

Tính đến ngày 30/6/2019, số dư gốc trái phiếu của công ty này đã lên tới 15.902 tỷ đồng; số dư nợ lãi đạt hơn 709,12 tỷ đồng. Chỉ riêng trong tháng 1/2019, công ty đã huy động được hơn 10.035 tỷ đồng qua 5 đợt phát hành trái phiếu.

Về Yamagata, tính tới đầu năm 2019, quy mô vốn của công ty chỉ vỏn vẹn ở mức 100 tỷ đồng. Một thông tin khác cũng rất đáng chú ý, đó là Yamagata cũng sở hữu lượng lớn chứng chỉ tiền gửi của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Khối tài sản này thường được Yamagata sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu do chính công ty này phát hành.

Một trong những trái chủ của Yamagata là CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp). Ngoài ra, Bông Sen Corp cũng mua vào lượng lớn chứng chỉ tiền gửi của FE Credit./.