Làm sao để đến được điểm “hạnh phúc”?

Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến đồng thời đạt được các cân bằng bên trong và cân bằng bên ngoài, gọi là điểm “hạnh phúc”, chưa bao giờ bị thách thức như hiện nay.
Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng. Trong ảnh: Người lao động tại một ngày hội việc làm. Ảnh: Thành Hoa
Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng. Trong ảnh: Người lao động tại một ngày hội việc làm. Ảnh: Thành Hoa

Cân bằng bên trong

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2015 đạt mức bình quân 5,9% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong những năm cuối thời kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn được đánh giá là dưới tiềm năng (khoảng 7-7,2%) và không thực sự bền vững.

Các động lực và dư địa cho tăng trưởng trong giai đoạn tới không còn nhiều và đòi hỏi cần phải có những quyết sách đột phá mới có thể giải phóng được hoàn toàn các tiềm năng cho đầu tư và phát triển.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 là 2,3%. Con số này thấp một cách lý tưởng, đến mức không thực tế, không đáng tin cậy, không tương quan gì với chu kỳ kinh tế đầy biến động trong hơn thập niên qua. Nếu căn cứ vào số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngưng hoạt động hàng năm từ 50.000-70.000 doanh nghiệp thì khả năng tỷ lệ thất nghiệp cao hơn rất nhiều.

Lạm phát tăng cao đạt mức đỉnh điểm gần 20% vào các năm 2008 và 2011 là rất đáng ngại. Lạm phát cao là kết quả của tốc độ tăng cung tiền nhanh hơn tốc độ tăng cầu tiền (biểu hiện bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thực). Tuy nhiên mức độ biến thiên của lạm phát quá cao mới thực sự đáng ngại hơn.

Trong giai đoạn 2001-2006, độ lệch chuẩn của lạm phát chỉ 2,3%, nhưng đến giai đoạn 2007-2011, độ lệch chuẩn đã tăng lên gần 7,5%. Lạm phát từ năm 2012 đến nay đã hạ nhiệt đáng kể nhưng độ biến thiên lạm phát vẫn còn cao hơn so với giai đoạn 2001-2006. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ căn cứ vào lạm phát dự kiến như một biến số để lập kế hoạch kinh doanh nhưng khi lạm phát biến động không thể dự báo trước sẽ khiến cho môi trường kinh doanh trở nên bấp bênh và đầy rủi ro. Một khi các doanh nghiệp không thể hoạch định được chiến lược phát triển dài hơi mà chỉ có những kế hoạch kinh doanh ngắn hạn từng năm sẽ càng có nguy cơ làm tăng tính chu kỳ của nền kinh tế.

Để đạt đến điểm “hạnh phúc” trong năm năm tới là không hề dễ dàng, nhưng đạt một trong hai mục tiêu cân bằng bên trong hay bên ngoài không phải là không có cơ sở mặc dù rất thách thức.

Lãi suất cao đã khiến cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, nhưng ngay cả khi phải trả lãi suất cao như vậy thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay được vốn. Nguồn vốn chủ yếu chảy vào khu vực doanh nghiệp nhà nước do được bảo lãnh của Chính phủ một cách chính thức hoặc ngầm định, hoặc/và chảy vào khu vực phi sản xuất, chẳng hạn như bất động sản và chứng khoán, những nơi mà nhiều người cho rằng việc tìm kiếm lợi nhuận là quá dễ dàng trong khi rủi ro không được phản ánh tương xứng. Chưa kể việc đầu cơ vào bất động sản sẽ làm giá bất động sản tăng lên, kéo theo giá thuê đất và mặt bằng kinh doanh cũng tăng. Giá thuê đất và mặt bằng kinh doanh tăng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và do vậy làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế xuống. Trong khi đó, đối với nền kinh tế thực, nếu doanh nghiệp có được tỷ suất lợi nhuận thực 8-10% thì đã là thành công lớn. Lãi suất quá cao có thể khiến cho doanh nghiệp bỏ khu vực sản xuất, chuyển sang nền kinh tế đầu cơ và tìm kiếm đặc lợi.

Cán cân ngân sách tiếp tục bị thâm hụt nghiêm trọng, khiến cho nợ công tiếp tục gia tăng, tiệm cận trần nợ công mà Quốc hội cho phép. Các khoản thanh toán nợ hàng năm đang lấy đi một phần đáng kể chiếc bánh ngân sách hàng năm vốn đã rất eo hẹp, phần còn lại sau khi trang trải chi tiêu thường xuyên, mà hiện cũng đang có xu hướng tăng lên, không còn đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển khiến cho Chính phủ buộc phải đi vay nợ mới.

Việc đảo nợ đang làm cho bức tranh tài khóa trở nên ngày càng kém lành mạnh hơn. Điều đáng lưu ý là, chính thâm hụt và nợ công tăng cao đã khiến cho mặt bằng lãi suất của nền kinh tế thường xuyên duy trì ở mức cao. Lãi suất cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, giảm đầu tư của tư nhân (các nhà kinh tế gọi đây là hiện tượng chèn lấn đầu tư tư nhân). Điều này hàm ý rằng, nếu muốn giảm lãi suất căn cơ thì ngân sách phải chủ động thắt lưng buộc bụng, chứ không thể dồn hết trách nhiệm lên vai chính sách tiền tệ.

Trong một nền kinh tế, tổng tiết kiệm sẽ bằng tổng đầu tư. Đối với Việt Nam, tiết kiệm nội địa không đủ tài trợ cho đầu tư và do vậy phải vay thêm bên ngoài. Điều này được thể hiện ở tình trạng thâm hụt thương mại hàng năm và nguồn bù đắp chính là dòng vốn nước ngoài ròng. Tuy nhiên, tiết kiệm nội địa thấp không có nghĩa là khu vực tư nhân có tiết kiệm âm, thay vào đó chính khu vực chính phủ mới là khu vực bị thâm hụt tiết kiệm. Nói khác đi, tiết kiệm tư nhân không đủ bù đắp cho thâm hụt tiết kiệm của Chính phủ, và do vậy buộc phải vay thêm từ bên ngoài. Điều này cho thấy rằng, giải pháp để tái cân bằng tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế, một lần nữa, cũng phải xuất phát từ chính khu vực chính phủ.

Cân bằng bên ngoài

Thâm hụt cán cân thương mại ngày càng lớn và đặc biệt là có sự thiên lệch trong cán cân thương mại giữa các nước đối tác khác nhau. Trong khi Việt Nam chịu thâm hụt thương mại với các nước có trình độ phát triển tương đương hoặc cao hơn đôi chút (như Trung Quốc, các nước ASEAN) thì Việt Nam lại có được thặng dư thương mại với các nước phát triển (Mỹ, EU). Do các nước có cùng trình độ phát triển tương đối với Việt Nam có cấu trúc nền kinh tế và sản phẩm sản xuất gần với Việt Nam hơn so với các nước phát triển nên sự cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước này là rất lớn thay vì các nước phát triển - vốn đã ở một cấu trúc sản phẩm sản xuất rất khác. Việc Việt Nam nhập siêu từ các thị trường có trình độ phát triển kinh tế tương đương, đặc biệt là Trung Quốc, phần nào cho thấy năng suất và do đó là sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là rất thấp.

Theo quy luật, thâm hụt thương mại sẽ khiến cho tỷ giá có xu hướng tăng lên, tức đồng nội tệ sẽ dần bị mất giá so với đồng ngoại tệ để giúp cho nền kinh tế lấy lại vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, lo ngại lạm phát khiến cho việc điều chỉnh tỷ giá thường quá thận trọng. Kết quả là đồng tiền bị định giá cao với sự tích tụ ngày càng lớn bởi chênh lệch lạm phát trong nước so với lạm phát đồng đô la Mỹ ngày càng giãn ra. Đồng tiền bị định giá cao, một mặt khiến cho sức cạnh tranh của nền kinh tế bị suy yếu, mặt khác tạo cơ hội đầu cơ và kinh doanh chênh lệch giá trên thị trường ngoại tệ, gây bất ổn vĩ mô. Cho đến gần đây, khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá mới, thị trường ngoại hối đã tương đối ổn định trở lại. Tuy nhiên, chính sách lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0% đang làm cho dòng ngoại tệ có xu hướng chảy ra nước ngoài, ảnh hưởng đến cân đối cung cầu ngoại tệ trong ngắn hạn, trong khi những mất cân đối dài hạn bên ngoài vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Thâm hụt thương mại đòi hỏi phải được bù đắp bởi vay nợ nước ngoài, mà biểu hiện của nó chính là sự dịch chuyển dòng vốn nước ngoài vào để nắm giữ các tài sản trong nước. Việc dòng vốn nước ngoài đổ vào có thể giúp cân đối được cung - cầu ngoại tệ trong ngắn hạn, nhưng bản chất của dòng vốn vào chính là một khoản nợ phải trả cho người nước ngoài. Chính vì vậy, mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên do dòng vốn vào lớn (thay vì thặng dư thương mại) nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài. Việc gia tăng dự trữ ngoại hối trong ngắn hạn có thể giúp làm tăng năng lực hấp thụ rủi ro hối đoái của nền kinh tế cũng như tăng khả năng bình ổn tỷ giá, nhưng chi phí của tích trữ ngoại hối cũng không hề nhỏ.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào, các khoản chuyển giao vãng lai ròng cũng góp phần tái cân bằng cán cân vãng lai của Việt Nam. Phần lớn các khoản chuyển giao vãng lai ròng này là nguồn kiều hối do thân nhân của người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về. Chúng ta cần hiểu rằng, mặc dù nguồn kiều hối này có giá trị lớn và mang ý nghĩa vượt trên những lợi ích kinh tế thuần túy, nhưng nếu chỉ trông mong vào khoản này để phát triển đất nước thì sẽ không bao giờ bền vững cả.

Ngược lại, các khoản thu nhập đầu tư chuyển ra nước ngoài ngày càng tăng trên cán cân vãng lai chính là biểu hiện của việc các doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển lợi nhuận kiếm được ở Việt Nam về nước. Theo cách tính GDP, giá trị sản lượng cuối cùng mà các doanh nghiệp nước ngoài làm ra ở Việt Nam sẽ được tính vào GDP của Việt Nam nhưng lợi nhuận có thể được các doanh nghiệp này chuyển về nước của họ. Chính vì vậy, việc quá chú trọng vào thành tích tăng trưởng GDP có thể khiến cho chúng ta quá chú trọng vào việc thu hút vốn FDI hay ngộ nhận về những đóng góp của thành phần này đối với tăng trưởng kinh tế của các địa phương cũng như của Việt Nam.

Một vài hàm ý chính sách

Các nỗ lực bình ổn vĩ mô của Chính phủ dù đạt được một số thành quả quan trọng nhưng trạng thái vĩ mô liên tục dịch chuyển từ điểm này sang điểm khác, khiến chưa bao giờ đạt được điểm “hạnh phúc”. Để đạt đến điểm “hạnh phúc” trong năm năm tới là không hề dễ dàng, nhưng đạt một trong hai mục tiêu cân bằng bên trong hay bên ngoài không phải là không có cơ sở mặc dù rất thách thức.

Thứ nhất, để đạt được cân bằng bên trong, Việt Nam cần theo đuổi chính sách khuyến khích gia tăng chi tiêu nội địa. Tuy nhiên, tăng chi tiêu nội địa không nhất thiết phải tăng chi tiêu công, thay vào đó, cắt giảm thuế là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh Việt Nam. Việc cắt giảm thuế còn khuyến khích tăng chi tiêu và đầu tư tư nhân, giải phóng nguồn lực đang tích tụ lớn ở khu vực công và giảm chèn lấn tư nhân. Đối với chính sách tiền tệ, Việt Nam cần thực thi chính sách nới lỏng có kiểm soát, áp dụng biện pháp “nới lỏng kỹ thuật”, giảm biến thiên lạm phát, ngăn ngừa tăng kỳ vọng lạm phát; đồng thời có chính sách điều hướng vốn ưu tiên cho nền kinh tế thực, giảm tài trợ cho khu vực kinh tế tiền tệ, đầu cơ.

Thứ hai, để đạt được cân bằng bên ngoài, Việt Nam cần tiếp tục lộ trình định giá lại đồng nội tệ. Tình trạng đồng tiền vẫn bị định giá cao khiến cho không chỉ hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn mà các nhà sản xuất nội địa cũng gặp bất lợi trước làn sóng hàng nhập khẩu. Để giảm áp lực lên giá thực của đồng nội tệ, một mặt Việt Nam cần tiếp tục duy trì lạm phát ở mức thấp so với các nước khác, mặt khác điều chỉnh linh hoạt tỷ giá danh nghĩa nhằm đảm bảo cân bằng thị trường tài sản (tiền tệ và ngoại hối). Giảm chi tiêu công cũng là một cách giảm áp lực nhập siêu, mất cân bằng bên ngoài.

(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Theo TBKTSG