Lập tức nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào năm 2018

VietTimes -- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngày 15/1 tới, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam phải báo cáo quy hoạch mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất
Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành GTVT ngày 10/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có những chỉ đạo liên quan đến việc mở rộng Cảng hàng không (CHK) Quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định quy hoạch CHK so với nền kinh tế là lạc hậu, dự báo không chính xác, dẫn đến quá tải và phải điều chỉnh quy hoạch. Nhiều CHK đã quá tải, đặc biệt là Tân Sơn Nhất.

Nguyên nhân của việc quy hoạch không chính xác trên là do cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng đến điều chỉnh quy hoạch, chiến lược để làm cơ sở kế hoạch hóa đầu tư trên cơ sở quy hoạch các CHK, đường sắt, đường bộ, cảng biển, đường thủy, hàng hải… Từ quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn trung và dài hạn trên cơ sở nguồn lực Nhà nước và nguồn lực từ xã hội, tránh đầu tư tự phát, dẫn đến phát triển không bền vững.

Vì vậy, Bộ GTVT và ngành hàng không phải khẩn trương hoàn thành, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, tập trung, mở rộng, nâng cấp CHK theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Phải làm thêm đường lăn, nhà ga, sắp xếp lại khu vực sân đỗ, đầu tư thêm các hệ thống giao thông kết nối ra bên ngoài.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, trước mắt phải ưu tiên có giải pháp giải quyết ùn tắc “cả trên trời, cả dưới mặt đất” tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Về nguồn vốn, phải xác định dùng vốn xã hội là chính. Chỉ đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với các công trình hạ tầng chính như đường lăn, sân đỗ, các công trình nhà ga, phụ trợ dùng vốn xã hội hóa. Mục tiêu là quý III/2017 phải đưa vào sử dụng một số hạng mục chính, hoàn thành trong năm 2018.

Trước đó, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2016 có khoảng 32 triệu hành khách thông quan (vượt 28% so với quy hoạch 2020), 40.000 lượt xe ra vào ngày đêm trong cảng… đã gây áp lực rất lớn không chỉ lên hạ tầng nội bộ cảng mà còn cả các tuyến đường xung quanh.

Còn theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thị trường hàng không Việt Nam 5 năm qua phát triển bùng nổ, đặc biệt đường bay Hà Nội-TPHCM là đường bay nội địa đứng thứ 4 thế giới, chỉ số ghế/km hành khách đứng thứ 24 thế giới, thậm chí, lượng khách vận chuyển trong năm 2016 đã vượt dự kiến lượng hành khách của năm 2020, trong khi kết cấu hạ tầng khác thì không bằng.

Riêng với sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thành cho biết, hiện TPHCM đã cho tăng cường lịch bay từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, dẫn đến áp lực lên thi công, kỹ thuật; sân bay ùn tắc kéo theo áp lực về an toàn hàng không.