Lệnh trừng phạt là đòn bẩy với nền kinh tế Nga

Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu gần nhất đã cho rằng cần mất 2 năm kinh tế Nga mới đạt được tốc độ tăng trưởng như cũ. 

Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, khi mà đây lại là một cơ hội bằng vàng để điện Kremlin có thể tái cơ cấu lại nền kinh tế Nga trước vận hội mới.

Những tin tức lạc quan đang bao trùm nước Nga ở thời điểm hiện tại, khi thỏa thuận hạt nhân ở Iran và những bước đi khôn khéo của Moscow trong việc tận dụng thỏa thuận này đang tạo ra một thị trường đầy tiềm năng cho Nga. Với việc các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran được dỡ bỏ, Nga đã có thể tìm được một giải pháp thay thế cần thiết cho mối quan hệ thương mại bị ngăn chặn với EU vẫn chưa được tháo gỡ.

 Lịch sử hình thành nền kinh tế hiện đại của nước Nga, tính từ thời điểm Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 đến nay, có thể chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 1991 đến năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở Nga, đây là thời điểm nước Nga non trẻ bắt đầu chập chững xây dựng nền kinh tế thị trường của riêng mình sau khi nền kinh tế tập trung của Liên Xô sụp đổ.

Đây là khoảng thời gian kinh tế thị trường ở Nga được xây dựng một cách chập chững và tự phát, khi nước Nga vẫn chưa ổn định về mặt chính trị và tổng thống Boris Yeltsin chưa thể vạch ra một lộ trình phát triển kinh tế phù hợp.

 Giai đoạn hai kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1998 đến nay, khi hầu như mọi nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường chập chững kể từ năm 1991 đã bị cuộc khủng hoảng tài chính xóa sạch gần hết. Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền và bắt đầu quá trình hồi phục lại nền kinh tế vừa bị tàn phá.

 Nói cách khác, tính đến thời điểm hiện tại, nước Nga vừa mới chỉ trải qua khoảng thời gian chưa đầy 25 năm xây dựng nền kinh tế, trong đó những thành quả của 8 năm đầu tiên đã bị xóa sạch bởi cơn bão khủng hoảng tài chính. Sự chập chững và thiếu kinh nghiệm quy hoạch nền kinh tế một cách hiệu quả là một trong những vấn đề hàng đầu của xứ sở bạch dương ở thời điểm hiện tại. Đó vẫn là một sự dung hợp giữa nền kinh tế tập trung kiểu Liên Xô và một nền kinh tế thị trường non trẻ và chưa ổn định.

Những ý kiến về việc Nga cần tăng tốc hơn nữa trong việc cải tổ nền kinh tế đã được đưa ra từ lâu, nhưng Moscow vẫn chưa có cơ hội thực hiện khi nó đòi hỏi một sự đầu tư công sức và nỗ lực lớn để chấn chỉnh lại nền kinh tế vốn vẫn đang phát triển theo lối tự phát có thể đi vào khuôn khổ.

 Các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây kể từ giữa năm 2014 vì thế đã gây ra một ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga vẫn còn non trẻ này. Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Cơn bão càn quét nền kinh tế Nga do các lệnh trừng phạt kinh tế gây nên lại đang tạo ra một không gian cần thiết để Moscow tiến hành cải tổ nền kinh tế.

 Lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt kinh tế lại chính là hệ thống ngân hàng của Nga – lĩnh vực mà trong thời gian vừa qua được coi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đúng là hệ thống ngân hàng Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt, khi ngân hàng trung ương Moscow phải nâng lãi suất lên một mức quá cao là 17% để chống lạm phát và gây ra sự đổ vỡ hàng loạt các ngân hàng hạng trung.

 Điện Kremlin đã phải chi hàng tỷ USD kể từ cuối năm 2014 để hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Nhưng giờ đây điều này lại đang là một tin vui, khi nó đang tạo ra cơ hội có một không hai để Moscow cải tổ hệ thống ngân hàng của mình. Trước đó, hệ thống ngân hàng của Nga bị đánh giá là quá cồng kềnh và hoạt động thiếu hiệu quả, có hàng trăm các ngân hàng con mọc ra ở khắp nơi và cạnh tranh lẫn nhau gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

 Cuộc khủng hoảng vừa qua đã khiến hàng loạt các ngân hàng này sụp đổ, và đó là cơ hội có một không hai để Nga chấn chỉnh lại. Con số phù hợp với hệ thống ngân hàng Nga ở thời điểm hiện tại được cho là giới hạn ở mức từ 200 đến 300 ngân hàng là phù hợp. Một khi cải tổ được hệ thống ngân hàng và hoạt động hiệu quả, đó sẽ là một đòn bẩy quý giá để kinh tế Nga phát triển trong tương lai.

Lĩnh vực trọng yếu thứ hai hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng vừa qua là hệ thống các tập đoàn kinh tế nhà nước. Bắt đầu từ tháng 4.2015, Moscow tuyên bố sẽ chính thức áp dụng lại việc đưa các quan chức chính phủ trở lại hội đồng quản trị của các tập đoàn và công ty nhà nước lớn như Rostelecom, Transneft, tập đoàn đường sắt Nga, như một cách thức nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.

 Bề ngoài, đây có vẻ như một sự tăng cường sự quản lý và giám sát của chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước, tức đi ngược lại với xu hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh trên toàn cầu, nhưng thực tế điều này là cần thiết với tình hình doanh nghiệp nhà nước ở Nga vào thời điểm hiện tại.

 Trước đó, chính phủ Nga cũng áp dụng chính sách tăng cường vai trò quản lý độc lập của các doanh nghiệp, bằng cách cho phép hội đồng quản trị bầu ra người điều hành một cách độc lập và lãnh đạo doanh nghiệp mà không cần sự giám sát từ phía chính phủ. Nhưng trên thực tế cách làm này đã không đạt hiệu quả ở Nga, khi những người điều hành được trao quyền độc lập này tỏ ra không đủ uy thế cần thiết để ngăn chặn những vụ tham nhũng và lèo lái doanh nghiệp theo hướng cần thiết.

 Một loạt các doanh nghiệp quốc doanh yếu kém đã bị quật đổ trong cơn bão khủng hoảng kinh tế vừa qua, và chính phủ Nga có thể lên kế hoạch sáp nhập các công ty này và điều chỉnh lại cách thức hoạt động cần thiết để tăng cường hiệu quả trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra, vì thế lại đang trở thành một liều thuốc thử cần thiết và quý giá để Nga nhận ra những điểm yếu trong nền kinh tế của mình. Và thực tế là có vẻ như Nga còn đang hời trong cuộc thử thách về kinh tế này, khi mà cái giá phải trả ít hơn là khía cạnh tích cực mà kinh tế Nga thu được, về một khía cạnh nhất định.

Theo Một Thế giới/Bloomberg/The Moscow Times