Lạm phát Mỹ lập kỷ lục 40 năm: CPI tháng 6 tăng 9,1%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lạm phát ở Mỹ trong tháng 6 đã tăng tốc vượt mức dự báo, diễn biến cho thấy sức ép giá cả liên tục có thể khiến Fed phải tăng lãi suất vào cuối tháng này.
CPI tăng cao ở Mỹ gây sức ép cho Fed phải tiếp tục tăng tỷ lệ lãi suất (Ảnh: Bloomberg)
CPI tăng cao ở Mỹ gây sức ép cho Fed phải tiếp tục tăng tỷ lệ lãi suất (Ảnh: Bloomberg)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 1981, theo dữ liệu mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/7.

Lạm phát tăng 1,3% so với tháng trước, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2005, phản ánh lại giá xăng và thực phẩm tăng cao hơn.

Các chuyên gia kinh tế trước đó đưa ra dự báo mức tăng 1,1% so với tháng 5 và mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dựa trên nghiên cứu của Bloomberg. Đây là tháng thứ tư liên tiếp mà chỉ số lạm phát tăng vượt mức dự báo.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI) tăng 0,7% so với tháng trước và 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng vượt mức dự báo.

Những con số nóng bỏng về lạm phát một lần nữa cho thấy rõ rằng sức ép giá cả đang tăng mạnh và lan rộng khắp nền kinh tế Mỹ, và tiếp tục làm giảm sức mua cũng như niềm tin của các nhà đầu tư. Diễn biến này sẽ khiến giới chức Fed tiếp tục duy trì một chính sách thắt chặt tiền tệ, và gây sức ép cho chính quyền Tổng thống Joe Biden cùng các đảng viên Dân chủ - những người mất dần sự ủng hộ của họ đối với ông Biden ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Mặc dù nhiều nhà kinh tế học cho rằng những con số trên đã là chỉ số cao nhất, nhưng một số nhân tố như nhà ở vẫn sẽ khiến cho sức ép về giá gia tăng trong khoảng thời gian lâu hơn. Các rủi ro về địa chính trị, như lệnh phong tỏa chống COVID-19 ở Trung Quốc hay cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng gây ra nhiều rủi ro cho các chuỗi cung ứng và viễn cảnh lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách ở Fed đã đánh tín hiệu về đợt tăng tỷ lệ lãi suất 75 điểm cơ bản, lần thứ hai, vào cuối tháng này trong bối cảnh lạm phát và đà tăng lương tiếp tục tăng. Ngay cả trước khi dữ liệu mới được công bố, giới thương nhân đã dự báo trước về mức tăng 3/4 điểm phần trăm trong tháng 7.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu cho hộ gia đình tiếp tục tăng mạnh hơn so với tháng trước. Giá khí đốt tăng 11,2% so với tháng 5 năm nay. Giá các dịch vụ năng lượng, bao gồm điện và khí tự nhiên, tăng 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 1% và 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1981.

Giá thuê nơi cư trú chính ở Mỹ tăng 0,8% so với tháng 5, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 1986. Giá thuê nhà nói chung – vốn là dịch vụ chiếm tới 1/3 tổng CPI – tăng 0,6% so với tháng trước đó.

Mặc dù doanh số bán nhà đã giảm trong những tháng gần đây do giá cao, các chuyên gia kinh tế vẫn dự báo về mức lạm phát giá cho thuê nhà tiếp tục tăng bởi cần có thời gian để sự thay đổi giá thuê ăn nhập với CPI.

Giá thuê khách sạn và giá vé máy bay, cùng với giá thuê xe hơi, lại giảm trong khoảng tháng 5 đến tháng 6 năm nay, sau mức tăng lịch sử trong những tháng trước đó.

Theo Bloomberg