Làm thế nào để ứng dụng nền tảng số nhằm tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam?

VietTimes – Ngày 20/2/2020 tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Ứng dụng Kinh tế Nền tảng số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam” với sự hiện diện của các diễn giả Trần Thanh Hải – nguyên giám đốc điều hành ứng dụng gọi xe Be, Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Công ty UP Gen và PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc ĐHQG Hà Nội.
Từ phải sang trái: PGS TS Nguyễn Đức Thành, ông Đỗ Hoài Nam và ông Trần Thanh Hải
Từ phải sang trái: PGS TS Nguyễn Đức Thành, ông Đỗ Hoài Nam và ông Trần Thanh Hải

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS TS Nguyễn Đức Thành cho biết, kinh tế nền tảng số đã và đang hiện diện rất mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những nền tảng số như Google, Facebook, Grab… đang có mặt tại rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Liệu rằng Việt Nam có thể xây dựng được những nền tảng số cho riêng mình và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa như các nền tảng số nói trên hay không? Muốn làm được thì chúng ta phải tìm ra hướng đi riêng với những đặc thù mang tiện ích phù hợp.

Theo ông Trần Thanh Hải, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã bỏ qua và không tận dụng được nhiều cuộc cách mạng khoa học. Tuy nhiên với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) thì đó chính là cơ hội để bắt kịp với thế giới. Trong nền kinh tế mở ngày nay, sức mạnh của doanh nghiệp phải được thể hiện. Nhà nước không thể làm được tất cả mọi thứ nhưng vai trò quản lý của Nhà nước là rất quan trọng. Chính vì thế, doanh nghiệp rất cần những chính sách đúng đắn từ nhà nước.

Ông cũng cho biết thêm, ứng dụng gọi xe Bee tuy ra đời sau rất lâu so với Grab nhưng đã thành công tại thị trường Việt Nam. Bee không chỉ cạnh tranh với Grab về giá cả mà còn đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho các đối tượng tham gia. Đó là một trong những thực tế về kinh tế chia sẻ tại Việt Nam mà các sản phẩm trong nước đã vươn lên được. 

Vẫn theo ông Hải, những nền tảng số như Google, Facebook… tuy miễn phí nhưng đổi lại là họ thu được một kho dữ liệu khổng lồ về người sử dụng và thu lời bằng việc bán quảng cáo đến đúng các địa chỉ người dùng cho rất nhiều đối tượng có nhu cầu.

Liệu rằng trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể ra đời được các ứng dụng cạnh tranh với Google, Facebook… hay không. Theo ông Nam, thực tế gần đây đã có nhiều mạng xã hội được ra đời với tham vọng cạnh tranh với Facebook và thực tế sẽ trả lời. Nếu như với một giao diện không mấy khác với Facebook cùng nguồn lực đầu tư còn thu xa thì rất khó cạnh tranh. Vì thế, phải nhìn vào thực tế của một mạng xã hội như Zalo với hơn 80 triệu người dùng thì khả năng cạnh tranh có lẽ sẽ thành công hơn.

Ông Đỗ Hoài Nam lại đề cập là các nền tảng số đã và đang làm thay đổi hành vi và thói quen của xã hội. Thay vì đi mua sắm trực tiếp ở các cửa hàng, siêu thị thì rất nhiều người đã lựa chọn và chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến thực tế về hiệu quả của nguồn nhân lực trong nền kinh tế số. Để có hiệu quả cao nhất, chúng ta cần phải hiểu đúng về số hóa. Cần phải hiểu cho đúng về chuyển đổi số với câu trả lời thật rõ ràng. Nếu như thiếu sự sáng tạo thì sẽ không thể làm ra được những nền tảng số mới có đủ sức cạnh tranh.

PGS TS Nguyễn Đức Thành lại đề cập đến yếu tố kết nối nguồn lực. Đây là thực tế mà các nghiệp chủ phải là những người biết sử dụng nguồn nhân lực của mình để tạo nên sự kết hợp với hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, đó lại là lỗ hổng trong đào tạo ở Việt Nam vì dường như rất thiếu những học phần về lĩnh vực này. Nguồn nhân lực của chúng ta nếu mới chỉ đặt nặng chỉ số thông minh (IQ) là chưa đủ mà còn cần cả chỉ số quản lý cho nó (EQ).

Ông cũng đề cập đến sự cạnh tranh về thể chế và đây là vấn đề của Nhà nước. Thế chế hiện hữu ở Việt Nam về cơ bản mới chỉ quan tâm đến những giá trị thực mà chưa có bao nhiêu với giá trị ảo và đó là sự bất cập. Chính vì thế, để phát triển kinh tế số thì thể chế quản lý cần phải thể hiện được với cả những giá trị ảo. Thêm vào đó, thể chế cũng phải tạo điều kiện cho yếu tố sáng tạo vì điều này sẽ góp phần quyết định để ra đời những sản phẩm mới trên nền tảng số.