Kỳ 1: Những người Mỹ nhiều “duyên nợ” với Việt Nam bắc nhịp cầu hàn gắn

VietTimes – Đầu tháng 4/2020, dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút sự chú ý của đông đảo công luận quốc tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội tại Mỹ và nhiều quốc gia.
Ngày 18/11/2000, người dân TP.HCM vẫy chào Tổng thống Clinton khi ông đi bộ trên khu phố gần Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Hoàng Đình Nam (AFP).
Ngày 18/11/2000, người dân TP.HCM vẫy chào Tổng thống Clinton khi ông đi bộ trên khu phố gần Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Hoàng Đình Nam (AFP).

Tổng thống Hoa Kỳ cảm ơn những người bạn ở Việt Nam đã hỗ trợ để chuyển giao nhanh chóng các trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho nước Mỹ.

Đó chỉ là một trong những chi tiết cho thấy mối quan hệ giữa hai cựu thù giờ đã tiến đến mức độ tin cậy và nồng ấm như thế nào. Nhưng với những người đã từng tham gia tích cực vào quá trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, đó là cả một hành trình đằng đẵng kéo dài hai thập kỉ, với biết bao nghi kị, thù địch, bao lực cản tưởng chừng không thể vượt qua.

Đó là một cuộc chiến dai dẳng. Cứ mỗi lần hai bên đạt được một bước tiến, chính phủ Hoa Kỳ lại lùi một bước, đưa ra một đòi hỏi mới, một yêu cầu mới buộc phía Việt Nam phải đáp ứng” - ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người được xem là người kiến thiết mối hợp tác giáo dục Việt – Mỹ, người bạn thân sát cánh cùng Thượng nghị sĩ John Kerry trong nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, kể lại.

Ngay tại những thời điểm tưởng chừng như bế tắc nhất, theo ông Vallely, các nhà lãnh đạo và ngoại giao Việt Nam vẫn luôn sẵn lòng chìa tay, chủ động nối lại và giữ liên lạc với phía Mỹ.

Đường lối ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt của phía Việt Nam, cùng với những hoạt động vận động tích cực của thế hệ các nghị sĩ Mỹ là cựu chiến binh như Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry đã “đưa tiến trình làm bạn của hai nước giảm xuống còn một nửa” như cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Pete Peterson từng nói.

Ông Thomas Vallely hồi tưởng lại câu chuyện 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. (Ảnh: Phạm Hải - VNN).
Ông Thomas Vallely hồi tưởng lại câu chuyện 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. (Ảnh: Phạm Hải - VNN).

VietTimes đã ghi lại câu chuyện về tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ 25 năm trước từ chia sẻ của những người trong cuộc và nhân chứng của thời kì lịch sử đặc biệt này.

Cơ hội bị bỏ lỡ cuối thập niên 70

Ngay từ năm 1976, một năm sau khi chiến tranh kết thúc, phía Việt Nam đã gửi một thông điệp không chính thức cho Mỹ qua Liên Xô, đề nghị hai bên gặp nhau để thảo luận việc bình thường hóa quan hệ.

Tuy nhiên, những nỗ lực đầu tiên này không đạt được tiến triển bởi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Gerald Ford vẫn theo đuổi chính sách cấm vận và cản trở Việt Nam vào Liên Hợp Quốc.

Đầu năm 1977, ông Jimmy Carter của Đảng Dân chủ lên đắc cử Tổng thống. Một trong những cam kết khi tranh cử của ông là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tháng 3/1977, ông cử một phái đoàn sang Hà Nội để bàn thảo việc nối lại quan hệ bang giao.

Cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đầu tiên được tổ chức tại Paris ngày 3 và 4/5/1977 do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Dick Holbrooke dẫn đầu. Chính quyền Carter cũng đồng ý để Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm kể lại, tuy Washington yêu cầu đàm phán không có điều kiện tiên quyết, nhưng khi bước vào đàm phán, phía Mỹ vẫn đòi Việt Nam thông tin đầy đủ về lính Mỹ mất tích trong chiến tranh và trao trả hài cốt lính Mỹ (POW/MIA).

Điều kiện từ phía Việt Nam là Mỹ phải thực hiện lời hứa bằng văn bản góp phần vào việc tái thiết Việt Nam với số tiền 3,25 tỷ đô la Mỹ như điều 21 của Hiệp định Paris năm 1973 (thực chất là bồi thường chiến tranh).

Phía Mỹ từ chối thảo luận và nêu ý kiến nên để sau khi bình thường hóa sẽ thông qua buôn bán và cung cấp một số thiết bị cần thiết cho Việt Nam như một cách góp phần vào việc tái thiết. Bởi lẽ khi đó, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu cấm bất kỳ hình thức viện trợ nào cho Việt Nam.

Do lập trường hai bên khác nhau nên cả ba vòng đàm phán trong năm 1977 đều lâm vào thế bế tắc.

Sang năm 1978, Việt Nam cử Trưởng đoàn đàm phán mới là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang đàm phán kín với ông Holbrooke, chấp nhận bình thường hóa vô điều kiện, ngụ ý không nhắc lại việc thực hiện khoản viện trợ tái thiết 3,25 tỷ đô la.

Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong vòng vây của các nhà báo quốc tế.
Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong vòng vây của các nhà báo quốc tế.

Ông John McAuliffe – Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển Mỹ - từng kể trong cuốn sách viết về ông Nguyễn Cơ Thạch rằng: Tháng 9/1978, ông gặp ông Nguyễn Cơ Thạch khi đến New York để tiến hành vòng đàm phán cuối cùng với ông Holbrooke.

Dù Việt Nam đã sẵn sàng và tha thiết với việc bình thường hóa quan hệ, nhưng ông Nguyễn Cơ Thạch ở lại New York vài tuần để rồi nhận được câu trả lời: Washington chưa sẵn sàng cho việc bình thường hóa.

Sự thực là khi đó, Washington và Bắc Kinh đã quyết định bắt tay nhau kiềm chế Moscow. Việt Nam, nước bị xem là đồng minh thân cận của Liên Xô ở Đông Nam Á trở thành mục tiêu tấn công ngấm ngầm lẫn công khai của Trung Quốc.

Suốt từ những năm 1975 đến năm 1978, chế độ Pol Pot được Bắc Kinh hậu thuẫn liên tục tiến hành các hoạt động tấn công dọc biên giới Tây Nam Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào thời điểm quan hệ Việt – Trung vô cùng căng thẳng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Hà Nội đã hiểu được những toan tính chiến lược của các “ông lớn” nhưng có vẻ như mọi chuyện đã quá muộn. Mike Morrow, người phỏng vấn Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch năm 1980, nói rằng ông Thạch từng nói thẳng với người đồng cấp Holbrooke rằng: Mỹ không cần phải lựa chọn giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nói cách khác, lại một lần nữa, Việt Nam trở thành con “tốt thí” trên bàn cờ của các nước lớn.

Việt Nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị “dập” bất cứ lúc nào”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng nhận định trong một cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam – VietNamNet nhiều năm trước.

Sau này, khi nhìn lại nhiều người tiếc nuối cho rằng, giá như Việt Nam không đặt điều kiện đòi bồi thường chiến tranh và có thể bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thì cuộc chiến tranh với Trung Quốc; và việc bị bao vây, cấm vận trong suốt hơn 10 năm sau đó, kéo theo vô vàn những hậu quả về kinh tế, là điều mà Việt Nam đã có thể tránh được.

Nhưng lịch sử không có chữ “Giá như”. Ngay cả khi chính quyền Carter sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, những lực cản từ trong nội bộ nước Mỹ chưa chắc đã cho phép điều đó trở thành hiện thực.

“Bởi cuộc chiến tranh đã gây chia rẽ sâu sắc nước Mỹ hàng chục năm, gây nên hội chứng Việt Nam cho nhiều thế hệ, kéo dài dai dẳng mãi hàng chục năm sau” - ông Vallely lý giải.

Thế hệ Việt Nam tại Mỹ – những người nối lại nhịp cầu

Sau khi các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ thất bại, quan hệ hai bên trở lại trạng thái căng thẳng và thù địch kéo dài khi Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau thành lập mặt trận quốc tế bao vây, cô lập và cấm vận Việt Nam trong suốt 10 năm sau đó với cái cớ để phản đối việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, dù là để tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot.

Nhưng ngay cả khi mọi kênh liên lạc bị đóng băng, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn nỗ lực tìm kiếm và duy trì cầu nối với phía Mỹ, trong đó có việc tổ chức cho các đoàn cựu chiến binh Mỹ thăm lại Việt Nam.

Tháng 12/1981, ông Bobby Mueller, một cựu trung úy thủy quân lục chiến bị thương trong chiến tranh Việt Nam, cùng với 3 cựu binh khác trở thành những cựu chiến binh Mỹ đầu tiên được thăm Hà Nội kể từ khi chiến tranh chấm dứt.

Chủ tịch Quỹ Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (VVAF) về sau trở thành người sáng lập Chiến dịch toàn cầu chống bom mìn sát thương được trao Nobel Hòa bình vẫn còn nhớ như in cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch.

“Tôi trình bày với ông Thạch những mối quan tâm của chúng tôi về vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), về vấn đề hậu quả của chất độc hóa học. Bằng vẻ thâm trầm, ông Ngoại trưởng ghi nhận những ý kiến của chúng tôi và yêu cầu tổ chức một cuộc họp chung vào 8 giờ tối.

Phía Việt Nam gồm 6 đại diện của Bộ Ngoại giao. Khi chúng tôi nói về những hậu quả nặng nề của cuộc chiến mà các cựu binh Mỹ đang trải qua ở bên kia bờ Thái Bình Dương, những đại biểu Việt Nam lắng nghe trong im lặng. Rồi bỗng nhiên cả 6 đồng loạt đứng dậy, cởi bỏ những chiếc áo khoác của mình.

Họ chỉ cho chúng tôi những vết tích, những vết thương mà họ đang mang trên thân mình từ cuộc chiến tranh. Tất cả chúng tôi sững sờ. Và rồi không ai bảo ai, cả mười người chúng tôi ôm nhau khóc.

Chúng tôi nhận ra rằng hai bên đã tìm được sự đồng cảm. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau sẽ làm nhiều điều hơn cho một tương lai tốt đẹp của cả hai phía” - ông Bobby Mueller kể lại.

Ngày 7/2/1995, lá cờ Mỹ lần đầu tiên được kéo lên một cách chính thức tại Văn phòng liên lạc Mỹ (nay là Đại sứ quán Mỹ) trên phố Láng Hạ - Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Ngày 7/2/1995, lá cờ Mỹ lần đầu tiên được kéo lên một cách chính thức tại Văn phòng liên lạc Mỹ (nay là Đại sứ quán Mỹ) trên phố Láng Hạ - Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Kể từ đó, theo lời Bobby Muller, VVAF hoạt động như “đại sứ quán Việt Nam tại Washington”, là nơi truyền tải những yêu cầu, những vấn đề về các hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam lên quốc hội và chính giới Mỹ. 

Bên cạnh kênh cựu chiến binh, các nhà ngoại giao Việt Nam nỗ lực khai thông trở lại các cuộc đối thoại với chính phủ Mỹ, tập trung vào vấn đề lính Mỹ mất tích ở Việt Nam. Đó là một mối quan tâm lớn trong xã hội Mỹ thời đó mà không có bất cứ chính trị gia nào có thể cưỡng lại được.

Bởi vậy, tháng 2/1982, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Richard Armitage bay sang Hà Nội thảo luận với Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ông Armitage còn đến Việt Nam hai lần nữa vào năm 1984 và 1986, cho đến khi các cuộc đàm phán chính thức về bình thường hóa quan hệ được mở lại vào năm 1987.

Đến giữa thập niên 80 của thế kỉ trước, tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước thúc đẩy khi một thế hệ nghị sĩ trẻ từng là cựu chiến binh Việt Nam như John McCain, John Kerry, Bob Kerrey, Chuck Hagel,…bước vào chính trường.

Những nghị sĩ này có nguồn gốc, hoàn cảnh cá nhân khác nhau, tham gia các đảng phái chính trị đối lập, nhưng cùng có mối liên hệ chung: Cuộc chiến tranh Việt Nam, sự kiện đã định hình cả thế hệ của họ và đất nước nơi họ sinh ra và đến giờ vẫn còn để lại những di chứng nặng nề.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain là một tù nhân chiến tranh (P.O.W: Prisoner of War), bị giam giữ 6 năm tại Hỏa Lò, Hà Nội sau khi máy bay của ông bị bắn rơi ven hồ Trúc Bạch năm 1967.

Sau này, ông từng tâm sự với Mark Salter, một cố vấn thân cận và là người chắp bút viết cuốn sách tiểu sử của ông, rằng những năm tháng trong phòng giam rộng vài mét vuông ở “Hilton Hà Nội” có lẽ đã “thay đổi hướng đi của cuộc đời tôi theo một cách nào đó, khiến tôi trở thành một con người khác trong mối quan hệ với mọi người xung quanh”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, John Kerry, một luật sư tài năng là cựu lính hải quân trong chiến tranh Việt Nam và bị thương.

Trở về Mỹ với ba tấm huân chương trên ngực áo, cựu trung úy hải quân John Kerry trở thành người tiên phong trong phong trào phản chiến, với bài phát biểu chấn động nước Mỹ tại phiên điều trần Winter Soldier tháng 4/1971 (cuộc điều tra về tội ác của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam).

Câu chất vấn nổi tiếng: “Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?”, đã được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về ông.

John Kerry trở thành người tiên phong trong phong trào phản chiến, với bài phát biểu chấn động nước Mỹ tại phiên điều trần Winter Soldier tháng 4/1971.
John Kerry trở thành người tiên phong trong phong trào phản chiến, với bài phát biểu chấn động nước Mỹ tại phiên điều trần Winter Soldier tháng 4/1971.

Theo một thống kê, hơn 3 triệu thanh niên Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, 321 nghìn người bị thương, 58 nghìn người thiệt mạng. Cho đến giờ, vẫn còn khoảng hơn 250 nghìn cựu chiến binh phải vật lộn với những sang chấn tâm lý.

“Cuộc chiến tại Việt Nam là câu chuyện bi đát trong lịch sử cá nhân và lịch sử Hoa Kỳ. Chúng tôi mong muốn chấm dứt chương lịch sử đen tối đó như một cách để kết thúc cuộc chiến” - ông Vallely lý giải.

Bản thân Thomas Vallely, nguyên hạ nghị sĩ bang Massachusetts (1980 – 1987) cũng đã tham gia đơn vị thủy quân lục chiến đóng tại xã An Hòa, gần thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam khi mới 18 tuổi.

Gắn bó với ông John Kerry từ những ngày của phiên điều trần Winter Soldier và là giám đốc tranh cử trong cuộc chạy đua vào Quốc hội đầu tiên của ông này năm 1972, ông Vallely trở thành người bạn thân thiết sát cánh cùng ông Kerry trong suốt tiến trình vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam về sau./.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ