Lo ngại về bảo mật thông tin từ đèn flash điện thoại

Bật đèn flash để đọc thực đơn trong nhà hàng tối đã không bình thường, sử dụng nó để đọc tài liệu về tên lửa trong bữa tối thì có thể là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Tổng thống D.Trump và Thủ tướng Abe bên bàn tiệc
Tổng thống D.Trump và Thủ tướng Abe bên bàn tiệc

Bữa tối tại Mar-a-Lago, Florida (Mỹ) giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang diễn ra thì ông Trump nhận được thông tin rằng Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo. Bằng sự hỗ trợ của đèn flash trên điện thoại di động, ông Trump và Abe đã cùng xem xét các tài liệu về tình huống này.

Trump nghe điện thoại thông báo về vụ phóng tên lửa.

Bức ảnh được Richard DeAgazio, một nhà đầu tư có mặt trong bữa tối, chụp lại và đăng lên Twitter (hiện được chuyển sang chế độ riêng tư) đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh. Các chuyên gia bảo mật nhận định, chỉ cần một trong những điện thoại đó bị khống chế, hacker có thể đã đọc được những thông tin tối mật.

Sau đó ông cùng Thủ tướng Nhật đọc tài liệu về vụ việc dưới ánh đèn flash của điện thoại

Sau đó ông cùng Thủ tướng Nhật đọc tài liệu về vụ việc dưới ánh đèn flash của điện thoại

Hiện chưa rõ những smartphone nào tham gia vào việc "soi đèn" và liệu chúng có được cài đặt những công cụ bảo mật cao hơn mức bình thường hay không, nhưng đa số đều hiểu, smartphone luôn tồn tại lỗ hổng và có thể bị kiểm soát từ xa. Điều này đã được các chuyên gia liên tục cảnh báo nhưng người dùng vẫn tỏ ra thờ ơ vì nghĩ rằng "chắc hacker chừa mình ra".

"Không có smartphone nào an toàn 100%", chuyên gia James Lyne của công ty bảo mật Sophos (Anh) khẳng định với CNN.

Lyne cho hay kẻ tấn công luôn tìm ra kẽ hở để cài đặt phần mềm gián điệp trên càng nhiều thiết bị càng tốt, như lừa người dùng bấm vào một link chứa mã độc hay tải một ứng dụng trông có vẻ vô hại nhưng cho phép kích hoạt các bộ phận trong máy như camera, microphone...

Những phần mềm đó sẽ ẩn mình trong thiết bị một thời gian dài và chờ cơ hội thuận lợi để khai thác thông tin. Hacker đang ngày càng kiên nhẫn hơn, như trong vụ APT30, hãng FireEye của Mỹ nhận thấy tin tặc đã âm thầm cài cắm mã độc trong hàng loạt máy tính ở các nước Đông Nam Á suốt 10 năm mà không ai hay.

Công cụ gián điệp trên điện thoại không phải điều mới mẻ. Năm 2013, cựu điệp viên Edward Snowden từng khuyến cáo các luật sư của ông cho điện thoại vào tủ lạnh trước khi bắt đầu cuộc trao đổi để tránh bị nghe lén. Năm 2014, hãng bảo mật Lookout phát hiện bộ công cụ khai thác mã độc bị rao bán với khả năng hỗ trợ hacker kiểm soát toàn bộ thiết bị Android. Năm 2016, các chuyên gia an ninh tiếp tục tìm ra hàng loạt lỗ hổng trên 900 triệu điện thoại Android. Khống chế iPhone khó hơn, nhưng không có gì là bất khả thi. 

"Điện thoại, nhất là điện thoại được bật flash để hình ảnh được rõ ràng hơn, giống như những chiếc xe truyền hình vệ tinh lưu động và nếu bị khống chế sẽ cung cấp cho kẻ theo dõi mọi thông tin về những gì đang diễn ra xung quanh", báo Washington Post cho hay.

Theo VnExpress