Lên núi tĩnh tâm nhưng Chủ tịch Lê Phước Vũ vẫn dự đủ 101 cuộc họp HĐQT HSG năm 2018

VietTimes -- Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2018 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) vừa công bố cho thấy, Hội đồng quản trị (HĐQT) của tập đoàn đã họp 101 buổi trong năm vừa qua. Trong đó, ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị) dù đang "tĩnh tâm trên núi", vẫn tham dự đầy đủ.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Ảnh: Internet)
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Ảnh: Internet)

Trước đó, chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2018 - 2019, ông Lê Phước Vũ cho biết dành nhiều thời gian ở trên núi và mỗi tháng chỉ “ghé Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng”. Với tần suất bình quân hơn 8 cuộc họp mỗi tháng, việc ông Vũ tới tham dự trực tiếp tất cả các phiên họp HĐQT là điều khó có thể xảy ra, căn cứ trên các thông tin mà ông chia sẻ.

Thực tế, với sự phát triển của công nghệ như ngày nay, khoảng cách về mặt địa lý đã không còn là rào cản để ông Vũ tham dự vào các cuộc họp như vậy.

Thay vì tới tham dự trực tiếp, người đứng đầu HSG có thể lựa chon cách thức tham gia và biểu quyết thông qua hình thức hội nghị trực tuyến. Một số quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 cũng ghi nhận việc Thành viên hội đồng quản trị được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp đối với trường hợp “Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến hoặc hình thức tương tự khác”.

Bên cạnh đó, công ty tổ chức họp trực tuyến còn có thể áp dụng thêm hình thức ghi âm, ghi hình để khẳng định những nội dung tại cuộc họp được ghi nhận trong biên bản cuộc họp là chính xác, trung thực.

HSG
Dù ở trên núi nhưng ông Lê Phước Vũ đã tham dự đầy đủ các buổi họp của HĐQT năm 2018 (Nguồn: HSG)

Quay trở lại với báo cáo quản trị mới được HSG công bố, phần lớn nội dung các cuộc họp này xoay quanh việc thông qua các quyết định thành lập, bổ nhiệm hay thay đổi người đứng đầu tại nhiều chi nhánh. Động thái này được cho là có liên quan tới chủ trương tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình Chi nhánh tỉnh đã được ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính 2017 - 2018 thông qua vào đầu năm 2018.

Thông tin tóm tắt về các cuộc họp cho thấy, quá trình thực hiện chủ trương này đã diễn ra ngay từ những ngày đầu năm 2018 và càng tới cuối năm, càng có nhiều nhân sự được quyết định bổ nhiệm tại các chi nhánh.

Được biết, trước đây, HSG đã triển khai mô hình nhượng quyền thương mại với một số đơn vị. Tuy nhiên, mô hình này đã không thành công do các đơn vị chuyển sang kinh doanh sản phẩm của các doanh nghiệp khác.

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt, ban lãnh đạo HSG đã tìm cách mở nhanh các chi nhánh mang thương hiệu Hoa Sen và phân phối 100% sản phẩm của Hoa Sen.

Đáng chú ý, vào tháng 10/2018, HSG cũng đã tìm được một “Hoa Sen” khác giúp đỡ tập đoàn thực hiện công việc này. Đó chính là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen) - một cổ đông lớn của HSG - do ông Lê Phước Vũ là chủ sở hữu, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch.

Giá cổ phiếu giảm sâu, Tập đoàn Hoa Sen muốn nhờ một "Hoa Sen" khác để tái cấu trúc hệ thống phân phối

Cụ thể, HSG sẽ chuyển nhượng một số chi nhánh cho Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen và ngược lại. Hoạt động “trao đổi” các chi nhánh dựa trên nguyên tắc đảm bảo số lượng chi nhánh nhận chuyển nhượng của HSG phải lớn hơn số chi nhánh/cửa hàng chuyển nhượng cho Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen. Hơn nữa, các chi nhánh mà HSG nhận chuyển nhượng phải là những đơn vị có hoạt động kinh doanh tốt, ổn định.

Tính đến ngày 31/12/2018, số lượng các chi nhánh phân phối bán lẻ trong hệ thống phân phối của HSG đã tăng mạnh từ con số 138 chi nhánh (giai đoạn 2013 - 2014) lên tới 491 cửa hàng. Tuy nhiên, HSG cũng thừa nhận việc tổ chức quản trị hệ thống phân phối theo hướng tập trung đã tạo ra một số gánh nặng nhất định cho công tác quản lý - điều hành của tập đoàn.

HSG 3
Tốc độ tăng trưởng hệ thống phân phối của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Nguồn: HSG)

Mặt khác, kết quả kinh doanh của tập đoàn này cũng có sự suy giảm rõ rệt. Cụ thể, trong niên độ tài chính 2017 - 2018, HSG dù ghi nhận mức doanh thu thuần đạt tới 34.441 tỷ đồng (tăng 32% so với niên độ tài chính 2016 - 2017) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 409 tỷ đồng, giảm mạnh 69% so với cùng kỳ.

Không thể “thảnh thơi” như người đứng đầu HSG, phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có những nỗi lo lắng riêng.

Bên cạnh diễn biến của thị trường chung (thị trường chứng khoán), họ còn e ngại về tương lai của HSG trong bối cảnh một thị trường thép được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Kết quả kinh doanh giảm sút, cùng tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao (hệ số nợ/vốn chủ ở mức 3,113 lần) của HSG cũng khiến cổ phiếu này trở nên kém hấp dẫn.

Những mối lo ngại này phần nào được phản ánh qua diễn biến giá cổ phiếu HSG trong vòng 1 năm qua. Nên nhớ, HSG đã từng là một trong những cổ phiếu ngành thép hàng đầu, đem lại niềm vui và sự kỳ vọng lớn đối với nhiều nhà đầu tư.

Điều đó cũng phần nào phản ánh sự khắt khe của thị trường chứng khoán, nơi mà việc tìm kiếm các cơ hội “sinh lời” mới là niềm vui của số đông./.