Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy hiệu quả chống dịch phụ thuộc rất lớn vào việc truy vết kịp thời, đầy đủ, và chính xác các trường hợp F1 đã tiếp xúc gần với bệnh nhân F0. Đặc biệt, với chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, thì việc truy vết kịp thời là đặc biệt quan trọng.
Hiện nay, việc truy vết bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 chủ yếu dựa trên 2 phương pháp:
Phương pháp thứ nhất dựa vào sự tự nguyện khai báo lịch sử đi lại của bệnh nhân F0 và các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân F0. Một mặt, các cơ quan chức năng sẽ khoanh vùng các cá nhân có mặt tại các khu vực mà bệnh nhân F0 có đi qua. Mặt khác, thông tin về lịch sử đi lại của bệnh nhân F0 sẽ được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các cá nhân có mặt ở khu vực đó tự nguyện khai báo với cơ quan y tế. Trên cơ sở đó, sẽ xác định được các trường hợp F1, F2, v.v… để khoanh vùng, cách ly.
Tuy nhiên, phương pháp thứ nhất phụ thuộc rất lớn vào trí nhớ và ý thức tự giác của người dân. Nếu như bệnh nhân F0 không trung thực khai báo lịch sử đi lại, các trường hợp tiếp xúc gần không tự giác thông tin đến cơ quan y tế, thì việc truy vết để cách ly sẽ cực kỳ khó khăn.
Mặt khác, trí nhớ của con người có giới hạn. Ít người có thể để tâm và ghi nhớ cụ thể trong 14-21 ngày trước khi phát bệnh đã đi những đâu, giao tiếp, gặp gỡ những ai, v.v…
Toàn dân phải tích cực phòng chống Covid-19 |
Vì vậy, song song với phương pháp thứ nhất, nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng phương pháp thứ hai - truy vết bằng các ứng dụng công nghệ. Các phần mềm cài đặt trên điện thoại di động thông minh mà mỗi người dân mang theo bên mình sẽ giúp phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần, hỗ trợ đáng kể cho việc truy vết các trường hợp F1, F2, v.v… của bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Những ứng dụng như Bluezone là một giải pháp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiệu quả bảo vệ của Bluezone phụ thuộc rất lớn vào số lượng người cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cá nhân.
Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi Bluezone trên qui mô toàn dân vấp phải 2 rào cản lớn. Thứ nhất là nhiều đối tượng là người già, không thông thạo sử dụng điện thoại di động thông minh sẽ khó nắm bắt cách cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Thứ hai là người dân thường lo ngại nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, lịch trình di chuyển, ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bản thân khi sử dụng ứng dụng Bluezone.
Tính đến ngày 1/02/2021, có 27 triệu lượt tải ứng dụng này. Theo ước tính của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, để Bluezone đạt được hiệu quả bảo vệ cho cả cộng đồng, cần có ít nhất 50 triệu người Việt Nam cài đặt. Nếu như chỉ tuyên truyền, vận động, trông đợi vào ý thức tự giác của người dân thì sẽ rất khó để đạt được con số này.
Để giải quyết vấn đề này, cần tạo ra động cơ mạnh mẽ hơn. Có một ví dụ của nước ngoài mà Việt Nam tham khảo, mặc dù nó không liên quan gì đến ứng dụng truy vết: Đó là việc khuyến khích người dân lấy hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) khi mua hàng. Việc người mua hàng yêu cầu người bán hàng phải xuất hóa đơn VAT là một phương thức để chống thất thoát thuế cho nhà nước. Nhưng thông thường, nhiều người không có động lực đáng kể nào để yêu cầu xuất hóa đơn VAT.
Có quốc gia đã có sáng kiến tổ chức “Xổ số hóa đơn”. Trên mỗi hóa đơn VAT sẽ có một dãy số may mắn. Các kỳ quay số trúng thưởng sẽ được tổ chức định kỳ. Khách hàng giữ lại hóa đơn VAT sau khi mua hàng sẽ có cơ hội trúng thưởng số tiền rất lớn. Vì vậy, họ sẽ yêu cầu hóa đơn VAT từ người bán hàng, giúp nhà nước tránh bị thất thu tiền thuế. Số tiền thuế thu được thường vượt gấp nhiều lần số tiền làm giải thưởng “Xổ số hóa đơn”. Nhà nước không mất gì, mà còn thu thêm được nhiều thuế.
Nếu như việc cài đặt ứng dụng Bluezone được thực hiện kèm với phát hành sổ xố thì sẽ có nhiều người tham gia hơn |
Trong trường hợp của ứng dụng Bluezone, mục tiêu của nhà nước cũng là có được ít nhất 50 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng. Để đạt được mục tiêu này, có thể nghiên cứu phương thức “Xổ số Bluezone”: Người nào cài đặt ứng dụng Bluezone hoặc giới thiệu người khác cài đặt Bluezone sẽ có một mã số may mắn. Người nào bật ứng dụng Bluezone trong thời gian nhất định cũng sẽ có thêm mã số may mắn.
Định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức quay số trúng thưởng, với giải thưởng được lấy từ ngân sách chống dịch. Giả sử kì quay số được tổ chức định kỳ mỗi tuần, với giải thưởng là 100 triệu đồng/kỳ quay số, thì ngân sách dành cho “Xổ số Bluezone” cũng chỉ hơn 5 tỷ đồng/tháng, trong khi có thể thu hút được rất nhiều người cài đặt và sử dụng ứng dụng này.
Mô hình này cũng tương tự như cách các ứng dụng ví điện tử ở Việt Nam hiện nay phát triển số lượng người dùng bằng cách khuyến mại và thực tế đã cho thấy các ứng dụng ví điện tử này đã đạt được thành công rất lớn. Ngoài “Xổ số Bluezone”, có thể áp dụng thêm nhiều hình thức khuyến khích khác, như tặng thêm dung lượng mạng di động tốc độ cao, voucher giảm giá dịch vụ, v.v… cho các tài khoản cài đặt và sử dụng Bluezone.
Bằng cách này, chỉ với một ngân sách không lớn (từ vài tỉ đồng đến khoảng vài chục tỉ đồng), có thể gia tăng đáng kể số người cài đặt ứng dụng Bluezone. Quan trọng hơn, phương pháp này có thể khuyến khích việc sử dụng ứng dụng Bluezone một cách thực chất, gia tăng hiệu quả truy vết khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.