Theo lịch thi đấu, đối thủ của đội bóng đất Cảng lần lượt là Hà Nội (sân nhà), SHB.Đà Nẵng, Quảng Nam (sân khách), Than Quảng Ninh (sân nhà) đều là những đội “khó nhằn”. Thực ra, chỉ có 3 đội thuộc tốp trên, nhưng chủ nhà Quảng Nam lại là đội chạy trốn khỏi suất xuống hạng nên không dễ để Hải Phòng có điểm khi rời sân Tam Kỳ. Khoảng cách 6 điểm so với S.Khánh Hòa, đội đang đứng bét BXH rất dễ bị thu hẹp, nếu họ không có sự cải thiện đáng kể hàng phòng thủ.
Điều gì đang xảy ra với Hải Phòng?
Hải Phòng cùng Sài Gòn, Nam Định (7 trận) là những đội có thành tích sân khách khá tồi, họ thua 5/6 trận, rời sân Lạch Tray họ đã thủng lưới đến 14 bàn. 7 trận sân nhà họ cũng chỉ thắng 3, hòa 3 và thua 1 đứng vị trí thứ 12. Đây cũng là một bất ngờ của V-League 2019 bởi người ta hy vọng năm nay họ còn cải thiện được vị trí thứ 6 của mùa giải năm ngoái.
BHL Hải Phòng kỳ vọng tam giác tấn công Lynch - Mpande -A. Fagan sẽ “lấy công, bù thủ” nhưng rốt cuộc kế hoạch đã sớm bị phá sản (ảnh VPF)
|
Hãy cùng VietTimes “mổ băng” để tìm hiểu điều gì đang xảy ra với thầy trò HLV Trương Việt Hoàng lúc này. Hãy bắt đầu từ tuyến phòng ngự, ngoại trừ Văn Đức chưa ra sân phút nào, có 5 cái tên cùng chịu trách nhiệm 23 bàn thua (cùng S.Khánh Hòa) là hàng phòng thủ tệ nhất lượt đi.
Không ổn định là điều mà chúng ta dễ nhận thấy nhất, Hữu Phúc được ra sân 10 trận, A. Schmidt và Nguyễn Văn Hạnh 9 trận, Văn Lợi 7 trận, Hoàng Dương 6 trận. Việc các vị trí hậu vệ, nhất là cặp trung vệ thường xuyên thay đổi là điều mà ít đội bóng thực hiện. Không phải do phong độ mà do hậu vệ Hải Phòng đã phải nhận quá nhiều thẻ phạt khiến bị cấm thi đấu.
Nếu như mùa bóng năm ngoái trong màu áo HAGL Văn Hạnh chỉ phải nhận 3 thẻ vàng thì nay, anh đã nhận 6 thẻ vàng, nghĩa là phải ngồi ngoài 2 trận. Hữu Phúc đá 10 trận 863 phút cũng đã nhận 2 thẻ đó, 2 thẻ vàng là điều khó chấp nhận được.
Nỗi lo hàng tiền vệ
Hàng tiền vệ có 14 cầu thủ thì HLV Trương Việt Hoàng đã dùng 13 người, duy nhất Cảnh Dương chưa được ra sân. Nhưng rốt cuộc cho đến hết lượt đi, ông vẫn không tìm thấy bộ khung ưng ý. Ngoài Doãn Ngọc Tân, sau 8 trận ra sân có 1 bàn thắng, 12 cầu thủ còn lại đều không ghi được bàn thắng nào, thua cả hàng hậu vệ đã có 3 bàn thắng.
Đến nay, tiền vệ Lâm Quý ra sân 9 trận, đá 869 phút, 0 bàn thắng, 3 thẻ vàng (ảnh VPF)
|
Theo đó, Phạm Lê Thành Long là cầu thủ thi đấu nhiều nhất với 12 trận ra sân, sau 878 phút trên sân 0 bàn thắng, 1 thẻ vàng. Lâm Quý ra sân 9 trận, đá 869 phút, 0 bàn thắng, 3 thẻ vàng. Tiền vệ Vương Quốc Trung có 9 trận ra sân thi đấu 736 phút cũng 0 bàn thắng, 1 thẻ vàng. So với mùa giải trước tiền vệ 29 tuổi này thi đấu xuống dốc khá nhiều, các pha vào bóng thường chậm 1 nhịp so với đối phương. Lương Hoài Nam, một tiền vệ lò HAGL mùa này cũng không được dùng nhiều, anh chỉ ra sân 4 trận và không để lại dấu ấn gì.
Hải Phòng là đội bóng quyết định chơi “tất tay” khi dùng 3 ngoại binh cho hàng công. BHL Hải Phòng kỳ vọng tam giác tấn công Lynch - Mpande - A.Fagan sẽ “lấy công, bù thủ” nhưng rốt cuộc kế hoạch đã sớm bị phá sản. Lượt đi Lynch đang “bóp team” khi liên tục nhận thẻ lãng nhách phải liên tục ngồi ngoài sân nhìn đối phương sút thủng lưới đội nhà. Nhận 3 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ nên ngoại binh người Jamaica này mới chỉ được ra sân đá 7 trận (500 phút), bù lại anh đã có được 6 bàn thắng.
Đã đến lúc BHL Hải Phòng cần nói rõ với Lynch: “Đội bóng cần bàn thắng, chứ không cần thẻ”. Thực tình ngoài bàn thắng đưa đội lên ngôi vô địch, có lẽ không có tình huống nào đáng để Lynch phải cởi áo ăn mừng, để rồi nhận thẻ vàng và sau đó là thẻ đỏ để rời sân.
Mũi nhọn hàng công Mpande đến giờ cũng đã có 3 bàn thắng sau 13 trận đóng vai trò trung phong, hiệu suất ghi bàn khá thấp, có lẽ một phần do anh thi đấu quá xa Fagan. Trên hàng công, đội trưởng A.Fagan đang “gánh team” quá sức, nên dù ra sân đủ 13 trận anh mới có 2 bàn thắng, trong khi mùa giải năm ngoái anh ghi được 8 bàn thắng.
Chơi quá rắn, Hải Phòng luôn thiếu quân do bị thẻ phạt (ảnh VPF)
|
Các nội binh như Văn Trung, Đình Bảo không cho thấy sự nỗ lực tìm kiếm bàn thắng, đúng là “chưa thấy Nguyên (1 bàn thắng) đã mất Bảo”- đây là 2 cầu thủ lò SLNA. Công bằng mà nói, việc hàng tiền đạo đã có 12/16 bàn là những con số không tồi. Điểm yếu của đội bóng này nằm ở hàng tiền vệ, cả trong nhiệm vụ phòng ngự lẫn tấn công họ đều không thể hiện được nhiều.
Thử thách dành cho BHL
Hải Phòng đang tụt dốc không phanh với chuỗi 6 trận chỉ hòa và thua (4 trận thua, 2 hòa), trong có đó 3 trận thua liên tiếp, thủng lưới tới 9 bàn nhưng chỉ ghi được 2 bàn thắng. 3 tuần nghỉ ngơi sau lượt đi là quãng thời gian vô cùng quý báu cho thầy và trò đội bóng đất Cảng “rèn binh”.
Thử thách trước mắt họ không hề dễ, Hà Nội là đội bóng mà không ai muốn gặp lúc họ có đủ lực lượng. Quảng Nam, đội xếp ngay sau có lịch thi đấu dễ thở hơn khi chỉ phải gặp HAGL, Sài Gòn để san bằng và vượt cách biệt 4 điểm. Việc đầu tiên sau khi làm tốt công tác tư tưởng cho cầu thủ là phải nhanh chóng “làm mới” hàng tiền vệ đang thi đấu quá tệ. Tiếp đến là phải hạn chế thẻ phạt không cần thiết để khỏi cảnh mất quân. Câu chuyện có nên dùng hết 3 ngoại binh cho hàng công hay công cũng phải cân nhắc.
3 tuần nghỉ ngơi sau lượt đi là quãng thời gian vô cùng quý báu cho thầy và trò đội bóng đất Cảng “rèn binh” (ảnh VPF)
|
Ở Hải Phòng, người già, trẻ nhỏ ai cũng biết câu hát: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Đây là lúc HLV Trương Việt Hoàng và các học trò thể hiện tính cách của người con đất Cảng - không bao giờ chịu khuất phục. Khán giả thành phố Hoa phượng Đỏ luôn bên cạnh các cầu thủ trong những giờ phút khó khăn.