Larry Page - vị sếp “tò mò” ở Google

Larry Page gần đây ít xuất hiện trước công chúng nhưng ông vẫn có mặt thường xuyên tại các hội nghị công nghệ, các cuộc thảo luận trí tuệ. Page đang muốn quay vòng hàng tỉ đô la lợi nhuận từ quảng cáo của Google vào các ngành công nghiệp mới.
Larry Page, ông chủ của tập đoàn Alphabet.
Larry Page, ông chủ của tập đoàn Alphabet.

Mở rộng đầu tư

Ba năm trước, Charles Chase, kỹ sư quản lý chương trình hạt nhân của hãng Lockheed Martin đang ngồi tại hội nghị Solve for X (Giải pháp tia X) của Google, thì một người mà ông chưa từng gặp tới bắt chuyện. Họ thảo luận suốt 20 phút về đề tài làm sao để sản xuất năng lượng sạch bằng cách bắt chước năng lượng mặt trời. Mãi sau, Chase mới nhớ đến việc hỏi tên người đàn ông lạ mặt.

“Tôi là Larry Page” - ông ta đáp. Chase lúc ấy mới biết mình đang nói chuyện với tỉ phú đồng sáng lập của Google. “Ông ấy không có vẻ gì như muốn chứng tỏ: Bạn không biết đang nói chuyện với ai à?” - Chase kể. “Chúng tôi chỉ say sưa nói chuyện”.

Larry Page không giống như một giám đốc điều hành (CEO) điển hình. Các lãnh đạo doanh nghiệp thường dành nhiều thời gian phát biểu tại các hội nghị đầu tư hoặc giới thiệu sản phẩm mới trên các sân khấu lớn.

Còn Page, 42 tuổi, đã không tham gia các cuộc họp trực tuyến kể từ năm 2013. Cách tốt nhất để tìm thấy ông ta tại Google I/O - sự kiện ra mắt sản phẩm mới hàng năm của Google - là bỏ qua sân khấu chính và đi theo đám người hâm mộ hỗn độn, đang chờ xin chữ ký ngay khi ông bước ra từ một cánh cửa đóng kín.

Nhưng việc ông không xuất hiện trước công chúng không có nghĩa ông sống ẩn dật. Page có mặt thường xuyên tại các hội nghị về tự động hóa và các cuộc nhóm họp trí tuệ. Ông luôn dự các buổi họp mặt học thuật khác nhau của Google, như Solve for X, Sci Foo Camp, nơi ông có thể nói chuyện phiếm về công nghệ hoặc đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân.

Không giống như hầu hết đồng nghiệp của mình ở Thung lũng Silicon, Page đã đầu tư vượt xa giá trị kinh doanh cốt lõi của công ty. Ông thành lập tập đoàn Alphabet để tách rời việc kinh doanh quảng cáo mang lại doanh thu lớn của Google khỏi danh sách các dự án mang tính đầu cơ như xe hơi tự lái, vốn “đi trước thời đại” nhưng chưa kiếm được nhiều tiền. Alphabet đang đầu tư trải rộng từ các ngành công nghệ sinh học tới chế tạo năng lượng, du hành không gian, trí tuệ nhân tạo, thậm chí là quy hoạch đô thị.

Là giám đốc điều hành của Alphabet, nhiệm vụ của Page là tính toán làm sao để quay vòng hàng tỉ đô la lợi nhuận từ quảng cáo của Google vào các ngành công nghiệp mới.

Khi công bố tái cơ cấu Google mùa hè năm ngoái, Page nói rằng ông và Sergey Brin, người đồng sáng lập của Google, sẽ làm điều này bằng cách tìm người và công nghệ mới để đầu tư. Ông quyết định giảm quy mô của Google xuống thành công ty con của Alphabet, gọi là Google Inc., để các lãnh đạo Alphabet có nhiều quyền tự chủ hơn.

Công việc quản lý hàng ngày của Google giờ đây được giao cho Sundar Pichai, Giám đốc điều hành mới. Pichai sẽ không quản lý các vấn đề ngăn ngừa ung thư hay phóng tàu tên lửa, mà giữ cho cỗ máy quảng cáo của Google tiếp tục hái ra tiền.

Vai trò mới của Page là tìm kiếm tài năng, nhìn xa trông rộng về công nghệ. Ông phải tìm các giám đốc điều hành của rất nhiều doanh nghiệp con thuộc Alphabet. Sự hiện diện của ông tại các sự kiện công nghệ, là một phần công việc chính của Page.

“Tại sao cái này không thể to hơn”

Page luôn có một loạt mối quan tâm. Tốt nghiệp Đại học Michigan, ông từng tham gia dự án xe năng lượng mặt trời, nhạc cụ điện tử và có lần đề xuất nhà trường nên xây dựng một hệ thống tàu điện trong khuôn viên.

Ông học tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Stanford vào năm 1995, và đã có một danh sách các ý tưởng nghiên cứu, bao gồm ô tô tự lái, sử dụng các siêu liên kết của web để cải thiện tìm kiếm trên Internet. Thầy hướng dẫn luận văn của Page, Terry Winograd, là người đã đưa ông tập trung vào công nghệ tìm kiếm.

Ở Google, Page được biết đến với phong cách luôn đặt câu hỏi về cách làm việc và nhận thức của nhân viên. Page cho biết ông rất thích nói chuyện với những người điều hành các trung tâm dữ liệu của công ty.

“Tôi hỏi họ những câu như: “Hệ thống biến áp hoạt động thế nào, nguồn điện vào bằng cách nào; Chúng ta phải trả cái gì cho điều đó”. Và tôi nghĩ “cơ hội ở đây là gì?” - Page kể. Một câu hỏi khác được Page yêu thích là: “Tại sao cái này không thể to hơn”.

Nhiều cựu nhân viên của Google, người đã làm việc trực tiếp với Page, cho biết cách làm việc của ông là đem công nghệ mới hoặc ý tưởng sản phẩm mới khái quát chúng sang càng nhiều lĩnh vực càng tốt. Chẳng hạn, tại sao Google Now, công cụ tìm kiếm tiên đoán của Google, lại không được sử dụng để dự đoán tất cả mọi thứ về cuộc sống của một người? Tại sao lại tạo ra một cổng thông tin để mua bảo hiểm khi bạn có thể tạo ra một cổng thông tin để mua sắm tất cả sản phẩm trên thế giới? Page luôn trăn trở về việc làm thế nào để tích hợp Google Plus, với các sản phẩm khác như YouTube, hoặc nên đặt Google Now ở đâu, “nhóm Android” hay “nhóm tìm kiếm”...

Những trăn trở đó là lý do chính để Page giao nhiệm vụ quản lý Google cho Pichai. Page cho biết điều này sẽ cho phép ông tập trung vào bức tranh lớn hơn tại Google.

Tại ngôi nhà của mình ở Palo Alto, Page cố gắng để có cuộc sống bình thường nhất. Ông lái xe chở con đến trường, đưa gia đình đi dự hội chợ đường phố địa phương.

Những người làm việc với Page hay đã nói chuyện với ông tại các hội nghị cho biết, ông luôn cố gắng hết sức để hòa nhập với mọi người. Sự “tò mò” của Page thể hiện rõ ràng ở Sci Foo Camp, một hội nghị hàng năm được tài trợ bởi Google, O’Reilly Media và Digital Science với các khách tham dự được mời theo diện hẹp.

Tại cuộc gặp này, những người tham dự, là các nhà thiên văn học, tâm lý học, vật lý và những người thuộc ngành nghề khác - viết điều gì đó mà họ quan tâm vào một tờ giấy, rồi dán lên bảng chung. Những ghi chú đó trở thành nền tảng cho các cuộc trò chuyện trên các chủ đề như đạo đức khoa học, trí tuệ nhân tạo...

Cuộc gặp gần đây nhất được tổ chức hồi tháng 6 tại Mountain View của Google ở California. Page ở đó hầu hết thời gian. Ông không làm chủ trì và phát biểu, nhưng ông hòa trộn vào đám đông để trò chuyện. Điều đó đã gây ấn tượng với các nhà đầu tư, các nhà khoa học máy tính.

Leslie Dewan, kỹ sư hạt nhân, người sáng lập một công ty sản xuất điện giá rẻ từ chất thải hạt nhân, đã từng trò chuyện với Page tại hội nghị Solve For X. Cô cho biết ông hỏi về việc sản xuất mô đun và làm thế nào để tìm những nhân viên phù hợp. “Ông ấy không có kiến thức sâu về hạt nhân, nhưng ông biết cách hỏi”, Tiến sĩ Dewan, Giám đốc điều hành của Transatomic Power, kể. “Các bạn đã nghĩ về việc tiếp cận sản xuất theo cách này? Các bạn có nghĩ về sự hội nhập theo chiều dọc của công ty theo cách này? Các bạn đã nghĩ về việc đào tạo lực lượng lao động theo cách này?... là những câu hỏi của Page. Đó không phải là câu hỏi vật lý hạt nhân, nhưng nó gợi ra suy nghĩ sâu sắc về cách chúng tôi có thể cấu trúc doanh nghiệp” - Dewan nói.

Page rời vị trí CEO tại Google vào thời điểm mà mọi thứ không thể tốt hơn. Doanh thu của công ty tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%/năm, một con số ấn tượng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng đặc biệt ấn tượng đối với một công ty mà đang trên đà tạo ra 60 tỉ đô la năm nay.

Trong thực tế, mảng kinh doanh chính của công ty đang quá tốt. Dù vậy, Google hiện đang đối mặt với cáo buộc chống độc quyền ở châu Âu, cùng với các điều tra khác ở châu Âu và Mỹ. Nhưng những vấn đề này giờ đã thuộc về lo lắng của Pichai, còn Page rảnh rang tìm kiếm những điều lớn lao khác.

Theo The New York Times/TBKTSG