Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong ngày 25.1 trong buổi gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đang có chuyến công du châu Á, cho biết sẽ thúc giục ASEAN đoàn kết nhằm khẳng định lập trường của khối này về vấn đề Biển Đông.
Lào, với vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2016, sẽ tổ chức những cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo ASEAN và với lãnh đạo các nước đối tác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
“Ông ấy (Thủ tướng Thongsing) có quan điểm rất rõ ràng rằng Lào muốn nhìn thấy một ASEAN đoàn kết và quyền tự do hàng hải phải được bảo vệ, đồng thời cũng muốn ngăn chặn hoạt động quân sự hóa nhằm tránh đối đầu ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Kerry nói với báo chí sau cuộc gặp Thủ tướng Lào ở thủ đô Viêng Chăn, theo Reuters.
“Điều này có ý nghĩa quan trọng vì Lào đã tự xác định vai trò của mình ở ASEAN, một khối thống nhất đang thúc đẩy sự phát triển của hệ thống dựa trên luật pháp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và đảm bảo bất kỳ quốc gia nào dù nhỏ hay lớn cũng có tiếng nói để thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề cần quan tâm”, Ngoại trưởng Kerry nhận xét về phát biểu của người đứng đầu chính phủ Lào.
“Chúng ta muốn rằng tất cả mọi người cần có tiếng nói đối với những vấn đề trong khu vực, bất kể quy mô lãnh thổ, sức mạnh và tầm ảnh hưởng”, Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Lào - Ảnh: Reuters |
Lâu nay, ít khi Lào thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng về Biển Đông, vấn đề gây tranh cãi và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN. Phát biểu của Thủ tướng Thongsing được xem là quan điểm chính thống của Lào lần đầu tiên xuất hiện trên báo nước ngoài liên quan đến Biển Đông.
Lào có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, và Viêng Chăn được Bắc Kinh tài trợ rất nhiều thông qua các dự án phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng.
Campuchia cũng là nước thành viên ASEAN nhận được nhiều viện trợ từ Trung Quốc. Phnom Penh có lập trường khá rõ ràng trong việc ủng hộ Bắc Kinh ở Biển Đông khi Thủ tướng Hun Sen liên tục khẳng định tranh chấp ở Biển Đông không liên quan đến ASEAN (?) mà cho rằng đó là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp. Quan điểm này của Campuchia đúng với chủ trương của Bắc Kinh.
Trong 10 nước ASEAN, ngoài Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc vì có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh ở Biển Đông, Singapore và Indonesia tuyên bố không ủng hộ các hoạt động cũng như đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc ờ Biển Đông. Trong khi Thái Lan, Lào và Myanmar luôn thể hiện sự trung lập thì Campuchia ủng hộ Bắc Kinh rất quyết liệt.
Trong chuyến thăm Lào, Ngoại trưởng Kerry cũng đề cập đến những khoản viện trợ của Mỹ dành cho Lào, trong đó có dự án tháo gỡ bom mìn mà Mỹ từng rải trên đất Lào trong Chiến tranh Việt Nam, dự án hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em trị giá 6 triệu USD và phát triển cơ sở hạ tầng ở sông Mê Kông, theo AP.
Ông Kerry sẽ rời Lào để đến Campuchia hôm nay 25.1. Mục đích của chuyến đi của ông Kerry là thúc giục các nước thành viên trong ASEAN thể hiện sức mạnh đoàn kết của mình trong vấn đề Biển Đông, nhằm chuẩn bị cho cuộc họp của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama với 10 nhà lãnh đạo ASEAN vào giữa tháng 2.2016 ở Sunnylands, California, Mỹ.
Tổng thống Obama sẽ có chuyến công du Lào nhân tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm 2016.
Theo Thanh niên