Lần đầu tiên giải thưởng Tạ Quang Bửu ghi danh nhà khoa học nữ

VietTimes -- PGS. Nguyễn Lê Khánh Hằng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là nhà khoa học nữ đầu tiên được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu (lĩnh vực y sinh dược học) với công trình nghiên cứu xác định được những điểm mấu chốt của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu NGọc Anh trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 cho TS Nguyễn Lê Khánh Hằng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu NGọc Anh trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 cho TS Nguyễn Lê Khánh Hằng.

Cùng với đó, hai giải thưởng chính còn lại được trao cho các công trình về lý thuyết dẻo tái bền động học giới hạn của PGS.TSKH. Phạm Đức Chính, làm việc tại Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và công trình nghiên cứu làm sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển của các hạt nano của TS. Lê Trọng Lư - Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.

Đây là 3 giải thưởng được lựa chọn từ 45 hồ sơ đăng kí tham gia và được tôn vinh tại lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 cho 3 nhà khoa học có những công trình nghiên cứu xuất sắc do Bộ KHCN tổ chức. Ngoài nhận bằng chứng nhận, các nhà khoa học còn được nhận giải thưởng trị giá 200 triệu đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh và các nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh và các nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết trong thời gian qua, ngành KHCN Việt Nam luôn nỗ lực để đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Điều này được thể hiện qua các số liệu cụ thể, ví dụ như Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia); chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% trong giai đoạn 2016-2018, vượt mục tiêu đề ra là 35% giai đoạn 2010-2020.  

"Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ xã hội chuyển dịch mạnh và ngày càng tăng, đến nay đã vượt mức đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ giữa nhà nước và DN từ mức 7:3 ở đầu thập kỷ này chuyển thành 5,2:4,8. Các DN, tập đoàn lớn quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho khoa học và công nghệ. DN vừa và nhỏ đã có sự quan tâm bước đầu và đầu tư cho KHCN. DN KHCN tăng trưởng ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế. DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) của Việt Nam đã có bước trưởng thành mạnh mẽ, tiếp cận, cạnh tranh được với các startup quốc tế", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận ngành KHCN vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, các địa phương đến hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách dành cho KHCN thiếu đồng bộ, phức tạp, chồng chéo. KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là Bộ KHCN cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành và giữa các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế KHCN trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ KHCN cam kết quyết tâm, nỗ lực cao nhất trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Huy động đội ngũ cán bộ KHCN, tập trung nghiên cứu, sáng tạo vì các mục tiêu, định hướng lớn, giải quyết các bài toán lớn, đồng bộ, tổng thể theo chuỗi giá trị. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, trong đó có đội ngũ startup, doanh nghiệp KHCN trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình hội nhập trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp mới.