Lại lùm xùm vụ kiện bản quyền show diễn thực cảnh trăm tỉ

VietTimes – Sáng nay, 18/11, TAND Cấp cao Thành phố Hà Nội đã tuyên tạm ngưng đưa ra kết quả phúc thẩm vụ  kiện bản quyền show diễn thực cảnh trăm tỉ đang tranh chấp giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú.
Tối qua, trên mạng xã hội vừa rò rỉ một clip chi tiết tố cáo đạo diễn Việt Tú phái sinh tác phẩm từ những vở diễn có trước
Tối qua, trên mạng xã hội vừa rò rỉ một clip chi tiết tố cáo đạo diễn Việt Tú phái sinh tác phẩm từ những vở diễn có trước

Quá rắc rối vụ án bản quyền

Lý do tạm ngưng tuyên kết quả phiên phúc thẩm sáng nay là để xem xét các chứng cứ mà theo kháng cáo của bên nguyên là đã bị bỏ qua trong quá trình xét xử, nhằm làm rõ thêm vụ “Tranh chấp Quyền Sở hữu Trí tuệ giữa Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Việt Tú là Giám đốc.

Trước đó, ngày 15/11, TAND Cấp cao TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của Công ty Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú liên quan tới vở diễn "Ngày xưa" và “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Lật lại sự việc như sau: Tháng 3/2015, nhà đầu tư ký hợp đồng với Công ty TNHH thiết kế kiến trúc và tạo lập khung cảnh Sống Việt để thiết kế, lập quy hoạch “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu giai đoạn 1”, trong đó có hạng mục “Thực cảnh múa rối nước”.

Cảnh trong vở diễn đậm chất Việt
Cảnh trong vở diễn đậm chất Việt

Ngày 16/11/2015 nhà đầu tư ký hợp đồng thuê  Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do ông Nguyễn Việt Tú làm Tổng giám đốc, để  tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh “Ngày xưa”.

Quá trình triển khai hợp đồng không như mong đợi, show diễn “Ngày xưa” sau vài lần công diễn thì bị dẹp bỏ. Công ty Tuần Châu Hà Nội cho biết đã hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán, trả cho đạo diễn Việt Tú hơn 7 tỷ đồng, tuy nhiên, phía Công ty DS không bàn giao bản quyền tác phẩm, mà tự ý đăng ký chủ sở hữu quyền tác giả trái phép đối với kịch bản "Ngày Xưa" khi chưa nhận được sự đồng ý của Công ty Tuần Châu Hà Nội.

Sau khi Công ty Tuần Châu Hà Nội ký kết hợp đồng thuê đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam dàn dựng vở “Tinh hoa Bắc Bộ”, thì đạo diễn Việt Tú khởi kiện ra tòa, đòi Công ty Tuần Châu Hà Nội phải trả cho đạo diễn Việt Tú tiền bản quyền do “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”?

Tại bản án sơ thẩm tuyên tháng 3/2019, TAND Hà Nội xác định quyền sở hữu vở diễn thuộc về Tuần Châu Hà Nội, còn quyền tác giả duy nhất thuộc về đạo diễn Việt Tú. Tòa tuyên Công ty Tuần Châu Hà Nội phải trả cho Công ty DS hơn 600 triệu đồng do “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”.

Cảnh trong vở diễn
Cảnh trong vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ"

Công ty Tuần Châu Hà Nội sau đó khởi kiện, đòi DS chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm và bồi thường hơn 6 tỷ đồng chi phí thuê bên thứ ba dựng tác phẩm khác, cùng chi phí thuê luật sư.

Phía DS cũng phản tố, đề nghị tòa chấp nhận tác phẩm mà Tuần Châu Hà Nội thuê công ty khác dựng có tên “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”, cũng như yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội bồi thường thiệt hại.

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo của nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội và bị đơn là Công ty DS của đạo diễn Việt Tú. 

Trong kháng cáo, Công ty Tuần Châu Hà Nội yêu cầu tòa án công nhận “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm độc lập, không phải là phái sinh vở diễn “Ngày xưa” của Việt Tú.

Công ty Tuần Châu Hà Nội cho rằng cấp sơ thẩm căn cứ điều 202, 205 Luật Sở hữu trí tuệ nhưng lại bỏ quên quy định tại khoản 8 điều 4 cùng Luật này khi tuyên "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh. Viện dẫn quy định điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (định nghĩa về tác phẩm phái sinh), luật sư cho rằng  "Tinh hoa Bắc Bộ" không phải tác phẩm phái sinh.

Luật sư đại diện cho Công ty Tuần Châu Hà Nội cho rằng HĐXX sơ thẩm đã bỏ quên công văn 295 của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) với nội dung trả lời DS về việc đề nghị hủy giấy chứng nhận tác giả với  "Tinh hoa Bắc Bộ" do không đáp ứng khoản 3 điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ nghĩa. Nhưng Cục này trả lời có căn cứ cho thấy chưa đủ điều kiện hủy giấy chứng nhận tác giả với "Tinh hoa Bắc Bộ" của đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam, vì chưa đủ cơ sở cho rằng đây là tác phẩm phái sinh, có sao chép.

Trong phiên phúc thẩm, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại giám định vở diễn tại Hội Nghệ sĩ sân khấu, mà không phải là kết quả giám định của Cục Bản quyền – cơ quan có đủ thẩm quyền kết luận về bản quyền tại Việt Nam? Văn bản giám định tại Hội Nghệ sĩ sân khấu do đạo diễn Việt Tú đưa lên trang cá nhân trước đó không hề có đóng dấu của Hội Nghệ sĩ sân khấu, nên có thể coi là có tính pháp lý?  

Liên quan đến bản quyền hai vở diễn, đã có các vụ kiện đan chéo nhau, đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam cũng đã khởi kiện ta tòa về việc bị đạo diễn Việt Tú bôi nhọ danh dự.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam (áo trắng) kiện đạo diễn Việt Tú (áo đen) tội bôi nhọ danh dự
Đạo  diễn Hoàng Nhật Nam (áo trắng) kiện đạo diễn Việt Tú (áo đen) tội bôi nhọ danh dự 

Những yếu tố bất ngờ

Trong quá trình xét xử vụ án, phía đạo diễn Việt Tú đã chiếu một clip những điểm được cho là giống nhau giữa “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Ngày xưa” để chứng minh trước HĐXX rằng “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”.

Nhưng tối qua 17/11, trên mạng xã hội rò rỉ một clip đưa ra những dẫn chứng tố cáo chính đạo diễn Việt Tú phái sinh “Ngày xưa” từ nhiều tác phẩm khác của các đạo diễn trong và ngoài nước đã công diễn trước đó.

Cụ thể, clip này chỉ ra chi tiết thủy đình nổi lên từng được Việt Tú cho rằng “Tinh hoa Bắc Bộ” đã sử dụng có thủy đình nổi lên và đây là ý tưởng sáng tạo của Việt Tú, đã sử dụng trong “Ngày xưa”, chưa từng xuất hiện trước đó.

Tuy nhiên, thực tế mô hình thủy đình nổi lên này đã từng xuất hiện nhiều nhiều show diễn thực cảnh trên thế giới. Gần nhất là show diễn mang tên “The house of dancing water” của đạo diễn Franco Dragone tại Macau ra đời từ năm 2011. Rõ ràng ý tưởng thủy đình nổi lên này không phải là sáng tạo hay chưa từng xuất hiện như Việt Tú tự nhận mà đều phái sinh của các tác phẩm có trước của thế giới.

Về xây dựng thủy đình, không phải bởi Việt Tú mà do nhà đầu tư bỏ tiền ký kết hợp đồng thiết kế và thi công với đối tác Trung Quốc trước thời điểm ký hợp đồng với đạo diễn Việt Tú, vì thế nó thuộc về sở hữu của nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư đưa bằng chứng về việc ý tưởng thủy đình nổi lên đã dàn dựng trong nhiều show diễn
Nhà đầu tư đưa bằng chứng về việc ý tưởng thủy đình nổi lên đã dàn dựng trong nhiều show diễn

Việt Tú cho rằng “Tinh hoa Bắc Bộ” phái sinh đám rước kiệu của “Ngày xưa”. Theo kịch bản “Ngày xưa” thể hiện đám rước vinh quy bái tổ, đó là câu chuyện tình xuyên suốt vở diễn của đôi trai gái yêu nhau từ thưở còn hàn vi. Khi thành quan trạng, anh chồng trở về bái tổ quê rước vợ lên võng. Đó là một đám rước nghiêm cẩn theo thông lệ của triều đình xưa, có lễ vật, có võng để người vợ ngồi lên.

Trong khi ở “Tinh hoa Bắc Bộ”, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của vở diễn lại là nhân vật Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lấy ý tưởng từ nghi lễ rước kiệu bay trong hội làng Phượng Vũ, Thái Bình – nơi cũng gắn với huyền tích Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Và ý tưởng rước kiệu là một nghi lễ quen thuộc ở các làng quê Bắc Bộ không phải sáng tạo riêng của đạo diễn Việt Tú. Từ chất liệu dân gian các đạo diễn sẽ áp dụng hình thức dàn dựng và hình thức có sự khác nhau theo kịch bản và cách bố trí đội hình.

Việt Tú cho rằng “Tinh hoa Bắc Bộ” phái sinh khi sử dụng diễn viên nông dân đã từng góp mặt trong “Ngày xưa”. Clip này chỉ ra, ý tưởng biến người nông dân thành diễn viên biểu diễn không phải sáng tạo của Việt Tú và đã được xuất hiện rất lâu trước đó với mô hình biểu diễn thực cảnh giới thiệu văn hóa địa phương tới dự khách nhiều nước trên thế giới.

Công ty Tuần Châu Hà Nội đưa căn cứ chứng minh
Công ty Tuần Châu Hà Nội đưa căn cứ chứng minh "Tinh hoa Bắc Bộ" là vở diễn độc lập, với nội dung liên quan chặt chẽ đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Ở Trung Quốc đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng thực hiện các vở thực cảnh với diễn viên là nông dân trong series “Ấn tượng”.  Ở Việt Nam, cách đây nhiều năm, biên đạo Thủy Esola từng làm vở múa “Hạn hán và cơn mưa” gồm mấy trăm người nông dân Việt, đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Tác phẩm phái sinh khác với việc copy, “đạo” một tác phẩm của tác giả khác như thế nào? Tác phẩm phái sinh có tính pháp lý hay không?

Quá nhiều câu hỏi đặt ra mà ngay chính những người làm nghệ thuật, nhiều khi do lơ mơ, thiếu hiểu biết pháp luật, cũng không lường hết. Rất cần một Hội đồng giám định công tâm chứ không phải chỉ có kết luận cảm tính và thiếu pháp lý hoặc thậm chí mang tính quen biết cá nhân để phán xử về số phận của một tác phẩm.

Show diễn thực cảnh trị giá hàng trăm tỉ đồng tất nhiên là một “món hàng” béo bở dễ dẫn đến tranh chấp. Tuy nhiên, để đầu tư hàng trăm tỉ đồng để cho ra đời một show diễn văn hóa thì ở Việt Nam cũng mới chỉ có một show đã được dàn dựng tại phía Bắc và một show được dàn dựng tại miền Trung - "Ký ức Hội An".

Thật đáng tiếc cho một hợp tác văn hóa, mới vừa nhen nhóm đã sớm lụi tàn, lâm cảnh kiện tụng triền miên.

Video phân tích nhiều chi tiết, "tố" đạo diễn Việt Tú phái sinh tác phẩm của người khác