|
Giáo sư Chu Thành Hổ: Mỹ đã tính sai khi tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc... |
Đa chiều: Trung Quốc có những ưu thế gì trong cuộc chiến thương mại này hay trong cuộc đối đầu lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ?
Giáo sư Chu Thành Hổ: Đương nhiên Trung Quốc là một nước lớn. Trải qua mấy chục năm phát triển, Trung Quốc nay đã không còn như trước. Ưu thế của Trung Quốc chủ yếu được phản ánh trong các mặt sau:
Thứ nhất, Trung Quốc chiếm lĩnh được điểm cao đạo đức. Sau khi nhậm chức, ông Trump thực thi các khẩu hiệu “Nước Mỹ hàng đầu”, “Ưu tiên nước Mỹ”, theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, rút khỏi các tổ chức quốc tế. Cách làm của Mỹ không chỉ phá hoại trật tự quốc tế và sự ổn định chiến lược hiện có, mà còn làm tổn thương tình cảm của các đồng minh và làm suy yếu danh tiếng quốc tế của họ. Còn Trung Quốc thì chủ trương cộng đồng vận mệnh và đề xuất sáng kiến “Vành đai, con đường” đề xướng cùng kinh doanh, cùng xây dựng và cùng hưởng thụ; thúc đẩy thế giới cùng phát triển vì an ninh chung của toàn nhân loại. Từ quan điểm này, Trung Quốc chiếm được vị trí cao về mặt đạo đức, nhưng liệu có thể biến lợi thế này thành một điểm mạnh trong trò chơi đối đầu hay không lại là một vấn đề khác.
|
Ông Chu Thành Hổ: Sáng kiến “Vành đai, con đường” đã khiến Trung Quốc ghi điểm về mặt đạo đức trước Mỹ trên trường quốc tế
|
Thứ hai, Trung Quốc có ưu thế rõ ràng về thể chế. Theo thể chế của Trung Quốc, chính phủ có khả năng huy động mạnh mẽ và cũng có lợi cho việc đối phó với khủng hoảng. 11 năm trước, một trận động đất nghiêm trọng đã xảy ra ở Vấn Xuyên, Trung Quốc. Cả nước trên dưới cùng nỗ lực và hai năm sau, một thành phố mới đã xây dựng xong.
Trong mấy chục năm qua, nhiều cuộc khủng hoảng đã xảy ra trên khắp thế giới, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 và cuộc khủng hoảng chủ quyền châu Âu sau đó, nhưng Trung Quốc đã không ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng này. Ngược lại, Trung Quốc đã biết lợi dụng triệt để các cuộc khủng hoảng và thu được lợi nhuận lớn.
Nhìn sang Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị rò rỉ vào năm 2011 do trận động đất và sóng thần, 8 năm đã trôi qua hiện nó vẫn đang bị rò rỉ. Điều này là không thể tưởng tượng được ở Trung Quốc.
Người Mỹ không phải không hiểu rõ ưu thế này của Trung Quốc. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã được hưởng lợi phần lớn từ một thể chế như vậy. Mỹ cho rằng Trung Quốc đang ở thế yếu và bắt nạt Trung Quốc. Trung Quốc cần phải nhẫn chịu, nhưng Mỹ không biết rằng điều này sẽ gieo mầm hận thù Mỹ trong lòng người dân Trung Quốc.
Thể chế của Trung Quốc cũng có lợi cho việc tập trung sức mạnh để làm những việc lớn. Khó khăn càng lớn, càng dễ làm được việc lớn. Áp lực bên ngoài càng lớn, càng dễ làm những việc lớn. Bom hạt nhân, tên lửa đạn đạo và vệ tinh đã được Trung Quốc chế tạo ra trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất ở cả bên trong và bên ngoài. Vũ khí và trang bị của quân đội Trung Quốc có thể đạt được sự phát triển như vậy chỉ trong 20 năm cũng được hưởng lợi từ áp lực của Mỹ.
|
Giáo sư Chu Thành Hổ cho rằng chính Mỹ đã gián tiếp giúp Trung Quốc có được sức mạnh quân sự như hiện nay
|
Tôi còn nhớ, vào năm 2004, tôi đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự đến thăm Mỹ. Tại Lầu Năm góc, tôi đã nói với phía Mỹ rằng là một quân nhân Trung Quốc sắp nghỉ hưu, tôi rất cám ơn nước Mỹ các ông. Không có Mỹ, thì tôi không thể thấy được quân đội Trung Quốc ngày hôm nay.
Thứ nhất, cám ơn các ông đã cấp visa cho Lý Đăng Huy (cựu Tổng thống Đài Loan –ND). Điều này khiển chúng tôi thấy được nguy cơ của việc Đài Loan bị tách rời vĩnh viễn khỏi Trung Quốc, cần phải tăng cường sức mạnh quân sự, dùng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan độc lập. Thứ hai, cám ơn các ông đã bán vũ khí cho Đài Loan, điều này cung cấp lý do để chúng tôi tăng chi phí quốc phòng. Thứ ba, cám ơn các ông đã tiếp cận cường độ cao để trinh sát, giúp chúng tôi thấy các ông đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Trung Quốc, chúng tôi cần phải có sự chuẩn bị tương ứng. Thứ tư, cám ơn các ông đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn chống Trung Quốc, khiến chúng tôi cảm thấy mối đe dọa thực tế. Thứ năm, cám ơn các ông đã ném bom đại sứ quán của chúng tôi (ở Nam Tư – ND). Điều này đã đánh thức người Trung Quốc, nếu không người Trung Quốc vẫn còn ngủ mê mệt. Thứ sáu, cám ơn các ông đã tăng cường liên minh quân sự, để cho chúng tôi thấy rằng không chỉ Mỹ muốn chà đạp Trung Quốc, mà còn kéo một bè tệ bạc cùng với nhau chà đạp Trung Quốc. Thứ bảy, cám ơn các ông vì đã áp đặt lệnh cấm vận đối với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải tự mình đi theo con đường tự lực cánh sinh để phát triển vũ khí trang bị; nếu không, quân đội Trung Quốc ngày nay vẫn có thể phải dựa vào các nước khác cung cấp vũ khí trang bị.
Cuộc chiến công nghệ cao do Mỹ khởi xướng chống lại Trung Quốc hôm nay sẽ buộc Trung Quốc phải đi theo con đường tự chủ trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngành công nghiệp tin học của Trung Quốc sẽ có thể tự chủ, tự kiểm soát được chính mình trong tương lai gần; Trung Quốc có thể bị buộc phải trở thành một cường quốc chip. Do đó, tôi hy vọng các chính trị gia Mỹ hãy có chút tầm nhìn chiến lược, bớt làm hoặc đừng làm những việc lợi mình hại người. Một khi Trung Quốc tạo ra được hệ thống của riêng mình, thì Mỹ sẽ là thị trường của Trung Quốc. Lúc đó, Mỹ có hối tiếc thì e rằng đã quá muộn.
Thứ ba, Trung Quốc có một hệ thống công nghiệp vô đối. Hệ thống công nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là hệ thống công nghiệp chế tạo, hoàn thiện nhất thế giới. Không một quốc gia nào có thể so sánh được với Trung Quốc. Từ thiết bị hàng không vũ trụ đến dép dùng một lần, Trung Quốc thứ gì cũng có. Đây là cơ sở để Trung Quốc đối phó với tất cả những khó khăn hiện tại.
|
Ông Chu Thành Hổ: Mỹ phát động chiến tranh trong lĩnh vực công nghệ cao buộc Trung Quốc phải đi con đường độc lập tự chủ phát triển công nghệ
|
Thứ tư, Trung Quốc có thị trường nội địa khổng lồ. Sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa, 1,4 tỷ người Trung Quốc đã trở thành tầng lớp trung lưu khổng lồ. Sức mua thực sự và sức mạnh tiềm năng của thị trường này bất kỳ quốc gia nào cũng không dám coi thường. Chẳng hạn, Trung Quốc mỗi năm nhập khẩu hơn 300 triệu tấn xăng dầu. Thế giới này không chỉ có duy nhất xăng dầu do Mỹ sản xuất. Mỹ có thể tăng giá dầu bằng cách trừng phạt Venezuela và Iran để Trung Quốc phải trả giá đắt, nhưng điều này có thể chịu đựng được. Huống hồ ngoài Mỹ ra, Trung Quốc còn có nhiều sự lựa chọn khác. Những tài nguyên này bây giờ không còn là thị trường của người bán, mà là thị trường của người mua. Vì vậy, tôi nghĩ rằng người Mỹ đã tính toán sai; vừa muốn chiếm lợi trước Trung Quốc, lại vừa bắt nạt Trung Quốc. Người Trung Quốc không dễ bị bắt nạt như vậy.
Thứ năm, nền kinh tế Trung Quốc có sức chịu đựng dẻo dai mạnh mẽ. Sự bền bỉ của nền kinh tế Trung Quốc bất kỳ quốc gia nào khác cũng không thể so sánh được. Với sự phát triển sau hơn bốn mươi năm cải cách mở cửa, sự dẻo dai này mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người Mỹ quen với việc hiểu Trung Quốc theo lối tư duy của phương Tây nên chỉ có thể nhìn thấy một số thứ phiến diện. Vài năm trước, nhiều người Mỹ dự đoán rằng nếu GDP của Trung Quốc thấp hơn 8%, Trung Quốc sẽ có một số lượng lớn công nhân thất nghiệp, sẽ gây nên tình trạng rối loạn trong nước. Bây giờ họ lại tin rằng chừng nào họ còn kẹp được cổ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, thì ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc không thể phát triển được và thậm chí có thể ép buộc Trung Quốc phải ký hiệp ước bán nước. Họ không nhận thức được rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các quốc gia phải phụ thuộc lẫn nhau, không phải là thứ ân huệ của riêng ai. Mỹ có thể kẹp cổ Trung Quốc trong lĩnh vực con chip và Trung Quốc cũng có thể kẹp được cổ Mỹ trong các lĩnh vực khác. Điều này phải xem cổ ai cứng hơn, ai bền bỉ hơn và ai có sức mạnh chiến lược hơn.
|
Cùng với trái phiếu quốc gia Mỹ, đất hiếm trở thành thứ vũ khí, quân bài quan trọng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
|
Thứ sáu, sức chịu đựng của người dân Trung Quốc. Dân tộc Trung Hoa có truyền thống vẻ vang ưu tú và nền văn hóa xán lạn. Dân tộc này hiểu biết cái chung và chuyện đại cục. Trước những khó khăn, dân tộc này có thể chịu đựng mọi khó khăn đau khổ và chấp nhận hy sinh. Đây là kho báu tinh thần dân tộc Trung Hoa đã thu thập được qua hàng ngàn năm, mà Mỹ không thể có được. Đây có thể là một trong những nhân tố có tính quyết định kết quả của cuộc đối đầu toàn diện này giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thứ bảy, Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi công nghiệp thế giới. Mặc dù Mỹ chiếm ưu thế cao trong chuỗi công nghiệp thế giới, nhưng vị trí của Trung Quốc cũng không thể bị đánh giá thấp. Trung Quốc là quốc gia có các yếu tố hoàn hảo nhất. Một số sản phẩm của Trung Quốc là không thể thay thế đối với Mỹ. Ví dụ như đất hiếm. Mặc dù trên thế giới có nhiều quốc gia có tài nguyên đất hiếm, nhưng công nghệ sản xuất đất hiếm ở Trung Quốc tốt nhất thế giới. Nếu Trung Quốc gián đoạn việc cung cấp đất hiếm, thì ngành công nghiệp công nghệ cao ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề; một số loại vũ khí mũi nhọn sẽ không thể chế tạo được. Một ví dụ khác là kháng sinh. Theo thống kê từ các bộ phận liên quan, hơn 90% thuốc kháng sinh sử dụng ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, mấy năm trước, Mỹ đã công bố một con số: nếu không có hàng dệt may giá rẻ do Trung Quốc cung cấp, mỗi người dân Mỹ mỗi năm sẽ phải chi thêm gần 300 đô la cho việc mua quần áo để mặc.
Thứ tám, Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn trái phiếu quốc gia Mỹ. Trung Quốc là nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu quốc gia của Mỹ. Nếu số lượng lớn trái phiếu quốc gia Mỹ bị bán tháo, nó có thể nên gây áp lực ở một mức độ nhất định, thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Sau này Mỹ phát hành trái phiếu chính phủ mới thì nó sẽ bán cho ai? Đương nhiên, số tiền thu về được sử dụng như thế nào cũng là một vấn đề. Nếu đem đầu tư trong nước, chắc chắn sẽ dẫn đến hai kết quả, một là lạm phát và hai là năng lực sản xuất quá dư thừa. Nhưng một khi Trung Quốc bị dồn đến chân tường, e rằng (trái phiếu quốc gia Mỹ) cũng có thể được đem bán tháo.
Thứ chín, Mỹ đã đầu tư rất lớn vào Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc liên tục tăng, một số công ty Mỹ đã kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc. Một khi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang, các công ty Mỹ buộc phải rời khỏi Trung Quốc, không biết họ có thể tìm thấy ở đâu một thị trường như Trung Quốc. Ví dụ như người khổng lồ General Motors (GM) của Mỹ: Năm 2017, doanh số bán hàng của họ ở Trung Quốc đạt 64 tỷ USD, trong khi đó tại thị trường Mỹ, họ chỉ bán được 40 tỷ USD. Nếu xe hơi Mỹ bị đẩy ra, xe hơi Trung Quốc, xe hơi Đức và xe hơi Nhật Bản sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường của các công ty xe hơi Mỹ. Đối với các công ty Mỹ này, rời khỏi Trung Quốc có thể đồng nghĩa với phá sản.
|
Hãng General Motors năm 2017 đã bán được số xe hơi trị giá 64 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc trong khi chỉ bán được 40 tỷ USD sản phẩm ở Mỹ
|
Đa chiều: Giá thành nhân công ở Mỹ rất lớn, tiền lương của công nhân rất cao, yêu cầu đối với môi trường làm việc cũng cao. Dường như họ không có tinh thần làm việc chăm chỉ chịu khó như người Trung Quốc. Đạo diễn được giải Oscar Malcolm Clarke, năm ngoái đã làm một bộ phim tài liệu về quan hệ Trung - Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo của Đa Chiều, ông cũng đề cập: “Nếu người Mỹ biết được người Trung Quốc đã phải trả giá ra sao cho sự trỗi dậy về kinh tế, thì họ tất sẽ cho rằng người Trung Quốc xứng đáng với tất cả những thành tựu hiện nay”.
Giáo sư Chu Thành Hổ: Đúng, đối với Mỹ, lực lượng lao động là vấn đề lớn nhất trong việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo. Trong việc phát triển ngành chế tạo tại Mỹ, chính phủ đương nhiên có thể đưa ra một số chính sách ưu đãi về sử dụng đất và thuế. Nhưng điều quan trọng nhất để lập ra một nhà máy là công nhân, là lực lượng lao động.
Ông Tào Đức Vượng, Chủ tịch hãng sản xuất kính xe hơi lớn nhất thế giới, là người hiểu rất rõ điều này khi mở một nhà máy ở Mỹ. Nhiều công nhân mà ông tuyển dụng được đều là những người già đã sáu mươi hoặc bảy mươi tuổi.
Điều khó chấp nhận hơn là các công nhân Mỹ chỉ làm việc tám giờ một ngày, giữa chừng còn phải nghỉ để ăn uống. Để họ làm thêm giờ là việc khó như lên trời.
Ở Trung Quốc, tình hình hoàn toàn khác. Mặc dù Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu lao động, nhưng nhiều quan niệm khác hẳn. Ở miền Nam, vấn đề đầu tiên mà những người tìm việc đặt ra khi dự tuyển là họ có được phép làm thêm giờ hay không? Nếu không được phép làm thêm giờ thì họ ắt đi tìm nơi khác./.