LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.
Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.
Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.
“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".
Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.
“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình.
- Kỳ 1: Tuổi thơ êm đềm và kiêu hãnh
- Kỳ 2: Nghiện lúc nào không hay
- Kỳ 3: Phá xích, kéo theo mảng bê tông sàn nhà ở chân đi mua ma túy
- Kỳ 4: Đào hết vườn nhà thành địa đạo để cai nghiện
- Kỳ 5: Bị nhốt trên tầng nhà, thả sợi chỉ xuống mua heroin
- Kỳ 6: Lần cai nghiện thứ nhất: lên đồng rừng làm thợ sắt
- Kỳ 7: Chở lậu vũ khí, tung hoành xóm bụi và đi tù
- Kỳ 8: Dí dao vào cổ bé gái, bịa chuyện chặt tay dọa chị
- Kỳ 9: Hai lần vượt biên không thành, ba lần thả súng xuống biển
- Kỳ 10: “Tuấn Văn Điển” nổi máu yêng hùng trong Trung tâm cai nghiện
- Kỳ 11: Xăm hai chữ “hạnh phúc” dưới lòng bàn chân-Chết giữa nghĩa địa làng vì sốc thuốc
- Kỳ 12: Cuộc hôn nhân đầu tiên với cô ca sĩ Sao Mai điểm hẹn
- Kỳ 13: Hương đoạt giải nhất tiếng hát truyền hình tỉnh. Ly hôn. Lần tôi tự tử đầu tiên
- Kỳ 14: Cuộc hôn nhân thứ hai. “Chồng em vẫn còn nghiện oặt ra đấy ạ”. Lập nghiệp với... 5.000 con vịt
- Kỳ 15: Trắng tay với vịt. Câu chuyện “Trời bất dung gian”
Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
|
Kỳ 16: Bố vợ bán nhà cho con rể vay tiền làm ăn và cuộc gặp gỡ kỳ lạ
Khi chúng tôi trắng tay với đàn vịt 5.000 con đã bơi ra hết sông Hồng thì bố vợ tôi bất ngờ thành cứu tinh.
Ấy là việc gia đình nhà bố vợ tôi có ngôi nhà kỷ niệm trên mảnh đất hơn 300m2 đang ở, đất giữa làng. Cả nhà chỉ có mỗi mảnh đất đó thôi. Thấy con rể và con gái mải mê kinh doanh quá mà lại hết vốn sau đận nuôi vịt, bố vợ tôi quyết định bán nhà.
Ông bố vợ có một không hai
“Bố bán nhà thì bố và các em ở đâu?”. “Bán chỗ này được giá, ta đi thuê chỗ khác ở tạm, để lấy tiền đó cho chúng mày kinh doanh!”.
Ôi, ông bố vợ mà tôi vốn vẫn tôi gọi bằng anh bao năm kia. Ông học cùng lớp với chị Thúy của tôi. Ông từng trói con gái vào cột nhà đánh cho nhừ tử vì đổ đời lấy thằng nghiện không thuốc chữa, từng đánh chửi vợ vang khắp làng xóm. Ông không phải là người buôn đất, không phải nhà có “mảnh nọ mảnh kia”, chỉ có một ngôi nhà tọa lạc trên miếng đất hương hỏa. Thế mà ông dũng cảm bán nó đi, giao tiền cho thằng nhiều năm gây náo loạn quê hương vì nghiện ấy.
Tôi đã lén khóc hôm nhận tiền của bố vợ.
Bây giờ có trong tay mấy trăm công nhân và khối tài sản tương đối rồi, mỗi lúc ngẫm lại cái thuở lập nghiệp với ông bố vợ tuyệt vời ấy, tôi vẫn xúc động. Đời tôi lầm lạc, nhưng lúc nguy nan nhất luôn có quý nhân phù trợ. Bố vợ tôi là một quý nhân như thế.
… Có vốn rồi, vợ chồng tôi tiếp tục đi mua bán xe máy cũ. Do công việc tôi phải đi thường xuyên, nên mọi người lại nghi ngờ: thằng Tuấn đã hết nghiện chưa? Hay nó vắng nhà vì đổ đốn đi buôn heroin? Hay nó đi tìm thuốc hút, đi đâm chém, bảo kê, buôn vũ khí, vượt biên?
Bao nhiêu bàn ra tán vào, nhưng vợ tôi vẫn mặc kệ. “Vẫn còn nghiện lắm ạ” là câu nói muôn thuở của cô ấy mỗi khi ai hỏi lằng nhằng về tôi.
Niềm tin thánh thiện ấy của vợ mới đã cho tôi được nghị lực để vượt qua bao điều tiếng, bao tủi phận, tha hóa để có ngày hôm nay!
Rồi đứa con gái đầu lòng của chúng tôi ra đời. Nhìn con tôi đã khóc, khóc vì biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để lo cho thiên thần bé thơ ngây kia. Tôi khóc vì thương mẹ, ngày xưa mẹ cũng mang nặng đẻ đau để sinh ra tôi như thế này. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
Nhưng ma túy như là một thứ ma lực ám ảnh tôi, bỏ được hai năm rồi mà thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhớ tới nó, kể cả trong giấc mơ.
Cầm kim tiêm đâm nát đùi để chống trả cơn thèm ma túy
Lúc từ trại cai nghiện trở về, sau thời gian dài lao động và cai nghiện, tôi được “hưởng công” là 600 nghìn đồng. Với số tiền đó, đang loay hoay không biết phải làm gì, có đứa bạn mặt xanh rớt, áo quần ám mùi ma túy đã bảo tôi “Tốt nhất là ông nướng nó vào một lần lên mây”.
Có lần tôi đã quay trở vào chỗ cũ mua thuốc, rồi cầm xi lanh lên.
Vừa định chích vào người thì hình ảnh cậu tôi, bố tôi ùa về. Con gái tôi đang gào khóc, văng vẳng đâu đây tiếng vợ tôi: “Anh cố lên”. Tôi bật khóc rồi ném đi.
Đêm về tâm sự với vợ, cô ấy chỉ khóc, cô ấy hiểu cuộc chiến giành giật tôi từ tay tử thần chắc hẳn sẽ còn rất dài. Nhưng không gây sự cãi vã gì với tôi, cô ấy chỉ nói: “Em tin anh”!
Lần khác, sau hơn một năm kể từ đám cưới, hôm đó đi ăn giỗ ở làng bên về, tôi lại tạt qua chỗ bán thuốc, lòng hồi hộp lẫn lo âu. Trên đường đi tìm chỗ chích, tôi lại nghĩ: “Mình đã rất vất vả để chiến thắng nó, sao mình lại làm thế này, có xứng đáng với những người đã hy sinh vì mình không?”. Ngồi cầm cái xi lanh, ngửi hơi ma túy đầy ma mị ấy, tôi cứ thế giày vò trăn trở. Cuối cùng, tôi tát vào mặt mình, dùng mũi kim tiêm chọc nát các thớ thịt trên đùi mình để tỉnh dậy.
Sau hàng nghìn lần thác loạn với ma túy, hôm ấy, tôi đã tự tiêm mình hàng trăm nhát mà không hề đẩy ma túy vào người. Tôi đã chiến thắng giòn giã. Tôi vạm vỡ bước về nhà mình, khoe chiến công với vợ với một cánh tay hằn hàng trăm mũi tiêm đỏ lòe máu.
Đi buôn xe máy cũ-lại mất
Trong xã hội còn quá nhiều người không tin tôi, chính trong gia đình cũng còn nhiều người không tin. Nhưng tôi biết bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ tôi và nhất là vợ tôi thì tin tôi vô cùng.
Sau này, ông Phạm Văn Lũy (bố vợ tôi) hàn huyên lại: “Bấy giờ tao tin mày. Tao với vợ tao xác định, nếu nó nghiện lại, nó làm ăn mà “chết” thì vợ chồng mình cũng chết theo. Tự dưng chuốc lấy mạo hiểm quá chừng, nhưng không hiểu sao tao vẫn tin mày. Có lẽ vì con gái tao nó tin mày, nên tao phải tin”.
Từ chi tiết đó và sau thời gian dài làm con cái trong gia đình, tôi càng khâm phục bố mẹ vợ tôi, những người nông dân chân chất, ít học mà suy nghĩ thì rất... cao. Tôi luôn nghĩ, bố mẹ vợ tôi, nhất là vợ tôi, họ đã tin tôi để tôi như được sinh ra lần thứ hai, đã đồng hành với tôi để tôi làm được những điều dường như là không thể.
Nhớ mãi hôm đầu, cầm cả cục tiền bán nhà mà bố mẹ đẻ rồi bố mẹ vợ tôi đưa cho tôi vay sao nó lại nặng thế! Nhớ ngày xưa, bòn rút, lừa lọc, dọa dẫm gia đình người thân để có những đồng tiền cam khó, rồi đi đốt đời trác táng, đi mua ma túy. Tôi lao vào công việc với sự hăng say chưa từng có để sẽ bù đắp lại những tháng ngày hoang phí.
Đi mua xe máy cũ ở các tỉnh xa, tôi với cậu em vợ, hai anh em lóc cóc đi xe về, có hôm xe hỏng phải đẩy xe đi từng khúc từng khúc trong cái nắng chang chang, trong cái nhìn thương hại của người đi đường. Mồ hôi ướt ròng trên áo, mặt chát nơi đầu môi. Tôi mỉm cười nghĩ: ma túy ơi, mày hãy ra theo dòng mồ hôi này, biến hết khỏi từng chân tơ kẽ tóc trên người tao đi.
Người ta bảo, lao động là vinh quang, bây giờ tôi mới thấu hiểu. Mồ hôi chảy ra, người nhẹ nhàng, ăn ngon, ngủ ngon, và đồng tiền mình làm ra trở nên quý giá. Đồng tiền ấy, khi nó vào tay mình, nó mang theo cả hạnh phúc nữa.
Có hôm, 12 giờ đêm mới về đến nhà, điện đóm vẫn sáng choang, nhìn vợ tôi ngủ gà ngủ gật bên mâm cơm lạnh ngắt, nghe tiếng mở cổng vội vàng chạy ra cùng tiếng reo mừng vui hớn hở…
Cứ mỗi khi nghĩ về quá khứ tôi lại càng muốn cố gắng hơn, nhìn con gái cười sau những ngày làm việc thì mọi mệt mỏi như tan biến đâu mất. Ngày xưa bố mẹ tôi cũng sinh tôi ra và cũng hy vọng như thế này, cũng thầm mong một ngày nào đó tôi được khôn lớn, trưởng thành như thế này. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, sao cha ông ta dạy chí tình chí lý thế. Cứ nhìn con gái ngủ một lúc, là tôi lại sang phòng ngồi ở mép giường nhìn mẹ ngủ, dém chăn, dém màn cho mẹ. Có lần bố uống trà ngoài hiên nhìn thấy tôi dém màn cho mẹ, ông khẽ gật đầu không nói gì cả. Có lần tôi thấy nước mắt mẹ trào ra, thì ra mẹ vẫn thức!
Để tăng thêm công việc và thu nhập, tôi đi thầu thêm đầm để trồng sen và nuôi cá, đến mùa sen nở đẹp vô cùng, ngủ đêm ngoài cánh đồng hương sen thơm dịu ngọt, gió nhẹ nhàng thổi, chèo thuyền một mình đi giữa đồng với xung quanh mình hoa trắng, hoa đỏ như thể lạc vào cõi thần tiên. Quá khứ đáng xấu hổ của tôi, như được hương sen gột rửa sạch sẽ, lắng trong.
Thế là cứ hôm nào không đi mua xe máy tôi lại ra ngoài đầm sen chơi, đến tối mịt mới về.
Rồi mùa sen cũng qua đi ngắn ngủi, tôi tát đầm bắt cá và trả lại đầm cho họ, được hơn 1 tấn cá, cộng tất cả lại lãi chẳng được là bao so với công sức bỏ ra. Càng nghĩ, tôi càng thương bố mẹ.
Cứ chật vậy như thế, rồi tôi chuyển lập đại lý xe máy, chuyên bán xe rẻ tiền cho bà con nông dân. Xe đó đi tốt, chỉ có điều không được bền. Bà con chuộng lắm. Thế là có mô hình đổi đầm sen đang nở hoa lấy... xe máy, đổi đàn vịt đang lít nhít ngoài kênh mương lấy xe máy.
Ăn lãi xe máy, ăn lãi cả vịt lẫn đầm sen.
Tôi đã tính toán rất chuẩn, chỉ không chuẩn ở chỗ: tôi tin tưởng hơi thái quá vào văn bản giấy tờ, các khế ước viết tay và các vị khách hay mua chịu. Hồi mở quán cà phê thì khách đến uống bia không giả tiền, đến giờ vẫn chưa đòi được! Đến lúc bán xe máy thì người ta viết giấy nợ, cược cả đầm ao đổi lấy xe. Nhưng xe đi chán, bán cho người khác hoặc vứt vào bãi rác từ tám hoánh, mà giấy viết nợ mình cầm mãi chả ai đến giả tiền, đầm ao thì vẫn của người ta trồng sen cấy lúa, dễ gì mình đi xiết nợ được? Bán hàng trả góp, xe máy 10 triệu đồng/chiếc, chỉ phải trả trước 3 triệu, bà con cứ lấy xe về đi trước, sau này trả dần. Nhưng ôi thôi, đến trăm năm sau cũng chả đòi được. Thế là mất toi mấy trăm triệu một lúc.
Nam tiến-vào thị trường bất động sản
Cũng không hiểu sao bấy giờ người ta mê cái xe máy đến thế, bao nhiêu ông gán đầm cá, đầm sen, gán cả những đàn vịt đông đúc cho tôi để lấy bằng được cái xe máy về đi.
Đó là lý do để vợ chồng tôi sở hữu đàn vịt đông bậc nhất Việt Nam đã kể.
Thời gian trôi, chịu khó, chịu khổ mãi, vốn liếng dần được nhân lên. Tôi mở cửa hàng, thành lập doanh nghiệp tư nhân Tuấn Bằng bán xe máy mới vào năm 2004. Được hai năm công việc rất thuận lợi, tôi chuyển hướng vào Sài Gòn.
Vào được khoảng hai tháng, tìm hiểu thị trường, tôi biết Sài Gòn đang rất chuộng loại xe tay ga cao cấp như Dylan, SH… Nghiên cứu giá cả giữa Sài Gòn và Hà Nội, thấy Hà Nội rẻ hơn rất nhiều, mỗi chiếc rẻ lên tới cả ngàn đô la (tương đương khoảng 16 triệu khi đó). Hai vợ chồng bắt đầu lao vào “cuộc chiến” mới. Hai vợ chồng bắt đầu lao vào “cuộc chiến” mới.
Thời gian này, tôi làm việc quên mình. Có hôm thứ 7, chủ nhật nhìn người ta đi chơi ngược xuôi, thấy vợ và con gái mặt buồn rười rượi, tôi hiểu, vợ tôi và con gái cũng khao khát như những người khác, cũng muốn được đi chơi, con gái tôi cũng muốn được tung tăng chạy nhảy như các bạn cùng trang lứa ở những chỗ thật lắm đồ chơi, thật lắm màu sắc. Nó cũng muốn được ngồi trên vai bố đi chơi công viên Đầm Sen, giống như bức ảnh mà người hàng xóm vừa mới đi về cho vợ con tôi xem. Nhưng cả hai mẹ con đều biết tôi cũng không có thời gian. Người ta được đi chơi, đi xem phim, còn tôi thì phải làm việc cật lực, thông thường từ 18 đến 20 tiếng một ngày. Tôi muốn làm thay cả phần việc mà những năm tháng, ma túy đốt đời tôi đen thui ấy.
Công việc rất tốt, có những tháng tôi chuyển từ Hà Nội vào tới Sài Gòn khoảng 200 chiếc xe tay ga.
Thế rồi trong một lần chuyển giấy tờ từ Hà Nội vào, bưu điện làm mất của tôi 4 bộ giấy tờ xe máy SH. Số tiền hơn 400 triệu đồng bỏ ra, giờ thu lại được những chiếc xe vô chủ, không thể đăng ký được ở Sài Gòn, cũng không đi lại được vì không đủ điều kiện xin cấp biển số. Bán thì không ai mua vì người ta sợ xe ăn cắp, ra bưu điện hỏi chỉ nhận được sự vô cảm.
Những đôi mắt trợn trừng và những cái lắc đầu ngao ngán của cô nhân viên bưu điện quận Phú Nhuận, mãi mãi có lẽ cô ấy sẽ không hiểu đó là cả một gia tài của một người khốn khổ như tôi. Cô ấy đâu có hiểu được rằng ngày mai, ngày kia tôi phải đi vay 100 nghìn đồng để đóng học phí cho con.
… Mãi rồi cũng qua cơn bĩ cực, vợ chồng tôi dành dụm được một số tiền và bắt đầu gửi về quê để mua đất bù vào phần đất bố mẹ vợ tôi đã bán đi để cho “thằng Tuấn nghiện” con rể.
Đúng lúc đó, bất động sản tại TP. HCM giao dịch rất mạnh, tôi liền tấn công huyện Bình Chánh để tìm mua đất, phân lô ra bán.
Kỳ 17: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với bác gái bán đất ở Sài Gòn