“Những nỗ lực như vậy (của châu Âu) không thể thay thế được NATO” -trong trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Daily Telegraph của Anh ngày 4/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ bất bình về kế hoạch thành lập lực lượng quân sự độc lập của EU. Ông chỉ trích động thái của EU làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương, "không chỉ làm suy yếu NATO, mà còn gây chia rẽ châu Âu".
Stoltenberg nói khi trả lời phỏng vấn rằng mặc dù ông hoan nghênh "những nỗ lực nhiều hơn của châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng", nhưng kế hoạch xây dựng lực lượng phản ứng nhanh của EU đã sử dụng quá mức "nguồn lực khan hiếm" của các đồng minh NATO.
Tờ Daily Telegraph hôm 4/9 : Tổng thư ký NATO cảnh báo nếu EU thành lập lực lượng quân sự riêng sẽ gây chia rẽ châu Âu. |
Daily Telegraph trích dẫn một cuộc khảo sát do công ty tư vấn Redfield & Wilton Strategies của Anh thực hiện, chỉ ra rằng 62% người được phỏng vấn cho rằng cách Mỹ rút khỏi Afghanistan đã làm tổn hại đến uy tín quốc tế của nước này; khoảng 41% người được phỏng vấn cho rằng điều tương tự cũng đúng với Vương quốc Anh. Đồng thời, các quan chức cấp cao của EU cũng đã nhiều lần kêu gọi châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc quốc phòng vào Mỹ và thành lập một lực lượng phòng vệ độc lập tự chủ.
Hồi cuối tháng 8, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, đã đề cập trong một cuộc trả lời phỏng vấn AFP: cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho EU rằng châu Âu cần phát triển khả năng quân sự độc lập với Mỹ. Tại hội nghị không chính thức ngoại trưởng các nước thành viên EU diễn ra ngày 2/9, ông Josep Borrell đã nhắc lại quan điểm này và thúc giục EU thành lập lực lượng phản ứng nhanh có quy mô 5.000 người.
Khi nói về kế hoạch xây dựng lực lượng quân sự độc lập của châu Âu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Tôi hoan nghênh những nỗ lực nhiều hơn của châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng những nỗ lực như vậy sẽ không bao giờ thay thế được NATO. Chúng ta cần đảm bảo rằng châu Âu và Bắc Mỹ phải đoàn kết thống nhất"; "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu mối quan hệ giữa Bắc Mỹ và châu Âu sẽ không chỉ làm suy yếu NATO mà còn gây chia rẽ châu Âu".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tháng 6/2021 (Ảnh: Thepapers). |
Ông ngay lập tức giải thích phát biểu của mình. "80% chi tiêu quốc phòng của chúng ta đến từ các nước không phải là thành viên EU ... Điều này cũng liên quan đến địa lý - Na Uy, Iceland ở phía bắc; Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam; Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và các nước phương Tây khác đều là các mấu chốt bảo vệ châu Âu. Điều này cũng liên quan đến chính trị, bởi vì bất kỳ sự suy yếu nào của các điểm kết nối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng sẽ gây chia rẽ châu Âu".
Theo quan điểm của Stoltenberg, trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, động thái của EU là “thiết lập các cơ cấu song song và cấu trúc chỉ huy chồng chéo”. Những “nỗ lực trùng lặp” như vậy sẽ làm suy yếu khả năng hợp tác của tất cả các bên.
Ông cho rằng trong chiến dịch sơ tán khỏi Afghanistan, Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy đã triển khai hàng nghìn binh sĩ "cảnh giác cao" để đảm bảo hoạt động sơ tán, điều này chứng tỏ rằng các quốc gia không thuộc EU trong NATO có khả năng bảo vệ châu Âu.
The Washington Post ngày 5/9: Châu Âu có cần quân đội riêng không? Điều này lại gây ra tranh cãi cũ rích |
Ông Stoltenberg thừa nhận việc thiếu hỗ trợ hậu cần là một trong những nguyên nhân chính khiến quân đội Afghanistan sụp đổ bất ngờ trong cuộc tấn công của Taliban. NATO nhận thức được nguy cơ Taliban trở lại, nhưng không ai nghĩ rằng mọi chuyện lại nhanh chóng như vậy. Ông cũng tuyên bố rằng nội bộ NATO đã khởi động "quy trình rút ra bài học", sẽ "nhìn nhận một cách tỉnh táo và trung thực những thiếu sót và thất bại trong suốt 20 năm đóng quân ở Afghanistan", “đồng thời ghi nhận những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua”.
Điều đáng nói là Stoltenberg trong cuộc phỏng vấn cũng đã phản hồi riêng về nhận xét của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Raab nói với tờ Sunday Telegraph của Anh ngày 21/8 rằng Anh cần để Trung Quốc và Nga can thiệp vào tình hình ở Afghanistan, mặc dù "điều đó khiến mọi người không thoải mái."
“Tôi hoàn toàn đồng ý (với Raab)”, Stoltenberg nói, “Toàn bộ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, cần nỗ lực để ngăn chặn Afghanistan trở thành một nơi các tổ chức khủng bố có thể tự do hoạt động, chuẩn bị, tổ chức, lập kế hoạch và tài trợ các hoạt động chống lại các nước chúng ta”.
NATO hiện có 30 quốc gia thành viên và luôn là trụ cột chính của việc phòng vệ châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc, nhưng tổ chức này từ lâu đã bị Mỹ chi phối. Tờ Washington Post đề cập rằng trong nhiều năm qua, nhiều chính trị gia EU đã chủ trương rằng nếu EU muốn gây ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới, thì khối này phải có lực lượng quân sự độc lập với Mỹ và NATO.
Một số học giả cho rằng kế hoạch thành lập quân đội độc lập của Liên minh châu Âu trong thời gian ngắn là phi thực tế, đặc biệt là sau khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ và nêu khẩu hiệu "Nước Mỹ đã trở lại". Tuy nhiên, sau khi Mỹ từ chối đàm phán với các đồng minh châu Âu và đơn phương quyết định rút khỏi Afghanistan, những tiếng nói như vậy lại nổi lên.
Nathalie Loiseau, Chủ tịch Tiểu ban An ninh và Quốc phòng của Nghị viện Châu Âu cho rằng: “Những gì đã xảy ra ở Afghanistan là một quyết định có tính thời khắc”, “Mỹ đã không muốn làm cảnh sát của thế giới nữa, người châu Âu giờ đây cần phải chấm dứt việc nhất cử nhất động đều dựa vào Mỹ”.
Truyền thông Mỹ chỉ ra rằng đây là một chủ đề gây tranh cãi, và những vấn đề địa chính trị mà nó mang lại cũng rất đáng lo ngại. Chẳng hạn, các nước Tây Âu như Đức, Pháp ủng hộ châu Âu tự chủ quốc phòng. Đặc biệt, Tổng thống Pháp Macron từ khi lên nắm quyền đã luôn kêu gọi thành lập một "quân đội châu Âu thực sự", đồng thời từng chỉ trích NATO “đã bị chết não". Nhưng mặt khác, các nước vùng Baltic vẫn dựa vào NATO và không có khả năng ủng hộ việc xây dựng các lực lượng mới ở châu Âu.
Sau khi quân đội chính phủ Afghanistan sụp đổ, nhiều nước EU muốn liên minh này thành lập lực lượng quân sự riêng độc lập, thoát khỏi phụ thuộc vào NATO và Mỹ (Ảnh: Express). |
Nếu châu Âu muốn xây dựng một lực lượng quân sự độc lập, họ cũng sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính. Mặc dù Liên minh châu Âu đã phân bổ hơn 9 tỷ USD cho Quỹ Quốc phòng châu Âu (European Defense Fund) vào năm 2027, nhưng các nước EU cũng cần phải tăng chi tiêu của riêng mình, đây cũng là một thách thức đối với một số nước. Lấy việc thực hiện yêu cầu của NATO tăng chi tiêu quốc phòng đối với các quốc gia thành viên lên 2% GDP, cho đến nay, mới chỉ có 9 nước châu Âu dự kiến đạt được mục tiêu này trong năm nay.
Mặc dù giấc mơ độc lập về quốc phòng của EU còn gặp nhiều trở ngại từ phía NATO, nhưng cũng có một cựu quan chức NATO tỏ ra cởi mở. "Nếu muốn đạt được quyền tự chủ về phòng thủ, thì phải thiết lập một Bộ Tư lệnh châu Âu, không thể cứ dựa mãi vào cơ cấu chỉ huy của NATO". Cựu giám đốc chính sách NATO Fabrice Pothier thừa nhận rằng điều này thực sự sẽ gây ra một số xích mích với NATO và thậm chí cả Anh và Mỹ, nhưng mặt khác, điều này cũng được quyết định ở cách giải thích của EU.
“Khi NATO không muốn can dự vào một số việc, EU chúng ta có thể làm”, Portier nói.