|
Duy nhất HAGL đã khước từ cuộc họp trực tuyến của VPF. Ảnh VPF. |
Trước hết, việc VPF mời họp cũng là điều thường tình, không chỉ Việt Nam mà hàng loạt quốc gia khác, ban tổ chức giải cũng làm điều tương tự. Buổi họp cũng chỉ diễn ra trực tuyến và thời gian chỉ khoảng 2 giờ, mỗi CLB cũng chỉ cần 1 đại diện nên chắc chắn, nó không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chống dịch Covid-19 như bầu Đức quy kết.
Việc duy nhất HAGL không dự họp cũng không đáng trở thành một đề tài thêu dệt với bao tình tiết. CLB cũng có quyền từ chối họp, tất nhiên như thế đồng nghĩa với việc chấp nhận mất quyền biểu quyết.
Nói lại cho rõ
Nhưng về mặt văn bản, VPF đã “hở sườn” khi sớm đưa ra 2 phương án tổ chức tiếp V.League 2020. Phương án 1 diễn ra từ ngày 15/4 tới 29/5/2020, phương án hai diễn ra từ ngày 1/5 tới 28/6/2020. Đây chính là cái cớ để bầu Đức phản ứng “Bây giờ họp dịch thì họp, bóng đá thì dẹp. Không có chuẩn bị gì hết, chỉ có những người rảnh rỗi mới làm bậy thôi". Bất cứ ai cũng hiểu, trong bối cảnh dịch Covid-19 cụ thể này thì với nội dung văn bản như thế thì VPF đang tự mình “cầm đèn chạy trước ô-tô”.
|
Tham dự họp cũng không lmaf cho CLB Nam Định quên đi nhiệm vụ chống dịch. Ảnh CLB
|
Thực tế cuộc họp diễn ra sau đó, đúng như cái người ta dự báo, VPF không đủ thẩm quyền để trả lời V.League bao giờ thi đá lại. Điều đó càng làm cho người ta thấy VPF thiếu kinh nghiệm ứng xử, đáng ra VPF chỉ cần thông tin “sau khi Chính phủ cho phép, VPF sẽ thông báo thời điểm bóng lăn cho các đội bóng bằng văn bản trước 15 (hoặc 30) ngày”, thế là đủ.
Xung quanh bầu Tú cũng chưa tập hợp được những người có kinh nghiệm làm công tác tổ chức thi đấu. Nếu như trong công văn, ngoài các phương án mà VPF đề xuất, có thêm mục trưng cầu ý kiến của các CLB thì có lẽ chẳng ai có thể “phản pháo” VPF áp đặt. Đơn giản là tại thời điểm này, khó có phương án nào tập trung được 100% phiếu ủng hộ. Đó cũng là điều mà VPF cần rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho trường hợp dịch Covid-19, Chính phủ cho tổ chức các hoạt động thể thao.
Việc HAGL không dự cuộc họp trực tuyến, thiết nghĩ cũng chả có gì phải bàn tán nhiều. VPF chỉ cần chiểu theo quy định tổ chức giải mà thực thi, nếu đủ tỷ lệ đại diện CLB tham dự theo quy định thì các nghị quyết vẫn có giá trị và HAGL phải chấp hành, nếu không muốn văng ra ngoài cuộc chơi. Tranh luận vẫn nên được thực hiện trong cuộc họp hơn là trên mặt báo.
Chuyện “ngôi nhà bóng đá Việt”
Việc sau cuộc họp VPF không công khai thông cáo báo chí, phải đến chương trình Bình luận thể thao của VTV phát đi tối ngày 3/4, với những video trực tiếp về cuộc họp, dư luận mới biết. Nếu nội dung như thế thì cuộc họp này là thực sự cần thiết, đại diện các CLB tham dự cuộc họp ấy đều góp ý xây dựng.
|
Ông Chung cũng tự nguyện giảm lương để ủng hộ CLB chống dịch. Ảnh TPHCM FC
|
Hai ông Nguyễn Hữu Thắng và Vũ Tiến Thành - chủ tịch CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn cũng không hề phản ứng như báo chí trích dẫn vì… đều không tham gia cuộc họp này. Đại diện Sài Gòn FC hôm ấy là ông Trần Hòa Bình thậm chí còn đưa ra những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng rất cao. Lạ thật!
Dư luận báo chí bỗng xáo lên những câu hỏi: Thiếu người tài để chia sẻ ghế cho bầu Tú? Liệu bầu Đức có chống VPF và bầu Tú hay không? Rồi “Câu chuyện bầu Đức chống bầu Tú ngồi 2 ghế to ở VPF khả năng lớn sẽ tạo thêm sự tranh cãi lớn cho bóng đá Việt Nam”.
Kể cũng lạ, đây là chuyện không mới. Bóng đá Việt Nam có thiếu người tài hay không thì ai cũng biết, khi bầu Thắng, bầu Đức rút lui, người ta mời mãi bầu Hiển không nhận lời thì ai chả biết nhân sự của cả VFF lẫn VPF thiếu như thế nào. Nhưng mọi thứ vẫn đang vận hành được như thế (dù vẫn còn vài sai sót) thì phải đáng khen chứ?
Còn việc ông Trần Anh Tú ngồi cả ghế chủ tịch lẫn tổng giám đốc VPF có đúng hay không thì phải căn cứ vào Điều lệ của công ty cổ phần này. Nếu mọi việc đang tốt, điều lệ cho phép thì há cớ gì bầu Tú phải san sẻ ghế, VPF phải thêm mâm, thêm bát cho khó điều hành?
Trên dải đất hình chữ S này không biết bao nhiêu công ty cổ phần người đứng đầu “tham quyền, tham ghế” chứ riêng gì ông Tú, miễn là cổ đông còn tín nhiệm, kinh doanh còn phát triển tốt. Nếu VPF không ổn điểm nào, hãy chỉ ra thay vì chỉ trích cá nhân theo kiểu định tính.
|
Văn Toàn cũng đã chung tay chống dịch. Ảnh FBCN
|
Góc người hâm mộ
Nói thật, người hâm mộ báo chí muốn các nhà báo lao vào những đề tài nóng, được dư luận quan tâm hơn là những cuộc tranh luận đơn thuần là ý muốn chủ quan của người viết. Người ta cần, sau sân Vinh thì còn những sân vận động nào chưa đủ chuẩn thi đấu mà VPF “làm ngơ”? Liệu có CLB nào sẽ “vỡ nợ” trong đợt dịch Covid-19 này không? Các tiêu cực bóng đá trẻ được VFF xử như thế nào rồi? Sau lượt đi, dự kiến những trọng tài nào sẽ được đôn lên bắt V.League 2020?
Bóng đá Việt vốn đã phức tạp, không cần thêm những bài báo thiếu tính xây dựng. Báo chí cho mình có quyền phán bầu Tú, bầu Đức…thì người đọc cũng có quyền nhận xét về nội dung các bài báo, các cây viết đó.