|
Hệ thống THAAD được Mỹ triển khai tới Israel để bảo vệ nước này khỏi đòn tấn công tiềm năng của Iran (Ảnh: Getty) |
Mỹ triển khai THAAD cùng nhóm binh sĩ vận hành tới Israel
Việc triển khai hệ thống THAAD, một hệ thống đánh chặn trên mặt đất được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo, đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm trực tiếp bảo vệ Israel trước một cuộc tấn công của kẻ thù bằng cách đưa binh sĩ Mỹ ra thực địa.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Israel đang đàm phán về kế hoạch tấn công Iran của Israel. Các quan chức Mỹ đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không nhắm mục tiêu vào các cơ sở dầu mỏ và cơ sở hạt nhân của Iran.
Quyết định phê duyệt việc triển khai của Tổng thống Biden được đưa ra sau các cuộc thảo luận rộng rãi giữa các quan chức Mỹ và với Israel về phản ứng quân sự dự kiến của nước này đối với Iran và cách mà Tehran có thể trả đũa.
Quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa không đặt ra điều kiện cụ thể về việc Israel phải tránh một số mục tiêu khiêu khích nhất định. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Mỹ, đó là “một phần của cuộc thảo luận rộng hơn về cách xử lý tình hình”.
Động thái triển khai lực lượng Mỹ tới Israel là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Biden dành cho Israel một tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống, một đợt triển khai hiếm hoi của Mỹ tới Israel. Giống như ông Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhấn mạnh sự ủng hộ của bà trong việc bảo vệ Israel, khẳng định rằng cam kết của bà đối với an ninh của Israel là “không lay chuyển”.
Các quan chức Mỹ nói rằng việc triển khai THAAD sẽ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Israel trước mối đe dọa tên lửa khá lớn của Iran và giúp Mỹ linh hoạt hơn trong việc triển khai các tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo.
THAAD là cụm từ viết tắt của Terminal High Altitude Area Defense (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) và được vận hành bởi Quân đội Mỹ. Một khẩu đội THAAD điển hình có gần 100 binh sĩ điều khiển và bao gồm 6 bệ phóng gắn trên xe tải, một radar di động và một bộ phận điều khiển hỏa lực.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa trong hoặc ngoài bầu khí quyển trong giai đoạn cuối của tên lửa. Một hệ thống THAAD được Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) mua đã đánh chặn được 1 tên lửa của Houthi vào tháng 1/2022, đánh dấu lần đầu tiên hệ thống này được sử dụng thành công trong chiến đấu.
Nếu Iran đáp trả cuộc tấn công theo kế hoạch của Israel bằng một đòn trả đũa vào Israel thì đây sẽ là lần thứ ba Tehran tấn công lãnh thổ Israel trong năm nay.
Hiện chưa rõ Lầu Năm Góc sẽ chuyển hệ thống này sang Israel nhanh đến đâu. Chính quyền Washington không cho biết khi nào THAAD sẽ được chuyển đến Nhà nước Do Thái.
Cam kết vững chắc với an ninh của Israel
Trong một tuyên bố hôm 13/10, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh triển khai hệ thống chống tên lửa cho Israel theo chỉ đạo của ông Biden “sau các cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel vào ngày 13/4 và một lần nữa vào ngày 1/10”.
Tuyên bố nói thêm: “Hành động này nhấn mạnh cam kết sắt đá của Mỹ đối với việc bảo vệ Israel và bảo vệ người Mỹ ở Israel khỏi bất kỳ cuộc tấn công tên lửa đạn đạo nào nữa của Iran”.
Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi Iran bắn khoảng 180 tên lửa đạn đạo vào Israel để đáp trả cuộc không kích của Israel giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.
Một số tên lửa nhắm vào các cơ sở tình báo và quân sự của Israel đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của nước này, làm dấy lên lo ngại rằng nếu Iran tấn công lần nữa, nó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Cuộc tấn công ngày 1/10 của Iran đã dẫn đến thiệt hại nhỏ tại một căn cứ không quân của quân đội Israel, nhưng không có máy bay nào bị hư hại.
Các tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải đã bắn hạ tên lửa đạn đạo khi Iran tấn công Israel vào tháng 4 và đầu tháng này. Mỹ đã sử dụng máy bay chiến đấu F-15E và F-16 để đánh chặn máy bay không người lái của Iran trong cuộc tấn công hồi tháng 4 của Iran.
THAAD sẽ cung cấp khả năng phòng thủ trên bộ ở Israel, tăng cường sự tham gia của Mỹ vào công tác phòng thủ của nước này.
Tom Karako, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: “THAAD đã được chứng minh trong thực tế tác chiến và có thành tích thử nghiệm tuyệt vời. Nó sẽ cung cấp các khả năng bổ sung”.
Mỹ đã tạm thời gửi một khẩu đội phòng thủ tên lửa THAAD tới Israel vào năm 2019 như một phần của cuộc tập trận mà quân đội Mỹ cho rằng thể hiện “cam kết liên tục của Washington đối với an ninh khu vực của Israel”.
Báo cáo tin tức của Israel cuối tuần qua cho biết Mỹ đang xem xét gửi hệ thống này nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Ngay sau cuộc tấn công do Hamas dẫn đầu vào ngày 7/10/2023 – chính quyền Israel cho rằng đã giết chết 1.200 người – Lầu Năm Góc đã gửi thêm các hệ thống phòng không đến khắp Trung Đông để bảo vệ quân đội Mỹ đang bị các lực lượng ủy quyền của Iran tấn công ngày càng nhiều. Vào tháng 1 năm nay, 3 lính Mỹ ở Jordan đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ của họ, 40 người khác bị thương.
Israel ngày càng phụ thuộc vào quân đội Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa khá lớn của Iran và các nhóm chiến binh mà Tehran hỗ trợ. Việc triển khai tàu, máy bay và quân nhân của Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn một cuộc chiến tranh tổng lực trong khu vực. Nhưng điều này cũng gây ảnh hưởng đến các nỗ lực quân sự của Mỹ nhằm giải quyết các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, đặc biệt là các kế hoạch triển khai tàu trong tương lai.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, quân đội Mỹ đã gửi các khẩu đội chống tên lửa Patriot tới Israel để bảo vệ nước này trước tên lửa Scud của Iraq.