Lãi khủng như Phú Mỹ Hưng

VietTimes -- Tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Phú Mỹ Hưng đạt 12.419 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,37 lần.
Phối cảnh khu Mitown thuộc Phú Mỹ Hưng (Ảnh: Phú Mỹ Hưng)
Phối cảnh khu Mitown thuộc Phú Mỹ Hưng (Ảnh: Phú Mỹ Hưng)

Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) được thành lập năm 1993, trên cơ sở mối hợp tác liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings.

Doanh nghiệp này là chủ đầu tư 5 cụm đô thị rộng 750 ha thuộc siêu đô thị Phú Mỹ Hưng, mở đầu cho làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dù vậy, Phú Mỹ Hưng khá kín tiếng về kết quả hoạt động kinh doanh.

Theo dữ liệu của VietTimes, năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Phú Mỹ Hưng đạt 3.479 tỷ đồng, tương đương với nhiều "đại gia" bất động sản lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của Phú Mỹ Hưng đạt khoảng 29.433 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu ở mức 12.419 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1,37 lần.

Các đối tác tín dụng lớn của Phú Mỹ Hưng trong nhiều năm là những ngân hàng nước ngoài lớn như Mega International Commercial Bank Co.,Ltd, Standard Chartered Bank, hay China Trust Bank.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản này còn tìm đến nguồn vốn trái phiếu. Cụ thể, vào tháng 8/2019, Phú Mỹ Hưng đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 7 năm. Lãi suất áp dụng cho kỳ hạn đầu tiên là 8,8%/năm.

Để đảm bảo cho số trái phiếu này, Phú Mỹ Hưng đã sử dụng quyền sử dụng đất tại 2 lô đất “đất vàng” có ký hiệu “M1” và “M4” với tổng diện tích lên tới 39.884m2, địa chỉ tại xã Phú Mỹ, phường Tân Phú, Quận 7, Tp. HCM.

Tháng 3/2020, Phú Mỹ Hưng đã hoàn tất việc huy động 1.700 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu cho Công ty tài chính quốc tế IFC với mức lãi suất dao động từ 7,15% - 8,17%/năm. Số tiền này sẽ được Phú Mỹ Hưng sử dụng để phát triển Khu đô thị Phú Hưng Khang tại tỉnh Hòa Bình Trong vòng 15 - 20 năm tới.

Như VietTimes từng đề cập, chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng đã có những bước “Bắc tiến” âm thầm trong một vài năm trở lại đây. Khá bất ngờ khi doanh nghiệp vốn Đài Loan này không chọn Hà Nội, hay các đô thị lớn để đầu tư, mà lại về Hòa Bình và Bắc Ninh.

Năm 2016, Phú Mỹ Hưng đã thâu tóm dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam Hòa Bình có quy mô 405,7 ha tại tỉnh Hòa Bình. Tới tháng 8/2017, Phú Mỹ Hưng thành lập Công ty TNHH Phát triển Phú Hưng Khang (Phú Hưng Khang) đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại địa phương này.

Sau đó 1 năm, nguồn tin của Finance Asia cho biết Phú Hưng Khang đã vay 400 triệu USD, tương đương khoảng 9.300 tỷ đồng, từ nhóm ngân hàng Đài Loan, Trung Quốc và Hồng Kông nhằm “thực hiện đáo hạn một số khoản nợ hiện tại, hoạt động tài chính và phục vụ nhu cầu vốn lưu động”.

Tại Bắc Ninh, Phú Mỹ Hưng đã thâu tóm CTCP Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương (thành lập ngày 25/9/2009) là chủ đầu tư dự án Khu đô thị (KĐT) sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm.

Ngoài các dự án kể trên, Phú Mỹ Hưng cũng đã mua dự án khu sinh thái nhà vườn Sen Việt tại tỉnh Đồng Nai.

Các động thái tích lũy quỹ đất của Phú Mỹ Hưng phần nào giúp doanh nghiệp này có thêm những động lực tăng trưởng mới, nhất là khi quỹ đất tại khu đô thị từng tạo nên tên tuổi cũng tới điểm giới hạn./.