Liệu Trung Quốc có cắt “con đường sống” đối với Triều Tiên?

VietTimes -- Hầu như toàn bộ nhu cầu về xăng dầu của Triều Tiên là do Trung Quốc cung cấp. Tuyến vận chuyển dầu thô qua biên giới Trung Triều và xăng dầu thành phẩm bằng tàu thủy qua biển Hồng Hải thực tế chính là “con đường sống” của Triều Tiên. Nếu con đường bị cắt thì tình hình sẽ ra sao?
Hàng năm thông qua đường biển, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 500.000 tấn dầu vào Triều Tiên
Hàng năm thông qua đường biển, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 500.000 tấn dầu vào Triều Tiên

Trong khi Hội đồng Bảo an LHQ đang xét quyết định siết chặt trừng phạt Triều Tiên, chính quyền nước này sẽ phải đối mặt với việc mất đi “con đường sống” do Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cung cấp.

Đã hàng chục năm nay, doanh nghiệp khổng lồ dầu khí vẫn phái những con tàu nhỏ chở xăng máy bay, dầu diesel, và xăng ô tô từ hai nhà máy lọc dầu khổng lồ nằm ở phía Đông Bắc thành phố Đại Liên và các nhà máy gần đó vượt biển Vàng đi đến cảng Nampo nằm ở phía Tây Triều Tiên, năm nguồn tin quen với giới kinh doanh cho Reuters biết. Nampo là cảng phục vụ cho các nhu cầu của thủ đô Bình Nhưỡng.

CNPC cũng kiểm soát xuất khẩu dầu thô cho Triều Tiên, một chương trình viện trợ bắt đầu từ 40 năm trước. Các nguồn tin nói rằng, dầu thô được vận chuyển qua một đường ống cũ kỹ chạy từ thành phố biên giới Dandong cung cấp cho cơ sở  lọc dầu duy nhất ở Triều Tiên - nhà máy Hóa chất Ponghwa ở thành phố Sinuiju ở bờ kia của sông Áp Lục, con sông biên giới giữa hai quốc gia.

Nhà máy này sản xuất ra loại xăng và diesel mác thấp, nguồn tin từ Trung Quốc nói.

Năm nguồn tin đã vạch ra các chi tiết trước đây chưa từng được báo cáo về các giao dịch của CNPC với Bình Nhưỡng và làm thế nào mà họ có thể  thống trị ngành kinh doanh đó, cho thấy sự khăng khít  của mối quan hệ giữa hai quốc gia, từ đó cho thấy những gì sẽ bị đe dọa vì hàng thập niên quan hệ gần gũi đang xấu đi do sự lo ngại đang gia  tăng trước các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ gây sức ép lên Hội đồng Bảo an LHQ với yêu cầu  nhanh chóng áp đặt lệnh trừng phạt chặt hơn đối với các sự kiện tiếp tục khiêu khích bởi quốc gia khép kín này bao gồm cả hành động thử các tên lửa tầm xa và bom hạt nhân lần thứ 6.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tập trung vào chiến lược trừng phạt kinh tế chặt hơn nữa đối với Triều Tiên, có thể là cấm vận dầu mỏ, cấm vận hàng không trên toàn cầu, bắt giữ các tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng, một quan chức Mỹ nói với Reuters đầu tháng vừa rồi.

Triều Tiên nhập khẩu tất cả nhu cầu dầu mỏ, chủ yếu là từ Trung Quốc và một lượng nhỏ hơn từ Nga. Trong năm ngoái, toàn bộ lượng nhập vào khoảng 270.000 tấn, kể từ xăng đến diesel - theo số liệu của Hải quan Trung Quốc.

Dầu thô xuất từ Trung Quốc sang Triều Tiên không được thể hiện trong số sách hải quan trong vài năm, nhưng nguồn tin nói khoảng 520.000 tấn/năm.

Tại Triều Tiên, diesel có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nông nghiệp, đặc biệt là thời gian này trong năm, vào vụ gieo hạt và đến tháng 10 trong thời kỳ thu hoạch. Xăng chủ yếu dùng trong vận tải và quân sự.

Đầu tháng này, tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo Trung Quốc có ảnh hưởng, thường thể hiện lập trường không phải lúc nào cũng phản ánh đường lối của chính phủ, đã nêu khả năng dừng việc chở xăng dầu đến Triều Tiên nếu nước này tiếp tục tiến hành thử vũ khi hạt nhân.

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng một chính sách khắc nghiệt sẽ có thể làm mất ổn định chế độ của Kim Jong un, trong khi  việc hạn chế nhập khẩu dầu lửa có thể là một lựa chọn thực tế hơn.

Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề quốc tế ở Washington nói: "Trung Quốc có thể bị thuyết phục để hạn chế khối lượng xuất khẩu dầu như họ làm với than, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) như là một phần của một giải pháp trừng phạt mới sau một cuộc thử nghiệm hạt nhân khác. .

Bất kỳ sự thâm hụt thương mại nào đối với Triều Tiên sẽ chỉ có tác động nhỏ đến Đại Liên. Hai nhà máy lọc dầu của Đại Liên có tổng công suất xử lý hơn 600.000 thùng dầu thô mỗi ngày, lớn hơn 40 lần so với nhu cầu của Triều Tiên.

CNPC kiểm soát cả hai nhà máy lọc dầu, bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Triều Tiên từ cuối những năm 1990.

Wang Lihua, người điều hành công ty kinh doanh của CNPC từ năm 1998 cho đến khi nghỉ hưu tháng này, là người chủ sự đằng sau việc thương thảo, đánh bại các đối thủ là doanh nghiệp nhà nước như Sinochem.

Một trong những nguồn tin thân cận với CNPC cho biết Tập đoàn này là đơn vị có đầu óc chính trị nhất trong các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, nhằm mục tiêu giữ được vai trò nhà cung cấp chủ đạo cho Triều Tiên dù cho việc kinh doanh này kiếm được ít tiền.

CNPC và Sinochem đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang gia tăng của Bình Nhưỡng đã kìm hãm việc kinh doanh này.  Năm 2013, Bắc Kinh lặng lẽ dừng một chương trình viện trợ 50.000 tấn xăng máy bay hàng năm nhưng mãi đến cuối tháng 6 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc mới chính thức thông báo lệnh cấm nhiên liệu máy bay.

Nga dường như đã thay thế Trung Quốc như là nhà cung cấp hàng đầu về nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên, các nguồn tin ở Trung Quốc có quan hệ với công việc thương mại cho hay.

Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi, liệu Moscow có sẵn sàng để trở thành “con đường sống” của Bình Nhưỡng cho các nhiên liệu khác không vì tình hình tài chính của đất nước.

"Họ có thể lấp một khoảng trống, nhưng tôi sẽ bị sốc nếu Nga muốn hứng gánh nặng khi trở thành “con đường sống” của Triều Tiên", Glaser nói.

Để đối phó với trường hợp bị cắt "con đường sống", từ lâu Triều Tiên đã tiến hành các kho dự trữ dầu rất lớn, nhưng con số cụ thể vẫn còn là một bí ẩn.