|
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.
Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.
Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.
“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".
Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.
“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình.
- Kỳ 1: Tuổi thơ êm đềm và kiêu hãnh
- Kỳ 2: Nghiện lúc nào không hay
- Kỳ 3: Phá xích, kéo theo mảng bê tông sàn nhà ở chân đi mua ma túy
- Kỳ 4: Đào hết vườn nhà thành địa đạo để cai nghiện
- Kỳ 5: Bị nhốt trên tầng nhà, thả sợi chỉ xuống mua heroin
- Kỳ 6: Lần cai nghiện thứ nhất: lên đồng rừng làm thợ sắt
- Kỳ 7: Chở lậu vũ khí, tung hoành xóm bụi và đi tù
- Kỳ 8: Dí dao vào cổ bé gái, bịa chuyện chặt tay dọa chị
- Kỳ 9: Hai lần vượt biên không thành, ba lần thả súng xuống biển
- Kỳ 10: “Tuấn Văn Điển” nổi máu yêng hùng trong Trung tâm cai nghiện
|
Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
|
Kỳ 11: Xăm hai chữ “hạnh phúc” dưới lòng bàn chân-Chết giữa nghĩa địa làng vì sốc thuốc
Lần mẹ lên thăm ấy, nhìn nét mặt đau khổ của mọi người, tôi như bị đâm vào tim. Tôi cắn vào lưỡi mình đến tóe máu, rồi muốn khắc chữ vào tay chân mình như tử tù thời phong kiến Trung Hoa để… cho mình phải nhớ.
Tôi yêu cầu bạn nghiện xăm hai chữ “hạnh phúc” vào dưới lòng bàn chân, vì tôi đã chà đạp lên hạnh phúc đã có. Là vì cái buổi chiều sơn thôn xứ Mường, ở cửa Trung tâm cai nghiện đó, tôi đã thấy nỗi tuyệt vọng, sự đau đớn như chưa bao giờ đau đớn thế của mẹ mình.
Động lực của người cai là tâm lý, niềm tin
Tôi không quỳ lạy mẹ, không khóc rưng rức như đứa trẻ trước mặt mẹ nữa. Bởi tôi làm điều đó đã cả chục lần. Mẹ luôn là báu vật, là đấng sinh thành mà tôi quý hơn cả sự sống của mình, tôi biết mẹ luôn tin tôi dù tôi có hứa rồi lại vi phạm lời hứa một nghìn lần đi nữa. Sau này, khi đã có con, có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, tôi càng thấu hiểu lòng mẹ. Càng hiểu thế nào là câu “cá chuối đắm đuối vì con”, “Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ.”
Buổi chiều ở trung tâm cai nghiện hôm đó, như có cái gì đó soi rọi vào tâm hồn vốn đã chai sạn của tôi, như trận mưa tắm mát cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Sự thức tỉnh sâu sắc đến dịu dàng như những gì tích tụ hàng ngàn năm khí núi, khí sông. Chính tôi cũng bất ngờ.
Tôi thầm hứa dù khó khăn, vất vả tới đâu cũng phải quyết tâm “phục thiện” để cha mẹ không còn phải buồn hay bận lòng vì mình nữa. Đang là một thứ phế nhân thật sự về cả thể xác lần tinh thần, dù một lần nữa phải tập lại từ đầu những bước chập chững, tôi cũng phải làm cho bằng được.
Tôi nhận ra, với người nghiện, cái quan trọng nhất để họ từ bỏ ma túy được là tâm lý, niềm tin. Không phải cứ giam giữ, xích nhốt, không phải cứ tống thuốc vào là xong.
Được gần một năm. Bỗng một ngày, cậu thứ ba của tôi là giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chết vì bị bệnh ung thư. Gia đình lên trung tâm cai nghiện xin phép cho tôi về để chịu tang cậu.
Sốc thuốc, chết lâm sàng trong nghĩa địa làng
Đứng trước linh cữu của cậu, tử biệt sinh ly, không có con đường nào (theo cách nghĩ thông thường) để trò chuyện, để hứa, để sám hối với người đã chết nữa, tôi bèn nhờ anh thợ ở đội nhạc hiếu “khóc” cho tôi một bài thê thiết. Không hiểu sao cậu ấy khóc đúng cái điều tôi đang nghĩ đến vậy, như là cậu ta ngồi trong tim trong óc của tôi mà rên rỉ vọng ra.
Tôi hứa nhất định cháu sẽ trở lại làm người, cháu sẽ bỏ được ma túy, mong được cậu phù hộ và đồng hành cùng cháu, giúp đỡ cháu trở lại xã hội. Một ngày nào đó khi bỏ được ác quỷ ma túy, cháu sẽ đến quỳ trước bàn thờ cậu để báo công. Tự đáy lòng, giờ cậu đã cậu thành người đi mây về gió, cháu mà nói sai cậu đừng nể tình ruột thịt với mẹ cháu nữa, cậu cứ vặn cổ cho cháu chết tươi…
Bình thường tôi không “mê tín”, không nanh nọc kiểu đó đâu. Nhưng buổi tang ma thê thiết đó, không hiểu sao tôi lại nghĩ và thề trước linh cữu cậu mình như vậy...
Sau đám tang cậu, tôi không lên trên trung tâm cai nghiện nữa mà về quê thăm nhà.
Than ôi, không hiểu sao, được đúng một hôm tôi lại đi tìm ma túy ngay.
Cùng hai đứa nghiện đi lên Bái (thuộc Phú Xuyên - Hà Tây cũ) cách nhà hơn chục cây số, mua thuốc xong liền mang ra nghĩa địa ở xã bên cạnh mà chơi. Tôi chơi với cái liều khủng khiếp, gấp nhiều lần những ngày bình thường. No dồn đói góp, cơn thèm khát khiến tôi không còn biết gì nữa, dường như “con ma” ấy bảo tôi, “cần phải chơi thật nhiều để bù vào những ngày bị giam lỏng trong trại cai nghiện kia”. Và, giống như những kẻ đói quá, ăn nhiều rồi chết vì no. Vừa rút kim ra đã thấy đất trời lảo đảo, tôi gục xuống.
Cậu bạn nghiện những tưởng “cùng hội cùng thuyền”, ai dè thấy tôi sốc thuốc nằm đơ ra đấy, cậu ta chuồn êm luôn. Một bà đi hái rau ven nghĩa địa, thấy bảo đứa chết ngoài bãi tha ma là con bà Vân làm ở bệnh viện huyện, mới kêu ầm ĩ lên. “Ối trời ơi, bà Vân làm ở khoa sản, bà ấy tử tế lắm. Bận nào tôi đẻ bà ấy cũng đỡ, có khi còn bón cháo bón cơm cho tôi. Cứu lấy cu Tuấn con nhà bà Vân”. Họ sờ thì thấy tôi dường như tắt thở.
“Thằng này chỉ có chết mới hết nghiện”
Nhờ sự xăng xái của bà, tôi đã được đưa về nhà tôi bằng cách nào đó. Bấy giờ tôi mê man không biết gì. Bố mẹ tôi ngất lên ngất xuống.
Trong cơn chết lâm sàng ấy, hình như tôi đã có chuyến viễn du kỳ lạ trong tâm tưởng. Tôi lại gặp cậu, gặp tổ tông nhà tôi, cả những người tôi chưa từng biết mặt trên dương gian. Cậu tôi bảo, tụt quần chui vào nghĩa địa hú hí với “nàng tiên nâu”, rồi chết nhục nhã thê thảm và kinh dị trong ấy, trước sự dè bỉu, thương hại của dân làng, cháu chết như thế này, lá xanh rụng trước, thì bố mẹ cháu mai đây có về với các cụ cũng chả nhắm được mắt vì đau, vì ân hận, vì hổ thẹn với đời, cháu nhé.
Tôi tỉnh dậy, bằng một nguồn năng lượng kỳ lạ nào đó.
Ngay hôm sau, tôi tự động xin với gia đình tiếp tục lên Hòa Bình cai nghiện.
Bố mẹ rất ngạc nhiên. Mẹ sờ nắn cơ thể tôi, mẹ vẫn chưa bao giờ không coi tôi là thằng cu của mẹ, mẹ vẫn nghĩ là mẹ cần cho nó bú mớm, cần xi đái rửa ráy cho tôi như thuở trước… Mẹ mân mê bàn chân tôi lúc tôi nằm khóc, thấy dưới lòng bàn chân vết xăm đen kịt hai chữ “Hạnh phúc”, mẹ mỉm cười bao dung, lại tin, lại động viên.
Sau này tôi nghiệm ra, cứ nhốt vào phòng kín trong trung tâm cai nghiện, xích chân lại, hay gây án bị bắt đi tù thì tôi xa rời được ma túy. “Giam” bao lâu thì số ngày chia tay “nàng” được đúng bấy lâu. Sểnh ra là đi tìm thuốc, không vặt được tiền của ai thì đi ăn cướp. Đến bây giờ, gần 40 tuổi đầu, quả là tôi không thấy có thứ nào trên đời khó lý giải, ma mãnh, lắt léo, thất thường, kinh hoàng như ma túy.
Chuyến xe định mệnh
Tôi ở trung tâm thêm nửa năm nữa. Tôi vẫn thích ở trại hơn. Vì ở đó, dù chả cai được thì ít ra tôi cũng sẽ cách ly được với ma túy và các xới nghiện đốn mạt khác… hàng năm trời. Có người cay đắng bảo, loại như tôi, chỉ ở trại cai nghiện từ lúc trẻ cho đến khi chết, thì mới bỏ được ma túy.
Trong một lần nghỉ Tết, gia đình xin phép cho tôi được về thăm nhà. Rời trung tâm, tin chắc là mình đã cai được, ngoảnh lại thấy các học viên đông đúc đang nhìn theo, tôi đã ứa nước mắt. Tôi tự nhủ, sẽ có ngày mình trở lại đây, giúp đỡ những người bạn tội nghiệp này. Chắc chắn sẽ có ngày đó.
Đó là chuyến xe định mệnh.
Kỳ 12: Cuộc hôn nhân đầu tiên với ca sĩ Sao mai điểm hẹn