“Lệnh miệng” và lạm quyền

VietTimes -- Thực ra, “lệnh miệng” cũng có tác dụng và hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý với điều kiện là người ra lệnh phải rất am hiểu, nắm chắc tình hình công việc và chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, do quan liêu và quen thói lạm quyền, lộng quyền nên nhiều người bị mắc hội chứng “lệnh miệng”.

"lệnh miệng" là một phần của tư duy né, sợ trách nhiệm cần phải loại bỏ sớm.
"lệnh miệng" là một phần của tư duy né, sợ trách nhiệm cần phải loại bỏ sớm.

Anh Hòa, trợ lý của cơ quan đang trầm tư bên chiếc máy tính, kì cạch chuẩn bị báo cáo thì ông Hào, Phó Chủ tịch xã xuất hiện với tập giấy A4 chi chít chữ trên tay.

Ông Hào nói oang oang như chỗ không người, khiến Hòa không có cơ hội phản đổi.

- Làm gì cậu cũng dừng lại ngay. Cậu soạn cho tôi cái công văn này để gửi gấp lên trên. Văn phòng UBND huyện đang cần số liệu để báo cáo Chủ tịch vào ngày mai.

Đã quen với những tình huống như vậy nên anh Hòa lẳng lặng đón tập giấy A4 với một đống “gà mái ấp” với chi chít số liệu và những ký hiệu, từ viết tắt phải luận mãi mới ra.

Anh cặm cụi làm việc, mặt như đeo thớt. Hơn nửa tiếng sau, anh đứng dậy vươn vai, miệng lẩm bẩm: “Ôi lệnh miệng... mệt với nó!”.

Thực tế cho thấy, trường hợp khổ vì “lệnh miệng” như anh Hòa không phải là hiếm xảy ra ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ý và lời nói của thủ trưởng có uy lực như mệnh lệnh chiến đấu vốn có từ thời chiến phải chấp hành tuyệt đối có cách đây mấy chục năm đã trở thành thói quen ăn sâu, bám rễ trong ý thức hệ.

Trái ý thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương là coi chừng không mất việc về “đuổi gà cho vợ” thì sớm muộn cũng sẽ bị điều chuyển đến những chỗ “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Thế nên hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị và địa phương đã đúc kết việc này thành phương châm để được sống, làm việc an phận, hưởng lộc và tiến thân là: Ăn theo thủ trưởng, nói theo thủ trưởng và vui chơi cùng thủ trưởng.

Bản thân tôi từng chứng kiến sự việc rất khôi hài xảy ra cách đây không lâu ở một đơn vị. Khi đang giao ban cơ quan thì đồng chí chánh văn phòng thông báo với giám đốc tin đột xuất là xe chở hàng của công ty gây tai nạn cho người đi đường. Vì thế mà sẽ không giao được hàng cho khách đúng hợp đồng.

Nghe thế, giám đốc đứng bật dậy khỏi ghế và quát mắng: Các anh làm ăn thế đấy. Có mỗi cái xe mà cũng không điều khiển nổi thì làm cái gì. Kỷ luật, phải kỷ luật thật nặng lái xe, làm gương cho người khác.

Bẵng đi một thời gian, khi văn phòng mang quyết định kỷ luật sang để giám đốc ký thì ông tả hỏa phát hiện người lái xe ấy là cháu ruột của mình. Ông trách chánh văn phòng không chịu báo cáo mà tự ý lập hồ sơ kỷ luật. Chánh văn phòng xoa tay khét lẹt và bẩm báo là làm theo kết luận của thủ trưởng trong giao ban hẳn hoi.

Đến đây, ông giám đốc mới thuộn mặt và buột miệng: Nguy hiểm quá! Rồi ông bảo là sẽ quyết định sau. Sau thời gian dài, quyết định kỷ luật chẳng được ký, sự việc cũng rơi vào im lặng và người lái xe vốn là cháu ruột của giám đốc vẫn cứ làm việc như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Hiện nay, lạm quyền trong các cơ quan công quyền của ta đã đến mức báo động. Biểu hiện của lạm quyền không chỉ có ở các quyết định của người đứng đầu các cơ quan đơn vị mà còn có ở các câu “lệnh miệng”.

“Lệnh miệng” đã đáng sợ nhưng “tư duy lệnh miệng” ăn sâu còn đáng sợ hơn. Có kẻ vốn phát triển bằng cách “ôm chân” thủ trưởng nên tương kế tựu kế, dùng “tư duy lệnh miệng” để làm oai và thu lợi.

Do biết tâm lý ngại không chịu tiếp xúc thường xuyên với thủ trưởng để xin ý kiến chỉ đạo cặn kẽ, hoặc do làm sai quá nhiều và sợ làm không trúng ý thủ trưởng nên có tình trạng người chủ trì cấp dưới điện thoại tới các trợ lý để thăm dò ý thủ trưởng. Thế là các anh trợ lý “vẽ đường cho hươu chạy” bằng các cách khác nhau theo kiểu “nâng đỡ không trong sáng”. Hậu quả của nó là gì?

Các đề án, dự án và rộng hơn nữa là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bị làm sai, bị bóp méo, bị lái theo hướng có lợi cho cơ quan, đơn vị, địa phương thì ít mà có lợi cho cá nhân và một nhóm người thì nhiều. Đây chính là gốc gây ra hiện tượng khiếu kiện và mất đoàn kết đang ngày càng trầm kha.

Thực ra, “lệnh miệng” cũng có tác dụng và hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý với điều kiện là người ra lệnh phải rất am hiểu, nắm chắc tình hình công việc và chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tuy nhiên, do quan liêu và quen thói lạm quyền, lộng quyền nên nhiều người bị mắc hội chứng “lệnh miệng”. Bất cứ chỗ nào, bất cứ việc gì họ cũng đều sử dụng “lệnh miệng” để phát huy quyền năng tối thượng người đứng đầu.

Nhiều người còn lạm dụng “lệnh miệng” trong cả công tác cán bộ khi quyết định cất nhắc một ai đó vào các vị trí công tác mà chẳng cần biết quy định và quy trình bổ nhiệm, đề bạt ấy có đúng thẩm quyền và chức năng hay không?

Có thể nói, “lệnh miệng” là con đẻ của thói quan liêu, lạm quyền và tư duy lãnh đạo, quản lý Thiên tử, độc đoán, chuyên quyền, hoàn toàn không phù hợp với tư duy dân chủ trong xã hội hiện đại ở thời công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, điều đáng buồn hơn nữa là việc bắt nhịp với tư duy về phong cách lãnh đạo, quản lý hiện đại ở nước ta chẳng có chuyển biến nhiều.

Hiện nay, trong các báo cáo, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương luôn luôn nhắc đến kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Chỉ thị 05 chưa thực sự cho ra kết quả mong muốn một cách sâu rộng mà vô hình lại trở thành bình phong, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương có cớ kể nể thành tích, che lấp đi những khuyết điểm, việc làm sai trái.

Trong kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XIV, khi xem xét sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và viên chức, nhiều đại biểu đã bàn, tranh luận khái niệm nhân tài.

Tuy nhiên, có một điều mà các đại biểu chưa nhắc đến, là để có nhân tài phục vụ Tổ quốc và nhân dân cần phải có môi trường phát triển hết sức trong sáng, lành mạnh và thực sự là “bệ phóng” cho tài năng phát triển.

Môi trường ấy là sản phẩm của sự trung thực, của tinh thần cống hiến thực sự và ở đó không bao giờ cho phép sự tồn tại của hiện tượng quan liêu, lộng quyền, lạm quyền mà con đẻ của nó chính là “tư duy lệnh miệng” đang tồn tại dai dẳng.  

Đấu tranh gạt bỏ “tư duy lệnh miệng” trong các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt đầu từ người chủ trì và đội ngũ cán bộ chủ chốt trên tinh thần quyết liệt và tư duy làm việc khoa học. Đó là cách tốt nhất để xây dựng môi trường chuyển mạnh sang nền hành chính mang tư duy phục vụ. Tuy nhiên, nói thì dễ chứ thực hiện thì không thể hy vọng một sớm một chiều.