Chiến dịch “Moonshot”:

Lộ kế hoạch Chính phủ Anh muốn chi 100 tỉ bảng cho chiến dịch xét nghiệm 10 triệu người/ngày

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vẫn mơ mộng "miễn dịch quần thể", Chính phủ Thủ tướng Boris Johnson mới đề xuất chương trình xét nghiệm COVID-19 diện rộng Moonshot, dự kiến sẽ giúp cuộc sống của người dân trở lại bình thường, nhưng sẽ "đốt" tới 100 tỉ bảng!
Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố chi 100 tỷ bảng - gần bằng ngân sách cho NHS mỗi năm - cho chiến dịch "Moonshot" (Ảnh: DailyMail)
Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố chi 100 tỷ bảng - gần bằng ngân sách cho NHS mỗi năm - cho chiến dịch "Moonshot" (Ảnh: DailyMail)

Chiến dịch "Bắn Mặt trăng" (Moonshot)

Kế hoạch mà Chính phủ Anh đưa ra sẽ chứng kiến 10 triệu cuộc xét nghiệm virus corona chủng mới được thực hiện mỗi ngày, bắt đầu từ năm 2021. Đây là sự mở rộng của chương trình xét nghiệm sẵn có.

Kế hoạch trên được tiết lộ trong cuộc họp báo được tổ chức hôm 10/9, trong đó Thủ tướng Johnson chỉ thị ngừng mọi hoạt động lễ hội mừng Lễ Giáng sinh năm nay, cùng lúc cảnh báo rằng các lệnh hạn chế tụ tập trên 6 người có thể kéo dài trong nhiều tháng tới. Cùng thời điểm, Giáo sư Chris Whitty, cố vấn hàng đầu của Chính phủ Anh trong phòng chống COVID-19, đổ lỗi cho “Thế hệ Z” (thế hệ trẻ, phần lớn là đang đi học) làm số ca nhiễm tăng đột biến.

Phát biểu trước Số 10 Phố Downing, trong lần họp báo đầu tiên kể từ tháng 7, ông Johnson nói rằng sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 trong tuần qua khiến cho ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thắt chặt phong tỏa trên toàn lãnh thổ Anh, lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Nhằm tránh sự đảo ngược kế hoạch, một biên bản ghi nhớ đã được gửi tới các bộ trưởng nội các của Scotland, trong đó vạch ra đề xuất xét nghiệm diện rộng “nhằm hỗ trợ hoạt động kinh tế và trở lại cuộc sống bình thường”.

Biên bản ghi nhớ nêu rõ: “Kế hoạch này được Thủ tướng mô tả là hy vọng duy nhất của chúng ta nhằm tránh một lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai trước khi có vaccine, thứ mà đất nước không thể có được”.

Chính phủ Anh mỗi năm chi cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) nguồn ngân sách 130 tỷ bảng/năm, bởi vậy mà chi phí cho kế hoạch xét nghiệm diện rộng “Moonshot” cao gần bằng nguồn vốn một năm dành cho cơ quan này, tương đương 20% tổng chi tiêu công. Chi phí dành cho chiến dịch “Moonshot” cũng tương đương ngân sách dành cho ngành Giáo dục, và kế hoạch này vượt quá 30 lần khả năng xét nghiệm hiện tại của nước Anh – vốn chỉ ở mức 350.000 cuộc xét nghiệm/ngày.

Có phải một kế hoạch "bất khả thi"?

Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Anh (Ảnh: DailyMail)
Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Anh (Ảnh: DailyMail)

Tuy nhiên, kế hoạch lập tức làm dấy lên nhiều lo ngại về gánh nặng tài chính, trong khi khoản nợ tính trên % GDP của Anh hiện đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 1960, giới chuyên gia cảnh báo rằng nhìn vào khả năng vận hành của phòng thí nghiệm của Anh hiện tại thì có thể thấy kế hoạch này bất khả thi.

2 trong số những cố vấn khoa học có tầm ảnh hưởng nhất của Chính phủ Anh cũng tỏ rõ sự hoài nghi, lo ngại rằng hàng chục triệu người có thể bị cách ly nhầm.

Giáo sư Whitty đã “dội gáo nước lạnh” vào kế hoạch này, cho rằng hàng triệu người được xét nghiệm mỗi ngày là điều khó đạt được; trong khi trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh Patrick Vallance nói rằng kế hoạch này không thể thực hiện nổi.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thực hiện được kiểu xét nghiệm này vào thời điểm nào đó không xa trong tương lai, nhưng không xa trong tương lai ở đây cũng là một khoảng thời gian lớn” – ông Whitty nói.

Theo kế hoạch “Moonshot”, những nơi công sở, trường học, sân vận động, địa điểm giải trí, phòng phẫu thuật và quầy bán thuốc đều có thể trở thành địa điểm xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Hộ chiếu miễn dịch số cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính cũng sẽ được cấp để cho phép họ di chuyển an toàn, trở lại làm việc và nhiều hoạt động khác.

Kế hoạch làm dấy lên quan ngại rằng phần lớn công nghệ liên quan tới “Moonshot” không tồn tại, đó là chưa kể tới vấn đề hậu cần khi phải thực hiện 10 triệu ca xét nghiệm mỗi ngày. Hiện nay chỉ thực hiện có vài trăm nghìn ca xét nghiệm đã đủ khiến giới chức y tế Anh đau đầu.

"Moonshot" có thể khiến nước Anh cạn tiền

Biểu đồ chi tiêu công của Chính phủ Anh (Ảnh: DailyMail)
Biểu đồ chi tiêu công của Chính phủ Anh (Ảnh: DailyMail)

Theo tờ The Guardian, số lượng các cuộc xét nghiệm COVID-19 hàng ngày sẽ tăng dần theo từng giai đoạn, và con số hiện nay (350.000 cuộc/ngày) sẽ tăng tới 2 – 4 triệu trong tháng 12/2020, trước khi tăng đến mức như mục tiêu đặt ra là 10 triệu/ngày vào đầu năm 2021.

Thêm vào đó, chi phí cho chiến dịch “Moonshot” là quá lớn, và ngay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Khoản nợ khổng lồ của Anh hiện đã vượt qua GDP của nước này, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, do tác động của đại dịch COVID-19.

Khoản nợ công của Anh giờ vượt qua con số 2 nghìn tỷ bảng lần đầu tiên trong lịch sử, buộc Chính phủ phải vay mượn tiền mặt để duy trì hoạt động. Theo dữ liệu mà Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố, các bộ trưởng Anh đã vay mượn tới 26,7 tỷ bảng chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua.

Các nhà kinh tế học cho rằng, chi thêm 100 tỷ bảng cho chiến dịch “Moonshot” trong bối cảnh hiện tại chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công, trong khi hiệu quả của chiến dịch vẫn chưa rõ ràng.

Giáo sư Jose Vazquez-Boland, Chủ tịch hội các bệnh truyền nhiễm ĐH Edinburgh, nói rằng: “Sự tập trung của kế hoạch xét nghiệm này đều đổ dồn vào việc xác nhận các ca nghi nhiễm COVID-19 (tức có triệu chứng bệnh), bởi vậy sẽ bỏ qua điều quan trọng là phần lớn các ca lây nhiễm trong cộng đồng đều xuất phát từ những bệnh nhân không có triệu chứng bệnh”.

Ván bài tất tay của ông Johnson

Thủ tướng Johnson thừa nhận rằng
Thủ tướng Johnson thừa nhận rằng "Moonshot" là một chiến dịch đầy tham vọng (Ảnh: Sky News)

Thủ tướng Boris Johnson cho hay các biện pháp thắt chặt mới sẽ được khởi động tại Salford trong tháng tới. Và nếu nhận thấy sự thành công bước đầu, các biện pháp mới sẽ được thực thi trên phạm vi toàn quốc, như một phần trong chiến dịch “Moonshot” mà Chính phủ Anh hy vọng sẽ giúp tiến tới gỡ bỏ giãn cách xã hội ở nước này.

Các quy định phong tỏa mới sẽ được áp dụng ở Anh từ tuần tới

- Không được phép tụ tập trên 6 người

- Áp dụng cả trong nhà và ngoài trời

- Áp dụng tại nhà riêng

- Áp dụng tại quán bar và nhà hàng

- Không áp dụng cho trường học và công sở

- Không áp dụng cho đám cưới, đám tang, thể thao đồng đội

- Không áp dụng nếu tiếp xúc trong hộ gia đình có trên 6 người

- Cảnh sát được khuyến khích giải tán các nhóm trên 6 người và áp mức phạt 100 bảng, nếu lặp lại sai phạm sẽ bị phạt tới 3.200 bảng

Trước đó, ông Johnson từng nói ông muốn mọi người dân Anh đều được xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày, và kết quả xét nghiệm được trả chỉ trong vòng 15 phút.

Trong cuộc họp báo tại Số 10 Phố Downing, ông Johnson nói rằng kết quả âm tính với COVID-19 sẽ cho phép nhiều người sở hữu một dạng “hộ chiếu” để cho phép họ “tự do tiếp xúc với những người cũng không bị nhiễm, điều mà hiện nay họ không thể làm”.

Ông Johnson nói rằng cho đến nay việc xét nghiệm chủ yếu là nhằm xác nhận những người mắc COVID-19 để cách ly họ khỏi phần còn lại của xã hội. Ông nói rằng, điều này sẽ tiếp tục là ưu tiên của chính phủ, với mục tiêu tăng khả năng xét nghiệm lên 500.000/ngày vào thời điểm cuối tháng 10.

Ông thêm rằng, “trong tương lai gần, chúng tôi muốn thực hiện xét nghiệm để xác nhận cả những người không bị nhiễm…để có thể cho phép họ trở lại cuộc sống bình thường hơn”.

Thủ tướng Johnson cho biết các loại xét nghiệm mới “đơn giản và nhanh chóng sẽ sẵn có”, cho phép đưa ra kết quả chỉ trong vòng 90 hoặc thậm chí 20 phút, đủ điều kiện để họ thực hiện hàng triệu xét nghiệm mỗi ngày. “Mức độ xét nghiệm đó sẽ cho phép người dân có cuộc sống bình thường hơn mà không cần phải giãn cách xã hội”; ông nói.

Bản thân Thủ tướng Johnson cũng thừa nhận đây là một chiến dịch đầy tham vọng: “Đây là một chiến dịch đầy tham vọng, nhưng chúng tôi sẽ thử nghiệm cách tiếp cận mới này ở Salford trong tháng tới. Và sau đó chúng tôi hy vọng áp dụng trên toàn quốc. Có một số thách thức. Chúng ta cần có công nghệ để thực hiện chiến dịch. Và chúng ta cần phải giải quyết vô số thách thức về hậu cần”.