Tài liệu được các chuyên gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xây dựng, thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) triển khai thực hiện.
Đây là tài liệu đầu tiên tổng kết bản đồ các giải pháp công nghệ, từ đó đánh giá độc lập tổng quan về ưu, nhược điểm của các giải pháp, so sánh mức độ sẵn sàng của các giải pháp trong nước và quốc tế trên thị trường Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tham khảo và tìm kiếm được giải pháp phù hợp nhất với điều kiện kinh doanh.
6 chương của tài liệu gồm CĐS trên thế giới và Việt Nam, Định nghĩa và các khái niệm CĐS cho doanh nghiệp, Lộ trình CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng trong CĐS doanh nghiệp nhỏ và vừa, Các giải pháp công nghệ theo lộ trình CĐS và Câu hỏi thường gặp. Có thể thấy, có đến 3/6 phần trong cuốn sách đề cập đến CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp CĐS. |
Cuốn sách trích dẫn báo cáo của Cisco & IDC năm 2020 về mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cho thấy, trong 14 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chỉ có khoảng 3% các doanh nghiệp cho rằng CĐS chưa thực sự quan trọng. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 22% năm 2019. Có tới 62% doanh nghiệp kỳ vọng CĐS giúp đơn vị tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, 56% doanh nghiệp nhận thấy sự cạnh tranh đang thay đổi và CĐS giúp doanh nghiệp giữ được nhịp độ để bắt kịp xu hướng. Thống kê này cho thấy các doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs đã có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam được khuyến nghị thông qua giai đoạn để thực hiện chuyển đổi dần từ “doing digital” sang “being digital”.
Trước hết, doanh nghiệp phải xác định mục tiêu và chiến lược, sẵn sàng bước vào các giai đoạn CĐS. Cụ thể, giai đoạn 1 doanh nghiệp sẽ CĐS mô hình kinh doanh gồm áp dụng công nghệ số cho chuỗi cung ứng, nghiệp vụ kế toán, tài chính, xây dựng khung cơ sở dữ liệu chung và chính sách bảo mật kinh doanh. Giai đoạn 2, doanh nghiệp CĐS mô hình quản trị như hoàn thiện mô hình quản trị, xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đi từ cơ cấu tổ chức, con người, chính sách, quy trình cho tất cả các mảng nghiệp vụ chức năng của doanh nghiệp. Giai đoạn 3, doanh nghiệp kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo. Từ đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong toàn bộ doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu của toàn doanh nghiệp.