'Lờ' quyền riêng tư dữ liệu, Trung Quốc mất cơ hội 5.500 tỉ USD

Theo phân tích mới, nếu Trung Quốc không tăng nỗ lực trong vấn đề như quyền riêng tư dữ liệu và sở hữu trí tuệ, nước này có thể mất cơ hội tăng trưởng tương đương 5.500 tỉ USD, trong thập niên tới.
Công nghệ nhận dạng và theo dõi do SenseTime phát triển được hiển thị trên màn hình một sự kiện ở Tokyo (Nhật Bản). ẢNH: BLOOMBERG
Công nghệ nhận dạng và theo dõi do SenseTime phát triển được hiển thị trên màn hình một sự kiện ở Tokyo (Nhật Bản). ẢNH: BLOOMBERG

CNBC mới đây dẫn nghiên cứu từ hãng tư vấn kinh tế AlphaBeta cho biết dòng dữ liệu kỹ thuật số của Trung Quốc trong năm 2017 đóng góp 3.200 tỉ nhân dân tệ cho nền kinh tế trong nước, và 1.600 tỉ nhân dân tệ cho nước ngoài. Đến năm 2030, giới chuyên gia dự kiến tăng trưởng trong mảng thương mại kỹ thuật số, đặc biệt là ngành kinh doanh tiêu dùng và bán lẻ, sẽ đóng góp 37.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 5.500 tỉ USD, cho kinh tế Trung Quốc.

Con số trên đạt tầm 1/5 tổng GDP mà Bắc Kinh dự kiến cho năm 2030. Chuyên gia Konstantin Matthies tại AlphaBeta cho hay: “Ước tính dựa trên các luồng dữ liệu lưu thông tự do xuyên biên giới. Nếu bạn đặt rào cản vào đó, số liệu ước tính sẽ giảm”. Báo cáo đưa ra nhiều “ưu tiên hành động” cho Trung Quốc, chẳng hạn như áp dụng Khung An ninh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và hướng dẫn bảo vệ thông tin cá nhân do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đưa ra.

Trung Quốc cũng có thể nhận ra tiềm năng tăng trưởng từ việc định nghĩa rõ ràng hơn thương mại kỹ thuật số, lưu ý hơn đến các nội dung hợp pháp, bất hợp pháp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc nước này hạn chế quyền truy cập vào một số tài liệu trực tuyến có thể làm tăng chi phí, hoặc khiến một số hoạt động kinh doanh không thể diễn ra với một số hãng kỹ thuật số Trung Quốc.

Đại lục nổi tiếng có tường lửa internet, chặn truy cập trong nước đến các trang web mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa như The New York Times, Facebook, Twitter và YouTube. Google cũng không truy cập được ở đây. Các nhà kiểm duyệt internet Trung Quốc kiểm soát nhiều mạng xã hội để xóa nội dung bị xem là nhạy cảm, tạo ra môi trường khiến giới doanh nghiệp lo rằng họ có thể bị đóng cửa chỉ sau một đêm.

Trung Quốc hiện có tiến bộ trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng chưa đủ. Một trong các phàn nàn từ phía Mỹ giữa cuộc chiến thương mại mới nhất với Trung Quốc là giới doanh nghiệp ngoại bị buộc phải chuyển giao công nghệ khi muốn hoạt động tại nước này. Với luật đầu tư nước ngoài mới nhất, hành vi buộc chuyển giao công nghệ là bất hợp pháp song thực tế còn phải chờ vào động thái của các công ty.

Hiện một số hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang phát triển nhanh thành những cái tên toàn cầu. Hai trong số ba startup lớn nhất thế giới là Bytedance và Didi đều ở Trung Quốc, theo CB Insights. Các hãng này thu thập nhiều thông tin, dữ liệu, đặc biệt là khi người tiêu dùng tận hưởng lợi ích của thanh toán di động và giao hàng nhanh.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/cong-nghe/lo-quyen-rieng-tu-du-lieu-trung-quoc-mat-co-hoi-5500-ti-usd-1063603.html