Kỳ 13: Hương đoạt giải nhất tiếng hát truyền hình tỉnh. Ly hôn. Lần tôi tự tử đầu tiên

VietTimes -- "Đến lúc này, tôi sợ. Tôi sợ mất Hương. Tôi lại quyết tâm uống thuốc, cai nghiện được… hơn một tháng. Hương đã vui trở lại, nhưng rồi trong một hôm đi đám cưới, bạn bè rủ rê tôi lại chích" - Lê Trung Tuấn.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.

Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.

Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.

“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".

Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.

“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình. 

Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC 

Kỳ 13: Hương đoạt giải nhất tiếng hát truyền hình tỉnh. Ly hôn. Lần tôi tự tử đầu tiên

Sau lần tự tử thứ nhất, tôi sợ quá, uống thuốc cai nghiện và yên ổn làm ăn được ít lâu. Thế rồi có tiền trở lại, tôi lại nghiện. Chẳng bao lâu sau khi tôi tái nghiện lần thứ vô số nào đó, Hương tự tử lần thứ hai.

Chiều hôm ấy cũng là sau một trận đòn. Vợ tôi bỏ nhà ra đứng trên cái mố cầu bỏ hoang khóc mãi, vừa định nhảy xuống sông thì có người phát hiện.

Đến lúc này, tôi sợ. Tôi sợ mất Hương. Tôi lại quyết tâm uống thuốc, cai nghiện được… hơn một tháng. Hương đã vui trở lại, nhưng rồi trong một hôm đi đám cưới, bạn bè rủ rê tôi lại chích.

 Về nhà, Hương không nói gì, chỉ khóc.

Sáng sớm hôm sau khi cả nhà chưa ai dậy, cô ấy đã lặng lẽ bỏ đi với một chiếc valy và bức thư để lại, nói ngày nào tôi cai được ma túy cô ấy sẽ trở về.

Vòng tròn khủng khiếp của ma túy

Tôi lại cai được hơn một tháng. Rồi lên Lào Cai tìm Hương. Tối, hai đứa đi chơi phố núi, thủ thỉ tâm sự. 

Ở được ba hôm với lời khuyên nhủ của mẹ vợ và với rất nhiều lời hứa của tôi, tôi cùng Hương lại xuôi tàu về Hà Nam. Lại mở quán, lại có tiền. Tôi lại quay cuồng quên hết mọi ngọt ngào trước đó, lại bắt đầu trốn đi tìm heroin.

Có lẽ ai đó đọc những dòng tự sự này của tôi, sẽ chán nản, tuyệt vọng, sẽ không muốn đọc nữa bởi cái điệp khúc: tôi cai được, tôi đi tìm thuốc, tôi khóc hứa và ân hận muốn… cai. Cai lại nghiện, nghiện lại cai. Cai lại nghiện, đến hàng nghìn lần. Cái vòng luẩn quẩn đáng sợ đó, vì sao tôi và hàng nghìn người khác cứ cố thoát ra mà không sao thoát được? Có người chặt tay mình đi, mổ bụng lôi ruột mình ra, đập vỡ mặt mình đi để quyết cai nghiện, mà nghiện vẫn hoàn nghiện. Ôi, ma túy - nó là cái gì đó không tài nào hiểu nổi!

… Một thời gian sau, cô ca sĩ tỉnh lẻ ấy, cô vợ một gã nghiện mở quán cà phê ca nhạc ấy đi thi Tiếng hát truyền hình tỉnh được giải Nhất. Đưa vợ đi nhận giải trong ánh mắt ngưỡng mộ của đông đảo người xem, tôi mừng cho Hương, tôi cũng rất lấy làm vinh dự nữa. Nhưng ngẫm phận nghiện lại cai, cai lại nghiện cả đời của mình, từ đó, trong tôi xuất hiện một ý nghĩ: phải chia tay Hương cho đời cô ấy đỡ khổ.

Nói thì nói vậy. Chúng tôi yêu nhau, bỏ nhau đâu có dễ dàng. Điệp khúc đánh chửi, bỏ nhà đi, tìm vợ đưa về, lại nồng thắm, rồi lại ma túy, lại đánh chửi…

Tình cảm của tôi với Hương cũng giằng xé chẳng kém gì việc cai xong lại nghiện ma túy.

Thế rồi tôi lên trung tâm cai nghiện ở tỉnh Hòa Bình lần thứ ba.

Đó cũng là lần đi cai nghiện cuối cùng.

Ly hôn-tự tử bằng heroin

Được một thời gian ngắn tôi lại xin trung tâm về, lần về đó như giọt nước đã làm tràn ly.

Tết Nguyên đán năm 2001, tôi lại đi chơi ma túy, Hương đi tìm tôi và bắt gặp. Về nhà, Hương dứt khoát bỏ đi, vì như Hương đã nói nhiều lần trong nước mắt “không thể nào gắn mãi cuộc đời của mình với thằng nghiện”. Mẹ tôi ra can ngăn, muốn giữ Hương ở lại. Quá nóng giận, mất kiểm soát, cô đẩy mẹ tôi ngã sóng soài ra nền nhà. Trong đau khổ tột cùng cô ấy đã nói vào mặt tôi:

- Tôi đã bỏ hết tất cả để vì anh! Đã mất hết tất cả để vì anh!

- Rời tôi ra, con bà sẽ hiện nguyên hình là một thằng nghiện, suốt đời nghiện!

Từng lời nói của cô ấy như những nhát dao đâm vào trái tim tôi đến tận bây giờ, đã sau 12 năm nó vẫn còn rỉ máu, nhức buốt, giống như cái dằm cật nứa sắc lẻm nằm trong ngực tôi vậy.

Tôi đỡ mẹ mình dậy. Với những lời nói của Hương tôi hiểu thế là hết, là chấm dứt, là kết thúc một chuyện tình không có hậu, một chuyện tình chỉ có toàn khổ đau và nước mắt.

Bốn tuần sau, chúng tôi ly hôn. 

Hai đứa về rủ nhau đi ăn phở thêm một lần trong hơi ấm vợ chồng còn rơi rớt lại. Hai bát phở với bốn con mắt rưng rưng nước. Rồi cô ấy đi, cô ấy đã đi với một chiếc valy và vài bộ quần áo, nhẹ nhàng như lúc đến.

Tối hôm ấy, tôi quyết định tự tử.

Thà mình chết đi, mọi người sẽ chỉ đau một lần rồi thôi. Tôi nghĩ thế.

Tôi nói dối mẹ xin thêm một triệu đồng để đi làm việc riêng khẩn cấp. Rồi đem hết đi mua heroin.

9 giờ đêm. Xóm làng eo óc tiếng chó sủa, ếch nhái uôm oam ngoài bờ ao, đom đóm bay qua những dải nước đen kịt trong đêm. Mẹ mệt nên đi ngủ sớm. Bố thì đi họp chi bộ ngoài khu phố. Chỉ còn tôi với một cậu bạn đến chơi. Tôi trốn ra sau nhà, chích toàn bộ số heroin vào người. Ngã vật ra rồi không biết gì nữa.

Trước khi chích, tôi muốn chào mẹ lần cuối cùng. Tôi vào nhìn mẹ. Mẹ già đi quá nhiều vì tôi. Nỗi đau của mẹ lên đến tột cùng rồi. Tôi mà gọi mẹ dậy nói gì đó, mẹ sẽ có linh cảm.

Tôi chắp tay đứng trước đầu giường mẹ rất lâu, ngàn lần muốn mẹ tha thứ.

Chết lâm sàng-“format” lại cơ thể

Sau này nghe mẹ và mọi người kể lại, mọi người đã hô hấp và cứu tôi suốt năm tiếng đồng hồ không tỉnh. Bố đi họp về nhìn cơ thể tôi nằm bất động trên nền gạch hoa, lắc đầu bảo gọi anh chị tôi về làm ma. Mẹ thì gào khóc vật vã.

Có người đã tính chuyện đi đóng quan tài, báo cho làng xóm, thuê phường bát âm.

Tự nhiên đến 4 giờ sáng tôi tỉnh dậy. Cả nhà chạy tán loạn tưởng là ma hiện hình. Người thân khóc lóc xung quanh tôi, mẹ tôi suy sụp hoàn toàn, hai tay bà cứ chắp trước mặt vái lên bầu trời, “Tuấn ơi, con đừng bỏ mẹ. Tuấn ơi, đừng cướp công cha mẹ như thế, ối con ơi!”.

Những ngày sau đó, tôi thấy mình tha thẩn, không muốn làm gì, cũng không thiết tha cái  gì nữa. Tất cả trôi qua như một giấc mộng.

Khi cảm giác tê dại dần qua đi thì tôi càng ân hận.

Cái chết lâm sàng hôm đó đẩy bi kịch của tôi lên đến đỉnh điểm, rồi tôi ngộ ra nhiều điều. Nỗi hoảng loạn kinh khủng trong ánh mắt, trong hành động của mẹ trước giờ khắc mẹ nghĩ rằng tôi sắp biến mất vĩnh viễn khỏi cõi trần, cộng thêm nỗi ân hận, sự nguyền rủa bản thân của tôi hôm đó…  tất cả những điều đó, đã khiến tôi thực sự “lột xác”. Nhìn vào ánh mắt tuyệt vọng, khuôn mặt đau khổ đẫm nước mắt của mẹ hôm đó, tôi bàng hoàng, đau đớn nghĩ nếu không cai được, có khác gì tôi giết chết tôi và giết chết cả mẹ.

Có lẽ bao nỗ lực cai nghiện suốt 5 năm, từ cai tại gia, đến trung tâm tư nhân, rồi trung tâm nhà nước; bao thứ thuốc cắt cơn hoặc tẩy trừ ma túy… đã đến lúc phát huy tác dụng. Phần là vì quyết tâm từ bỏ ma túy của tôi bị đẩy lên đến những chiều kích tận cùng rồi. Phải đến lúc đó, tôi mới đủ sức mạnh để lựa chọn: tiếp tục nghiện hay là chết? Làm người hay mãi mãi làm con vật nói tiếng người đi bằng hai chân? Kỳ diệu thay, nước mắt của mẹ đã một lần nữa gột rửa cuộc đời tôi. Chính mẹ đã sinh ra tôi lần thứ  hai.

Từ thời khắc đó, cuộc đời thứ hai của tôi bắt đầu. Dường như cơ thể tôi là cái máy vi tính đã bị nhiễm virut cực độc. Cái chết lâm sàng bất đắc dĩ mấy tiếng đồng hồ hôm 23/2/2001 ấy, lại thêm việc “tang gia bối rối”, thêm sự đau đớn, tuyệt vọng trong tiếng khóc của mẹ… đã là cú sốc lớn có tác dụng đem đến bước ngoặt cho đời tôi. Tôi đã như kẻ u mê lạc lối chợt tỉnh ngộ. Và cuộc “tỉnh ngộ” như là dịp để toàn bộ cái máy tính - cơ thể tôi được format lại, rồi tôi copy dữ liệu mới vào.

Tôi tự hứa với bản thân sẽ phải xóa đi tất cả những “dữ liệu” về ma túy, phải làm lại từ đầu, chấp nhận mất dữ liệu thì virus mới được diệt tận gốc.

Xóm giềng đã quá quen với cảnh một thằng Tuấn “nghiện”, nên bây giờ nghe tôi cai nghiện thì không mấy người tin. Có người còn nói: “Thằng Tuấn nó mà bỏ ma túy được, tôi xin chặt  đầu!”.

Thời gian đầu sau cai, những ánh mắt nhìn tôi khinh bỉ, những tiếng xì xào nhỏ to… tôi cũng không để ý. Nhưng có lần đến nhà một người hàng xóm chơi, chiếc điều khiển tivi để trên bàn, nhìn thấy tôi họ vội vàng cất đi thật kỹ như thể tôi sắp xông vào ăn cướp. Bước quay ra tôi còn nghe cô ấy bảo con: “Cảnh giác với thằng nghiện đấy. Cẩn thận rồi không nó lại lấy mất”.

Tôi bàng hoàng lùi dần ra cổng với hai hàng nước mắt.

Cô hàng xóm ơi, đừng xua đuổi cháu

Nghẹn ngào, đau đớn, một nỗi đau không biết đến từ đâu, chỉ biết lúc ấy trời đất tối sầm lại, tôi không nghĩ được gì nữa. Tôi ngồi sụp xuống cái bờ tường bẩn thỉu, đầy rêu mốc mà khóc. Ma túy và xi lanh chọc quá nhiều đã làm cho những ven, những mạch máu trong người tôi chai sạn, tâm hồn tôi tưởng như cũng chai sạn rồi. Vậy mà hôm nay, chỉ một câu nói của người hàng xóm cũng làm tôi tan nát, thấy mọi lối ngõ trong cuộc đời mình đã bị bít kín. Tôi đã muốn gào lên với bà hàng xóm, hãy tin cháu. Nhưng tôi không làm thế.

Tôi nằm rụi ở xó tường ấy và nghĩ, mình cứ nằm đây, cùng lắm là chết đi chứ gì, mình còn gì để mất đâu.

Con ốc sên góc tường nhìn thấy tôi cũng cụp cái tua vòi cong cong trên đầu vào, nó trốn vào vỏ cứng của nó thế, có khác gì hòn đá trước mặt tôi. Những người hàng xóm cũng như con ốc sên kia, họ thu mình lại mỗi lúc trông thấy tôi. Tôi ngồi rất lâu, lâu đến mức nát cả cỏ rồi lại lăn ra chỗ khác, mùi cỏ cây bị đè nát ngai ngái, cây vảy ốc bám dọc theo chân tường ram rám. Tôi không nghĩ gì, chỉ bần thần như kẻ bị điên ngồi ngắm ốc sên và cỏ rả.

Chỉ một lát sau khi tôi nhích ra chỗ khác ngồi, đám  cỏ bị tôi đè rạp xuống đã lại từ từ vươn  lên.

Nhìn nó tôi bỗng nghĩ, phận mình không bằng ngọn cỏ này.

Cô hàng xóm ơi, cháu biết cô không thù oán ghét bỏ gì cháu. Nhưng, cô cũng như nhiều người khác, như bố mẹ cháu, cô sợ bọn nghiện với lời hứa và đủ mánh khóe tìm ma túy của nó. Nhưng sao cô không nghĩ rằng tự cháu đã đẩy mình xuống đến dưới đáy thì cháu cũng có thể vươn lên làm người như cỏ. Cô ơi, sao cô không tin rằng cháu cũng là một con người có trái tim và biết suy nghĩ. Cháu đã biết quay đầu về với nẻo thiện, thì xin cô đừng xua đuổi cháu như thế nữa có được không?

Nước mắt tôi lã chã rơi. Từ lúc là cậu thanh niên tuấn tú cho đến khi nghiện oặt, dìm cuộc đời mình trong vũng cống của xã hội, tôi vẫn chúa ghét cái việc  nỉ non sướt mướt, nước mắt ngắn dài! Nhưng hôm đó tôi đã khóc mà không cần giơ tay che gương mặt méo xẹo lã chã nước mắt của mình.

Kỳ 14: Cuộc hôn nhân thứ hai. “Chồng em vẫn còn nghiện oặt ra đấy ạ”. Lập nghiệp với... 5.000 con vịt