Điều tiết kịp thời cho cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Ngay trong chiều 10/9, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ và một số tuyến quốc lộ phía nam thành phố Hà Nội.
Sau bão, mưa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội gây ngập, úng tại nhiều khu vực, trong đó có khu vực xã Văn Bình, huyện Thường Tín đã gây ngập, úng trên QL1 và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại Km191+200 với chiều dài khoảng 200 m, chiều sâu ngập khoảng 50 - 60 cm.
Theo báo cáo của đơn vị quản lý, vận hành BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (doanh nghiệp dự án) nguyên nhân chủ yếu là do mưa lớn kéo dài trên cả khu vực có địa hình trũng, vượt quá khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thuỷ lợi và trạm bơm Thường Tín, nên nước từ khu vực xung quanh tràn ngược vào đường cao tốc.
Tại hiện trường, tình trạng ngập úng vẫn còn do nước rút chậm, các phương tiện đi qua khu vực ngập úng vẫn phải lưu thông hạn chế (mỗi chiều 2 làn xe) dưới sự điều tiết của cảnh sát giao thông.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá cao sự chủ động vào cuộc kịp thời của lực lượng cảnh sát giao thông, đặc biệt là Cục CSGT (C08) trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời đề nghị Khu QLĐB I, Doanh nghiệp dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông, cử lực lượng ứng trực đảm bảo giao thông, chuẩn bị sẵn sàng người và phương tiện cứu hộ để kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến ngập úng để kịp thời điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp.
Trong trường hợp nước tiếp tục dâng cao hoặc xảy ra ùn tắc kéo dài thì phải thông báo kịp thời để các lực lượng hạn chế xe vào đường cao tốc tại các vị trí nút giao như Thường Tín, Khe Hồi, Vạn Điểm, tại trạm thu phí và phân luồng từ xa để các xe lưu thông sang quốc lộ 1A.
Về lâu dài, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Doanh nghiệp dự án phối hợp Khu QLĐB I nghiên cứu giải pháp tổng thể xử lý việc ngập úng của cả khu vực, bao gồm một số giải pháp như bổ sung hoặc tăng khẩu độ cống tiêu, thoát nước; tăng công suất trạm bơm Thường Tín, kể cả phương án nâng cao độ nền đường… báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng của UBND Thành phố Hà Nội để xử lý.
Khắc phục, thông đường các “điểm nóng” sạt lở
Ngày 11/9, Đoàn Công tác của Cục ĐBVN do đồng chí Nguyễn Xuân Ảnh - Phó Cục trưởng, làm trưởng Đoàn đã kiểm tra công tác công tác khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tham gia cùng Đoàn có đồng trí Nguyễn Quốc Huy Giám đốc sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lào Cai, lãnh đạo Khu QLĐB I và các đơn vị liên quan.
Vào lúc 11h30, Đoàn công tác đã kiểm tra, chỉ đạo khắc phục điểm sạt lở tại Km118+700 QL 70, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Tại hiện trường ông Nguyễn Xuân Ảnh đã chỉ đạo Khu I, Sở GTVT Lào Cai thực hiện ngay việc cảnh báo, trực gác và phân luồng đảm bảo ATGT giao thông trên tuyến; đồng thời giao Khu I tập trung huy động nguồn lực (máy móc, thiết bị, rọ thép…) để hót sụt, xử lý hư hỏng mặt đường…để thông đường trong thời gian sớm nhất.
Đến 13h cùng ngày, Đoàn công tác đã vào hiện trường thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và báo cáo trực tiếp các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục, thông đường phục vụ các lực lượng cứu trợ.
Cũng trong sáng 11/9, Đoàn công tác số 3 của Cục đường bộ Việt Nam do ông Nguyễn Mạnh Thắng làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trên hệ thống quốc lộ giao Sở GTVT Lạng Sơn quản lý; tham gia cùng Đoàn có lãnh đạo Sở GTVT Lạng Sơn và các đơn vị liên quan.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai của Sở GTVT Lạng Sơn, chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý, bảo dưỡng đường bộ.
Do ảnh hưởng của thiên tai gây hư hỏng nhiều vị trí trên quốc lộ, trong đó có một số vị trí sạt lở ta luy dương, sạt lở ta luy âm, gây ùn tắc giao thông, có nguy cơ tiếp tục hư hỏng và mất an toàn giao thông.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT Lạng Sơn chỉ đạo nhà thầu bố trí biển báo, cọc tiêu, dây phản quang,... để cảnh báo, bảo đảm giao thông trên tuyến và bố trí người trực gác trong trường hợp cần thiết; đồng thời yêu cầu Sở GTVT Lạng Sơn chỉ đạo nhà thầu và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác khắc phục, xử lý các vị trí ùn, tắc giao thông để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và tổng hợp thiệt hại, báo cáo Bộ GTVT, Cục đường bộ Việt Nam để sớm công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và ban hành Lệnh XD Công trình khẩn cấp, để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo bảo đảm giao thông trên tuyến và bố trí người trực gác trong trường hợp cần thiết.