Ông Cottarelli cho rằng đó chỉ là một sự điều chỉnh cần thiết đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chứ không phải là một cuộc khủng hoảng.
Theo ông Cottarelli, một sự điều chỉnh là cần thiết song hiện còn quá sớm để nói về một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc. IMF đã dự báo kinh tế của Trung Quốc năm nay sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 6,8%, thấp hơn mức tăng 7,4% trong năm 2014.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường biến động vì những diễn biến xung quanh tình hình kinh tế thế giới. Các số liệu ảm đạm về tình hình kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng yếu đã lại một lần nữa phủ đám mây u ám lên bầu trời kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán và năng lượng lao dốc.
Theo báo cáo sơ bộ mới công bố của Caixin/Markit, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trong tháng Tám của Trung Quốc chỉ đạt 47,1 điểm, so với 47,8 điểm của tháng Bảy, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Không chỉ có lĩnh vực chế tạo, các số liệu về đầu tư và doanh số bán lẻ trong tháng Bảy của Trung Quốc cũng khá thất vọng và làm dấy lên quan ngại về sự mất đà của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gây ra một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, kinh tế Mỹ cũng đón nhận số liệu kém khả quan, với PMI trong lĩnh vực chế tạo bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất của hai năm là 52,9 điểm, so với mức 53,8 điểm trong tháng Bảy và mức dự báo 54 điểm được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.
Ngoài hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, nhất là sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bất ngờ đệ đơn từ chức. Mặc dù vậy, chỉ số PMI của khu vực này trong tháng Tám đã tăng lên 54,1 điểm thay vì mức 53,9 điểm trước đó trong tháng Bảy, qua đó cho thấy chương trình mua trái phiếu khổng lồ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát huy tác dụng.
Tuần trước, các thị trường trên thế giới đã chao đảo sau khi Bắc Kinh bất ngờ điều chỉnh hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD khi số liệu yếu kém về kinh tế được công bố cộng với việc thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 33% giá trị kể từ tháng Sáu năm nay. Chứng khoán lao dốc khiến giới đầu tư đổ xô đi tìm những tài sản an toàn hơn như vàng và và các loại trái phiếu chính phủ.
Phương Nga theo TTXVN