Làm thế nào để không mắc “bẫy” tin giả?

VietTimes -- Từ lâu, tin giả đã xuất hiện và tổn tại bên cạnh những thông tin chính thống, được kiểm duyệt. Khi công nghệ ngày càng phát triển, sự xuất hiện của tin giả không chỉ khiến dư luận hoang mang mà còn để lại nhiều hệ lụy khó lường.
Ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn Xã Việt Nam trao đổi với VietTimes (Ảnh: Minh Thúy)
Ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn Xã Việt Nam trao đổi với VietTimes (Ảnh: Minh Thúy)

Thông tin trên được ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn Xã Việt Nam cho biết tại hội thảo “Chính sách nào để ứng phó với tin giả, thông tin không chính xác?” do Hội Truyền thông Số Việt Nam tổ chức chiều nay, 23/12.

Người tung tin giả có nhiều mục đích khác nhau

Theo ông Minh, những người tung tin giả có nhiều mục đích khác nhau. Họ có thể cung cấp tin giả để kiếm lời tử nội dung quảng cáo, bôi nhọ các tổ chức, cá nhân, thậm chí làm nhiễu các thông tin chính thống, khiến các cơ quan truyền thông đại chúng mất uy tín. Nhiều người tung tin giả chỉ vì vui.

Cùng với đó, một bộ phận người dân chưa ý thức được việc tung tin giả, tác hại của tin giả, cho rằng tin giả là vấn đề không đáng quan tâm. Có thể thấy, người dân vẫn chưa đủ thông minh để không “mắc bẫy” tin giả.

Trong 3 năm qua, tin giả đã và đang lan truyền một cách rộng rãi, khó phát hiện. Thực tế, không ít các cơ quan báo chí đã đăng nhầm tin giả. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng bị “mắc bẫy” tin giả.

Điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách của các quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đáng lo ngại hơn cả, một bộ phận người dân có trình độ, ý thức, tiếp thu công nghệ hiện đại, nhưng lại phát tán tin giả.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo 

Hiện, công nghệ ngày càng hiện đại, đã có những phần mềm viết tin tự động như OpenAI – có thể viết tin tự động, rất khó xác định được tin sản xuất ra là do người viết hay do máy viết. Chỉ cần đưa ra một số keyword (từ khóa), hệ thống này có thể tự động tạo ra video mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Mới đây, Facebook đã phát hiện và đóng cửa một loạt tài khoản sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những ID giả, khuôn mặt không hề có thật trên thế giới.

Chủ động ứng phó với tin giả  

Để ứng phó hiệu quả với tin giả, các chính trị gia, tổ chức cần đưa ra một khung pháp lý, đồng thời, có trách nhiệm để quản lý tin giả. Facebook đã phải tuyển dụng đội ngũ để kiểm duyệt, google thay đổi thuật toán. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, cảnh báo tin giả, phải có hệ thống bài bản, kiểm chứng thông tin.

“Ở bất kỳ thời điểm nào, tin giả cũng được tạo ra để phục vụ những người có nhu cầu. Ngày nay tin giả đã và đang trở thành một trận chiến khi tin giả dần trở thành một hệ thống đi thẳng vào nhận thức của người dân. Nếu tin giả bị tận dung vào các vấn đề chính trị có thể gây ra những hậu quả khôn lường khi công nghệ hiện đại có thể viết được hàng triệu thông tin giả mỗi ngày với nhiều mức độ thuyết phục khác nhau.” – ông Minh nói.

Do đó, các cơ quan báo chí chính thống cần đưa ra những thông tin chính xác để tạo niềm tin cho người dân, đồng thời, chủ động ngăn chặn tin giả. Bởi nhiều thông tin trên báo chí không khác gì tin giả khi vội vàng đăng tải, chưa được thẩm định. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do cuộc chạy đua về tính thời sự, tốc độ trong quá trình đưa tin.

Ngoài ra, tin giả được sản xuất vô cùng tinh vi, những người sản xuất tin giả có nghiên cứu rõ ràng chỉ ra lý do vì sao con người bị mắc bẫy tin giả.

Nếu không cảnh giác, phát huy vai trò của báo chí để đưa ra thông tin chính xác, trung thực, đa chiều, có kiểm chứng thì sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường.