Chuyên đề Bảo vệ dữ liệu cá nhân:

Làm thế nào để tháo nút thắt trong bảo vệ quyền riêng tư của "nhóm nhạy cảm"?

VietTimes – Theo CSAGA, “nhóm nhạy cảm” bao gồm phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại. Đây được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ tuyệt đối khỏi các vụ lộ lọt thông tin cá nhân.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA chia sẻ  kinh nghiệm tại Hội thảo (ảnh: Đăng Khoa)
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo (ảnh: Đăng Khoa)

Nội dung này là chủ đề phần tham luận của bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), trong khuôn khổ Hội thảo "Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số: Thảo luận và khuyến nghị chính sách". Sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Hạn chế trong bảo vệ quyền riêng tư của nhóm yếu thế


Đại diện của CSAGA chia sẻ, thời kỳ đầu tổ chức đã từng trải qua những bài học “cay đắng” khi vô tình để lộ thông tin của những nạn nhân bị xâm hại trên các phương tiện truyền thông. Do không đặt ra cam kết rõ ràng bằng văn bản, các vụ việc rò rỉ thông tin cá nhân trên báo chí đã khiến các nạn nhân và cả tổ chức như CSAGA lâm vào tình thế khó xử.

“Đó là những câu chuyện buồn khiến chúng tôi phải thay đổi, phải rút kinh nghiệm. Những trải nghiệm đó cho thấy rằng, nếu không cẩn thận, chúng tôi không những không bảo vệ được nhân vật của mình mà còn vô tình khiến các họ bị “bạo hành” thêm một lần nữa” – bà Vân Anh bày tỏ.

Bên cạnh đó, đại diện CSAGA cũng chia sẻ những thách thức lớn khi vừa phải làm truyền thông trên các câu chuyện có thật, vừa phải đảm bảo an toàn cho người trong cuộc. Chính vì thế, để có được sự đồng thuận khi chia sẻ, bảo mật thông tin cá nhân là yếu tố phải đặt lên hàng đầu đối với nhóm đối tượng “yếu thế” này.

Bà Vân Anh nói rằng đã có trường hợp người tố cáo bạo hành bị lộ thông tin khiến họ bị trả thù (ảnh: Đăng Khoa)
Bà Vân Anh nói rằng đã có trường hợp người tố cáo bạo hành bị lộ thông tin khiến họ bị trả thù (ảnh: Đăng Khoa)

Về pháp lý, Việt Nam chưa có những quy định cũng như chế tài cụ thể về vi phạm quyền riêng tư của “nhóm nhạy cảm” nêu trên. Thực tế, chưa từng có tiền lệ về xử phạt liên quan đến vấn đề này.

“Trong những vụ việc lộ lọt thông tin, chính những nạn nhân yếu thế là người phải chịu tổn thương nhiều nhất. Đối với họ, đây không khác gì hành động gián tiếp xâm hại danh dự lần thứ hai” – bà Vân Anh quan ngại.

Bảo vệ thông tin cá nhân của nhóm yếu thế là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo an toàn cho họ.
Bảo vệ thông tin cá nhân của nhóm yếu thế là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo an toàn cho họ.

Cần có bộ quy tắc và chế tài cụ thể xử lý vi phạm quyền riêng tư

Đối với một tổ chức làm việc với nhóm đối tượng nhạy cảm như CSAGA, các bộ quy tắc chung về bảo mật quyền riêng tư cá nhân là vô cùng quan trọng. Sau quá trình thảo luận, đánh giá rút kinh nghiệm, CSAGA đã đưa ra những phương án cụ thể trong công tác tư vấn và truyền thông.

Bà Vân Anh cho biết, hiện CSAGA đề ra những cam kết cụ thể khi tiếp cận giới truyền thông, nhằm đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của các đối tượng nhạy cảm. Đồng thời, đơn vị còn tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên về cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ lộ lọt dữ liệu riêng tư. Trong tất cả các khâu tư vấn qua điện thoại, mạng internet, CSAGA đều phải thông qua các khâu bảo mật về an toàn dữ liệu, tránh lộ danh tính và thông tin cá nhân.

Bên cạnh đó, tháo gỡ nút thắt trong khung pháp lý là một trong những giải pháp cần thực hiện ngay để bảo vệ quyền riêng tư cho nhóm yếu thế. Theo đó, CSAGA nêu khuyến nghị, các cơ quan chức năng nên lấy ý kiến của nhóm yếu thế trước khi ban hành bộ quy tắc chung, nhằm đảm bảo tính thực tế vào tạo sự đồng thuận đối với nhóm công chúng đặc biệt này.