LTS: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.
Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.
Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.
“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".
Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.
“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình.
|
Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
|
Kỳ 1: Tuổi thơ êm đềm và kiêu hãnh
Kỳ 2: Nghiện lúc nào không hay
Kỳ 3: Phá xích, kéo theo mảng bê tông sàn nhà ở chân đi mua ma túy
Kỳ 4: Đào hết vườn nhà thành địa đạo để cai nghiện
Kỳ 5: Bị nhốt trên tầng nhà, thả sợi chỉ xuống mua heroin
Tôi bị nhốt trên tầng hai của nhà. Cửa gỗ đóng kín. Nhưng khóc nhiều quá, hứa quyết tâm nhiều quá, giờ tôi thấy xấu hổ. Tôi không nói gì. Tôi biết có quyết tâm bằng nào thì tôi cũng thất bại thôi.
“Hàng ngày ngửi mùi thuốc thế này thì mẹ cũng nghiện theo con, con ơi”
Hàng ngày mẹ giặt quần áo, đổ bô xú uế cho tôi. Đời tôi không bao giờ quên được câu nói đầy cam chịu của mẹ: “Cứ giặt quần áo cho thằng Tuấn thế này thì tôi cũng sinh nghiện mất thôi, ông ơi”.
Mẹ vốn sạch sẽ, tảo tần, mẹ chăm sóc tôi như sản phụ già đang chăm sóc cậu quý tử sơ sinh, mặc kệ tôi là loại người gì đi nữa. Hàng ngày, mẹ ngâm quần áo, đổ bột giặt vào, rồi phơi phóng, gấp ủi sạch sẽ cho tôi. Mùi heroin ngấm vào mồ hôi của tôi, tẩm vào trong căn phòng và quần áo. Ngày nào mẹ cũng hà hít ngửi mùi mồ hôi của cậu quý tử, dần dà mẹ sợ mình nghiện cái mùi heroin ấy.
Càng ngày tôi càng nghĩ cách xoay tiền của người thân tàn bạo hơn xưa. Mẹ bị bòn rút hết, có lần mẹ bị tôi mắng “bà giắt tiền ở cạp quần, tôi xin bà bảo hết rồi, bà giữ làm gì, hả”. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi “chửi” mẹ, nhiếc móc mẹ, nhưng ngay ngày hôm đó, sau cơn phê lòi quái dị, tôi cũng lần đầu tiên quỳ xuống lạy mẹ xin tha thứ.
Lần nào tỉnh ngộ tôi cũng quyết tâm cai, lần nào hút xong tôi cũng khóc, nhưng lần nào cũng thất bại. Vừa quyết tâm xong tôi lại hết quyết tâm.
Sau đợt ấy, bố mẹ nhốt tôi trong căn buồng tầng hai, yên tâm lắm, vì ở đó vững chãi, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bố tôi lúc đó bức xúc, đã ra “thiết quân luật” thời chiến với tôi.
Nằm bẹp trong sàn nhà, nhớ thuốc, tôi nghĩ kế dùng một sợi chỉ, buộc thòng từ tầng hai xuống dưới đường, từ đó, bạn nghiện đưa ma túy vào để tôi kéo lên.
Ma túy là thứ mà đã dính vào rồi thì thành nô lệ của nó Biết là mình biến thành con vật với các hành động điên rồ, bạo ngược, mà vẫn làm; làm rồi lại ân hận, biết vậy vẫn cứ làm. Đã dùng liều nhỏ, thì sớm muộn cũng phải dùng liều lớn hơn, chỉ có thể lớn hơn, chứ không bao giờ nhỏ đi. Các cụ đã cay đắng dạy “Ma túy ăn lên, củ mài ăn xuống” là vì như vậy.
Trong ánh mắt của cha đã thấy những buồn bã nhiều hơn. Nhiều đêm, tôi thức dậy, thấy cha ngồi trước bóng đèn lom đom như một pho tượng. Cha ngồi bất động rất lâu. Mắt tôi nhòa đi, tôi không còn phân biệt rõ thân xác đau khổ già nua của cha mình trong bóng đêm đèn dầu khuya khoắt với cái bóng của cha in trên bờ tường nữa. Cả hai đều chập chờn, đen kịt, lúc câm lặng như tượng, lúc run lên bần bật như đang khóc.
Cuộc đời của bố
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy bố mình khóc. Bao lâu nay, bố vẫn vững chãi đến mức bom rơi đạn lạc của cả một đời binh nghiệp có động được vào ông đâu. Đến nỗi, suốt đời tôi dựa vào ông, kiêu hãnh khi nghĩ về ông. Hôm ấy, tôi đã cố im lặng, dù nước mắt chảy buồn nhây nhẩy bên má, bên cổ mình. Tôi sợ đối diện với nỗi đau của bố.
Bố tôi sinh ra ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Xóm làng thanh bình với cây đa, giếng nước, sân đình. Hồi ấy, ông nội dạy chữ Nho trường làng cho các em nhỏ. Khi giặc Pháp xâm lược, ông nội rời quê nhà đi hoạt động cách mạng. Bà nội ở nhà tần tảo gánh hàng ra chợ, khi thì mớ rau, lúc con tôm, cái tép, nuôi các con khôn lớn trưởng thành, rồi dựng vợ gả chồng.
Bố tôi mới được tròn hai tuổi thì trong một đêm mưa giông, giá rét, ông nội đi công tác bí mật, mọi người trong thôn bỗng nghe tiếng trẻ gào khóc khát sữa. Chòm xóm chạy sang thì thấy bà nội tôi nằm giữa sàn nhà, còn bố đang bò lổm ngổm ngơ ngác bên người mẹ đã tắt thở lạnh ngắt từ bao giờ. Ông nội rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Phần vì thương nhớ người vợ trẻ đoản mệnh, phần vì bệnh tật, một năm sau ông cũng bỏ cha tôi ra đi mãi mãi.
Tuổi thơ của bố phải đi ở nhờ nhà các anh, các chị nghèo khó, lớn lên bằng sự cưu mang của những người hàng xóm tốt bụng. Lên bảy tuổi, bố tôi đã phải đi ở đợ cho nhà một người giàu trong thôn. Sáng sớm đi chăn trâu, tối ngủ đầu hè, dẻo tay chiến đấu với muỗi, dĩn ở vùng đất mới lấn biển cách đây chưa lâu, sống bằng những thứ cơm thừa, canh cặn người ta bỏ đi.
Năm 14 tuổi ông ra ở riêng, sáng đi chăn trâu thuê, trưa tranh thủ đi mò cua, bắt cá đổi lấy gạo ăn. Có hôm gặp cánh đồng chiêm trũng, cá rất nhiều, luồn qua từng gốc rạ sau mùa gặt, la liệt trongnhững hố chân trâu còn đọng nước, bố tôi miệt mài bắt được hai giỏ cá đầy. Thì cũng là lúc con trâu thả sức xông vào ăn lúa bên thửa ruộng người ta chưa gặt hết. Tối ấy, bố bị chủ cho nhịn cơm và đánh một trận nằm ba hôm mới dậy được.
Bố bảo, có khi từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến buổi ấy bố mới phải khóc lần thứ hai.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, bố làm liên lạc cho xã đội, được một thời gian rồi xung phong đi học Thiếu sinh quân. Rồi bố gặp mẹ qua những lần đi làm liên lạc cho xã đội. Chiến tranh ít có điều kiện về thăm nhau, nhưng hai người đã thầm yêu nhau từ dạo ấy. Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng năm 1954, bố vẫn chưa có điều kiện cưới mẹ vì quá nghèo, phần vì ngày đó mẹ còn đang đi học lớp y tá trên tỉnh. Bố tiếp tục đi học, mãi cho đến tận năm 1959, bố mới báo với tổ chức để xin phép cưới mẹ.
Cưới nhau được một tuần, bố lại phải đi chiến trường. Năm 1962, bố về phép được một tuần, rồi bố lại đi, đi biền biệt cho đến khi chị gái tôi được sinh ra, mới về thăm con được ba ngày rồi đi tiếp.
“Bố vẫn còn tin con”
Bố đi dài đến mức xóm làng đã nặng trĩu lo toan khi nhìn dáng mẹ tôi khô héo vào ra nuôi con nhỏ. Có người thở dài, bởi chiến tranh không phải trò đùa. Hồi ác liệt ấy, có khi ngót chục người đi chưa có đủ một hai người trở lại. Đằng này bố đi một mạch cho tới tận ngày nước nhà thống nhất, để mẹ tôi ở nhà một mình với biết bao những khó khăn vất vả của đất nước thời bao cấp, thời cả dân tộc thắt lưng buộc bụng chi viện cho tiền tuyến lớn. Mẹ kể, những đêm mưa giông bão tố mẹ đã thật sự sợ hãi, thật sự khóc hết nước mắt vì nỗi lo đắng lòng.
Đất nước hòa bình, bố về, rồi được chuyển về Hà Nội công tác để có thời gian gần nhà hơn. Tôi được sinh ra cùng với những khó khăn của những năm đầu đất nước được giải phóng. Năm 1983 bố nghỉ hưu, bấy giờ tôi mới 6 tuổi đầu.
Hai hàng nước mắt lã chã, bố tôi nói tiếp:
“Cuộc đời bố đã hi sinh tất cả, để đến ngày đất nước được thanh bình như hôm nay, các con được cắp sách tới trường, được khôn lớn trưởng thành để làm người có ích cho xã hội. Khi con học giỏi, con vào trường Cao đẳng học, khỏi phải nói bố đã vui đến mức nào. Nhưng đến bây giờ... có lẽ sự hi sinh của bố là vô nghĩa khi con trở thành một kẻ dặt dẹo như thế này. Con đã đánh mất cả tuổi trẻ, cả tương lai của mình. Con đã đánh mất cả niềm vui tuổi già và niềm kiêu hãnh thời trận mạc của bố...”
Tôi đã khóc như một đứa trẻ.
Bố vẫn ôm vai tôi, như hai gã đàn ông bạn bè ngồi bên bàn trà. Bất ngờ, bố nói tiếp:
“Tại vì lúc nãy bố buồn quá, chứ đời con còn nhiều cơ hội lắm, con còn trẻ. Bố chưa bao giờ hết hy vọng ở con. Bố lăn lộn chiến trường, thấy cái chết kề sát mang tai bao nhiều năm trời, chứ việc con nghiện ma túy mấy năm, bố chưa thấy có gì nguy hiểm quá cả. Bố tin là con sẽ bỏ được, nếu con thực sự có lòng thương yêu kính trọng bố mẹ.”