Tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong hai ngày 25-26/7 theo nghi thức Quốc tang.
Sau khi các cơ quan Trung ương, địa phương và tổ chức, đoàn thể vào viếng, người dân được vào tiễn biệt Tổng Bí thư từ chiều tối 25/7. Tới nửa đêm 25/7, hàng nghìn người vẫn xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư ở các điểm tổ chức lễ viếng là Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà của ông ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Sáng nay, lễ viếng tiếp tục diễn ra đến 13h. Sau đó là lễ truy điệu. Lễ an táng diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Để vào tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ sáng sớm 26/7, người dân tiếp tục xếp hàng dài trên nhiều tuyến phố dẫn về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.
Theo ghi nhận của Ban Tổ chức Lễ tang, tính đến 17h giờ ngày 25/7, đã có 960 đoàn, 36.218 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà - xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Trong đó, tại Hà Nội có 835 đoàn với 31.918 người; 125 đoàn với khoảng 4.300 người đến từ các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang…
Chị Nguyễn Hà (ở Hà Nội) cho biết, hôm qua chị xếp hàng đến tận tối muộn nhưng vẫn chưa vào viếng Tổng Bí thư được nên sáng 26/7, chị quyết định đến sớm để tiễn đưa ông.
Tại phố Trần Thánh Tông, người dân vào viếng Tổng Bí thư được hướng dẫn làm thủ tục kiểm tra trước khi di chuyển vào Nhà tang lễ Quốc gia.
Thời tiết Hà Nội sáng nay trời nắng nên nhiều người dân vừa di chuyển vừa quạt mát bằng tay.
Tại Đông Anh: Đoàn phụ nữ người Tày từ Lào Cai vượt hơn 400km từ rạng sáng để về làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội (quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) để viếng Tổng Bí thư. Một thành viên trong đoàn chia sẻ, khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, chị và mọi người trong đoàn vô cùng tiếc thương, xúc động. Tổng Bí thư làm việc trọn đời vì dân, vì nước nên dù đoạn đường có xa hơn nữa chị vẫn sẽ xuống tiễn biệt.
Người dân di chuyển trật tự, nghiêm trang vào phía trong nhà tang lễ, nhiều người khóc nghẹn khi tiễn biệt Tổng Bí thư.
Cô giáo tới tiễn biệt học trò ưu tú
Cô giáo Đặng Thị Phúc (92 tuổi) là người đã dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời tiểu học. Sáng 26/7, cô Phúc được người nhà đẩy xe lăn đưa tới nhà tang lễ để tiễn đưa học trò ưu tú của mình.
Cô Phúc kể, vẫn nhớ trò Trọng là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, từng được báo cáo điển hình trước toàn trường. Nhìn di ảnh học trò cô Phúc không kìm nén được cảm xúc đã bật khóc.
Cô Phúc tuổi đã cao nhưng những ký ức năm xưa về người học trò đặc biệt Nguyễn Phú Trọng với tóc màu hung hung, để mái chéo, nước da trắng xanh, suốt năm học chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo nâu với áo bà ba xẻ tà, cổ cao, có hai túi hai bên thì vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí.
Cô Phúc từng kể, năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm xưa, được tin cậu học trò nhỏ nay đã thành đạt, cô Phúc rất mừng và làm bài thơ với tựa đề “Người trò nhỏ năm xưa,” ghi đề tặng N.P.T:
"Thơ ngây mái tóc mười hai
Áo nâu, chân đất, ngô khoai đỡ lòng
Em trò nhỏ nhất kém chi
Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài.”
Bốn năm sau, năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. Với đề tặng N.P.T., cô không ngờ chính bài thơ đó đã giúp "người trò nhỏ năm xưa" tìm lại cô giáo mình.
“Một ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại và rất bất ngờ khi đầu dây bên kia là trò Trọng, nói sẽ đến thăm. Khi ấy, Trọng đã là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, bận nhiều việc nên tôi gạt đi, nói không cần đến, gọi điện cho cô đã là quý lắm. Nhưng mấy hôm sau thì Trọng đến, vừa thấy cô đã trách: ‘Em tìm cô mãi, mấy chục năm rồi mới được gặp lại, thế mà cô còn không cho em đến.’ Cô trò nhìn nhau xúc động không nói nên lời. Khi ấy, tóc cô vẫn xanh mà tóc trò đã bạc,” cô Phúc xúc động kể.
Tại làng Lại Đà
Người dân từ khắp nơi với nhiều độ tuổi khác nhau tiếp tục về xếp hàng trước cổng vào làng Lại Đà để tiễn biệt Tổng Bí thư. Nhiều người cho biết sáng nay đã xin nghỉ phép, sắp xếp công việc để mong kịp đến viếng và tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Trong đoàn viếng có một nhóm nhỏ người dân ở Phổ Yên, Thái Nguyên đi từ 5 giờ sáng xuống viếng Tổng Bí thư. Tuy nhiên, họ đã bị lạc nên khoảng 9h mới vào tới xã Đông Hội. Người dẫn đoàn chia sẻ, người dân luôn ghi nhớ công lao to lớn của Tổng Bí thư, nhà lãnh đạo cả đời liêm chính, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân đến giây phút cuối cùng.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi), thầy giáo của Tổng Bí thư khi học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, người thành lập và xây dựng trường Nguyễn Siêu, khi biết tin Tổng Bí thư từ trần, ông đặt vé máy bay từ Đức về Hà Nội để kịp đến viếng trong sáng 26/7.
Chia sẻ những kỷ niệm về học trò, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh kể “Khi còn đi học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người vô cùng hiền lành, chăm chỉ và lễ phép với thầy cô giáo."
Thương nhớ người học trò ưu tú, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh ghi vào sổ tang: 'Vô cùng thương tiếc anh Nguyễn Phú Trọng - người Cộng sản kiên cường trong đấu tranh vì sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc!"
Tại TP HCM
Hàng nghìn người dân nối nhau vào Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà tang lễ Quốc gia
Gần tới buổi trưa, dòng người về Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư ngày càng đông.